"Ước Hẹn Mùa Thu" có đang cười cợt kém duyên và bôi bác hình ảnh người đồng tính?

Paul, Theo Helino 12:37 11/05/2019

Ước Hẹn Mùa Thu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có hẳn hai nhân vật phụ thuộc giới LGBT được lôi ra làm "miếng hài" phục vụ khán giả?

Bình (Hoàng Phi) và Phong (Duy Khánh) là một cặp đôi đồng tính trong Ước Hẹn Mùa Thu với nhiệm vụ chuyên... diễn hài để chọc cười cho khán giả. Sẽ duyên dáng hơn nhiều nếu những miếng hài của đạo diễn Quang Dũng không bị cài cắm một cách quá chủ quan, và gửi đi những ấn tượng không hay đến khán giả về hình ảnh những người đồng tính.

(Từ đây bài viết có tiết lộ nội dung phim, quý độc giả lưu ý trước khi đọc)

Yếu tố LGBT ở đâu trong "Ước Hẹn Mùa Thu"?

Nếu để ý, có thể thấy khá nhiều chi tiết gây hài dựa trên các yếu tố LGBT được cài cắm khá nhiều trong phim. Không ở đâu xa, ngay từ đầu phim đã có thể thấy cách ăn mặc của Phong có phần hơi lố. Cậu trang điểm lòe loẹt, mặt vẽ như hề rồi sau đó dán ba cái phao bơi lại làm một. Bình vừa nhìn thấy Phong đã bình luận: "Em mày sau này bóng chắc luôn!". Đây là một chi tiết đánh đồng khá thô kệch. Cứ hễ ai thích ăn mặc lòe loẹt đều sẽ "bóng"? Và cứ "bóng" là sẽ thích ăn mặc lòe loẹt, trang điểm như một chú hề?

Ước Hẹn Mùa Thu có đang cười cợt kém duyên và bôi bác hình ảnh người đồng tính? - Ảnh 1.

Phong từ bé đã thích ăn mặc lòe loẹt, suy ra lớn lên Phong sẽ "bóng"?

Ước Hẹn Mùa Thu có đang cười cợt kém duyên và bôi bác hình ảnh người đồng tính? - Ảnh 2.

Cặp đôi Bình - Khánh đem chuyện "pùm" nhau bên giường bệnh của Duy ra kể như một câu chuyện vui.

Sau đó thì Bình lại phát hiện ra mình cũng là đồng tính. Thế là cặp đôi "pùm" nhau ngay trên giường của bệnh nhân Duy (Quốc Anh) đã say giấc ngủ thực vật? Nhân vật Bình vô duyên vô cớ, đã có người yêu và trước giờ chưa bao giờ thích Duy. Bỗng dưng ngày cậu bạn thân tỉnh dậy, Bình lại có thái độ nhìn... mông bạn và đôi lúc là "sàm sỡ" Duy. Đây có phải chi tiết cho rằng: Cứ hễ là gay sẽ phải có thái độ quấy rối bất kỳ trai thẳng nào mà chả cần lí do?

Ước Hẹn Mùa Thu có đang cười cợt kém duyên và bôi bác hình ảnh người đồng tính? - Ảnh 3.

Có phải "Ước Hẹn Mùa Thu" đang đánh đồng rằng cứ hễ gay thì sẽ thích ăn mặc, trang điểm lòe loẹt như một... mâm ngũ quả?

Phim mang cả những khía cạnh cuộc sống những người đồng tính ra để đùa. Khi Duy chạm đáy nỗi đau, hai vợ chồng Bình - Phong lại đang ở phòng đối diện làm "chuyện mờ ám". Làm gì thì không biết nhưng khi hối hả chạy sang thăm hỏi Duy thì cả hai chỉ mặc độc có chiếc quần lót và mồ hôi nhễ nhại. Khi bị Duy phát hiện, cả hai chỉ biết bẽn lẽn giấu đi mồ hôi trên người. 

Một tình tiết nhàm chán khác là phân cảnh giả gái khi 3 nhân vật Phong, Bình, Long giả gái để tạo tiếng cười. Cứ cần hài hước là phải giả gái cũng là 1 điều đã cũ mòn và thiếu hiện đại.


Long - Bình - Phi giả gái trong "Ước Hẹn Mùa Thu"

Tại sao lại chọn LGBT làm yếu tố gây cười?

Có rất nhiều cách để gây cười. Phong cách trào phúng, châm biếm hoặc tạo ra những nhân vật hậu đậu, ngớ ngẩn là một ví dụ. Vậy tại sao yếu tố LGBT lại được chọn để làm chủ đề gây hài chính trong Ước Hẹn Mùa Thu?

