Tôi nghĩ rằng mình có phần may mắn hơn những người khác, vì sự thức tỉnh trong việc quản lý chi tiêu không tìm đến tôi qua những biến cố nặng nề. Nó đến với tôi một cách nhẹ nhàng vào buổi sáng đầu tiên của tuổi 29. Hôm đó là cuối tuần, tôi tỉnh dậy trong căn phòng nhỏ bên rìa thành phố và chợt cảm thấy chán quá.
Khoảnh khắc ấy, tôi muốn đi đâu đó một mình, nhưng ngó lại tài khoản, tôi nhận ra bản thân còn chẳng đủ tiền để đặt vé máy bay 1 chiều. Đó là khoảnh khắc khiến tôi thấm thía việc không có tiền tiết kiệm khiến cuộc sống bí bức, thiếu tự do và tự chủ đến nhường nào.
Lý do khiến tôi không dư dả dù đã đi làm hơn nửa thập kỷ (ở thời điểm đó), đương nhiên, chẳng thể là gì khác ngoài mua sắm vô tội vạ. Đến giờ nhìn lại, tôi mới nhận ra 5 món đồ mình yêu thích thời trẻ đều là cạm bẫy hao sản.
Nếu được quay ngược thời gian, tôi sẽ không chi dù chỉ 1 cắc cho chúng!
Thời đại này, phần lớn chúng ta đều dùng smartphone, nên việc mua ốp điện thoại cũng chẳng có gì phi lý. Nhưng nếu mọi người mua 1 chiếc ốp điện thoại và dùng nó quanh năm, cho đến khi hỏng mới thôi, thì mỗi tháng tôi mua 1 chiếc, thậm chí là 2-3 chiếc. Bản thân tôi cũng không hiểu tại sao mình lại mua nhiều ốp điện thoại tới như vậy.
Bộ sưu tập ốp điện thoại của tôi phải lên tới con số hơn 100. Cứ chán là tôi lại mua ốp điện thoại. Trung bình 1 chiếc ốp điện thoại tôi mua có giá 16 NDT (khoảng 56.000đ), tôi thấy chúng quá rẻ, chẳng thấm vào đâu. Nhưng với BST ốp điện thoại 180 chiếc của tôi, thì tổng số tiền tôi chi ra cho món đồ vô thưởng vô phạt này là 2880 NDT (khoảng 10 triệu đồng).
Đây hoàn toàn không phải số tiền nhỏ chút nào với một cô sinh viên mới ra trường - chính là tôi, ở thời điểm 3-4 năm trước.
“Hiệu quả chỉ sau 7 ngày sử dụng” chính là lời quảng cáo khiến tôi không tiếc tiền chi cho những sản phẩm dưỡng da, trị mụn, phục hồi tóc hư tổn. Giống như nhiều cô gái khác ở độ tuổi 20, tôi cũng hay nhuộm tóc, tẩy tóc và không thể không trang điểm trước khi ra đường. Tất cả những điều này khiến tóc tôi xơ như chổi xuể, còn da thì chi chít mụn.
Thời ấy, tôi quá ngây thơ và dư thừa ngốc nghếch nên không biết rằng quá trình phục hồi da và tóc không phải là chuyện có thể làm trong một vài ngày. Bị quảng cáo “dỗ ngon, dỗ ngọt” vì thiếu kiến thức, tôi không thể nhớ nổi số tiền mình đã chi cho những sản phẩm chăm sóc da và tóc là bao nhiêu. Điều duy nhất tôi dám chắc là cứ 2 tuần một lần, tôi lại móc tiền trong túi để mua đồ dưỡng da, thay dầu gội và dầu xả vì “dùng mãi có thấy hiệu quả đâu”.
Một tuần có 7 ngày, theo lẽ thường tình, một người bình thường chỉ cần tối đa 7 bộ đồ ngủ là đủ, nhưng tôi thì không. Tôi phải có tới 20 bộ đồ ngủ hoặc thậm chí là hơn thế, vì lần gần nhất khi tôi dọn tủ đồ, tôi đã thanh lý 12 bộ đồ ngủ chưa giật mác.
Sở dĩ, tôi mua nhiều đồ ngủ không phải vì lười giặt đồ, mà chỉ bởi trông chúng quá dễ thương. Quần áo đi làm của tôi không nhiều, đâu đó chỉ 5-6 bộ thay đổi. Giờ nghĩ lại mới thấy, bản thân tôi thật quá mù quáng!
Ngoài đam mê với ốp điện thoại và đồ ngủ, tôi còn có một đam mê mãnh liệt khác với túi xách. Không đủ tiền để mua túi xách hàng hiệu, nhưng tôi cũng chẳng tiếc tiền để rước những chiếc túi xách local brand hoặc handmade với giá bằng cả 1/3 tháng lương. Tôi có thể tìm ra cả ngàn lý do để quyết định chốt đơn một chiếc túi xách: Kiểu dáng của chúng quá mới lạ, màu sắc quá đặc biệt,... nhưng lại chẳng thể tìm nổi 1 lý do để bản thân ngưng chốt đơn mặt hàng này.
Kết cục, tiền cứ thế vỗ cánh bay, đến khi căn phòng tôi thuê chẳng đủ chỗ chứa nữa, tôi đành phải đăng thanh lý với mức giá rẻ mạt. Lúc ấy mới thấy xót tiền, nhưng cũng đã quá muộn.
Là con gái, thành thực mà nói, chỉ cần có 2 chiếc túi xách - một chiếc đi làm, một chiếc đi chơi, là đủ rồi!
Mới đi làm, lương sợ rằng còn chẳng đủ ăn, tiền đâu ra mà mua trang sức bằng vàng, bằng bạc thật? Có lẽ, thị trường trang sức mỹ ký phát triển được nhờ những người ít tiền nhưng lại thích trưng diện như tôi. Một đôi bông tai có giá chưa tới 10 NDT, dùng vài lần rồi thay mới, vì chúng hoen gỉ hoặc vì quá rẻ, nên chẳng thấy xót của khi ném đi.
Nhiều đơn hàng như vậy dồn lại trong suốt 3-4 năm, chẳng cần nói cũng biết số tiền chi ra cũng tính bằng cả vạn NDT (hàng triệu đồng) chứ không ít.
Ở mỗi độ tuổi, chúng ta lại có một đam mê, một sở thích và một hành vi tiêu tiền khác nhau. Rất khó để khuyên 1 bạn trẻ mới ngoài 20 tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu, khi họ đang tận hưởng cảm giác sung sướng vì được tiêu những đồng tiền do chính mình làm ra. Cũng phải đến năm 29 tuổi, tôi mới bắt đầu có ý thức thay đổi hành vi chi tiêu của mình.
Nhưng mong bạn hiểu rằng sở thích cá nhân hay chiều chuộng bản thân cũng nên có giới hạn. Đừng để đến năm 30 tuổi vẫn không có nổi 1 đồng tiết kiệm giống như tôi. Việc này thực chẳng hay ho gì!
Theo Toutiao