Lí do có thể chỉ đơn giản là: một cặp đôi đồng tính ra chọc sẽ làm được nhiều khán giả đón nhận. Vì tâm lý chung của người xem ở đây là: "Ai trong đời mà chẳng từng chọc ghẹo, lôi những người đồng tính ra làm trò cười?". Mặc định trong đầu một số khán giả dị giới, đồng tính là một chủ đề... hài hước. Rất dễ để chọc một khán giả dị tính cười với một câu đùa về người đồng tính. Yếu tố hài hước dựa trên các thành viên cộng đồng LGBT luôn là một kiểu pha trò dễ ăn, dễ thắng với gu hài hước vẫn còn kì thị của khán giả.

Ước Hẹn Mùa Thu có đang cười cợt kém duyên và bôi bác hình ảnh người đồng tính? - Ảnh 5.

Màn biểu diễn giả gái vô duyên đỉnh cao của bộ ba Long - Bình - Phong.

"Miếng" hài về giới LGBT thì có liên quan gì đến phim thanh xuân?

Một phim thanh xuân, đáng lý ra chỉ cần đẹp, lãng mạn và cảm động, gợi lại được ký ức tuổi trẻ cho người xem đã là quá đủ. Với dàn diễn viên toàn nam thanh nữ tú, người đạo diễn bậc thầy trong việc kể chuyện bằng hình ảnh hoàn toàn có thể xây dựng kịch bản theo một hướng khác.

Việc châm chọc giới LGBT xuất hiện trong Ước Hẹn Mùa Thu trở nên rất là... không liên quan. Những miếng hài thiếu cảm thông dường như làm phân tán sự tập trung của người xem vào chuyến hành trình tìm lại quá khứ của nhân vật chính. Nếu bạn để ý, việc Bình và Phong là đồng tính chả giúp Duy giải quyết được gì ngoài tấu hài cho người xem. Đó là một câu chuyện hoàn toàn đứt lìa ra so với tuyến kịch bản chính.

Ước Hẹn Mùa Thu có đang cười cợt kém duyên và bôi bác hình ảnh người đồng tính? - Ảnh 6.

Cặp đôi Phong - Bình cho dù có đồng tính hay không cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến số phận của nhân vật chính. Vậy thì cho vào phim làm gì?

Tới đây, chúng ta lại quay về vấn đề đặt ra ở trên. Có rất nhiều cách gieo miếng hài khác nhau, tại sao phải là những miếng hài từ người đồng tính để mua vui? Trong khi đó, tuyến kịch bản hài vẫn có một nhân vật khác đảm nhiệm khá tốt, đó là Kay Trần (Long). Nghĩa là vẫn có những cách khác để xây dựng cốt truyện hài hước của phim nhưng tại sao đạo diễn cứ phải đem những nhân vật đồng tính ra làm trò mua vui cho người xem?

Ước Hẹn Mùa Thu có đang cười cợt kém duyên và bôi bác hình ảnh người đồng tính? - Ảnh 7.

Kay Trần là một gương mặt hài khá nổi bật trong phim.

Có thể một số khán giả cho rằng những yếu tố LGBT trong phim chỉ là mua vui, và nhiều người đã trở nên quá nhạy cảm khi cứ nhắc đến LGBT nhẹ cái là bị xúc phạm. 

Nhưng không thể chối cãi, LGBT trong Ước Hẹn Mùa Thu đang được khai thác rất thiếu nhạy cảm. Để phục vụ mục đích gây cười, các nhân vật đồng tính được xây dựng trở nên lố bịch, cư xử có phần khiếm nhã, thích sờ soạng, sẵn sàng sex mọi lúc mọi nơi và không ý thức được thế nào là lịch sự. Có rất nhiều cách để tạo ra tiếng cười, và việc xây dựng nhân vật đồng tính có phần méo mó, cũ kỹ không phải là cách hay nhất hay đáng khen ngợi nhất. Và những hình ảnh như vậy xuất hiện trong 1 tác phẩm điện ảnh, chắc chắn là ảnh hưởng rất tiêu cực đến cái nhìn của cộng đồng dành cho LGBT, khiến hình ảnh LGBT dễ dàng bị đem ra làm trò cười cả ở trong phim lẫn ngoài đời. 

Ước Hẹn Mùa Thu là một tác phẩm điện ảnh thanh xuân nữa của đạo diễn Quang Dũng sau Tháng Năm Rực Rỡ. Phim kể về chàng trai sau khi bị tai nạn giao thông đã sống thực vật hơn 15 trời để rồi tỉnh lại với một thực tại hoàn toàn khác xa với quá khứ mà anh từng sống.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn "Ước Hẹn Mùa Thu" có đùa quá vô duyên về người đồng tính không?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.