Ứng dụng giao đồ ăn giúp giảm tải cho bà nội trợ ngày Tết

Hải Đăng, Theo ICTNews 15:30 16/02/2021
Chia sẻ

Những gia đình trẻ hiện đại ở thành phố lớn đã quen với việc đặt đồ ăn online cả 3 ngày Tết.

"Dân mình ngày càng ăn Tết hiện đại. Chú không theo kịp", chú Chương, bảo vệ một ngân hàng ở Q.1, TP.HCM nói. Ngày mùng 1 Tết, mấy nhân viên trực cùng chú Chương thi nhau đặt đồ ăn trên mạng. Sáng, trưa, chiều, xế đều có món gì đó để ăn, để vui.

Ứng dụng giao đồ ăn giúp giảm tải cho bà nội trợ ngày Tết - Ảnh 1.

Một tài xế giao thức ăn trưa ngày mùng 2 Tết ở TP.HCM. (Ảnh: Hải Đăng)

"Phở, cơm tấm, rồi trà sữa nữa. Đủ cả. Vì vậy ăn uống cũng bớt ngán", chú Chương nói. Một vài sếp cũng lì xì cho chú bằng ứng dụng của ngân hàng nơi chú đang làm. Số tiền mừng không nhiều nhưng thường gồm các con số may mắn như 6, 8, 79... Chú Chương kể, mùng 1 Tết những năm trước chả ai bán gì cả, chú phải mang đồ ăn từ nhà lên cơ quan trực. Năm nay cũng mang ít bánh chưng bánh tét gọi là, cộng với một ít mứt, còn đồ ăn chính thì có mấy nhân viên trẻ "book", mời chú ăn.

Nhiều gia đình tại TP.HCM vẫn ưa chuộng đi siêu thị, tự lựa đồ ăn thức uống cho ngày Tết, nhưng một số đã chuyển sang đặt hàng qua mạng. Các gia đình trẻ hay những người thế hệ 8x, 9x trong nhà thường quen với việc đặt đồ ăn thức uống hàng ngày nên Tết cũng không ngoại lệ.

Chị Kiều Minh (quận 5, TP.HCM) thường ngày ở cơ quan hay khi về đến nhà vẫn có thói quen đặt đồ ăn, thức uống trên các ứng dụng Grab, Baemin.

"Đồ ăn Tết em đặt cũng giống như trong năm chứ không khác biệt gì mấy: bún bò Huế, cơm, trà sữa, mấy món tráng miệng, bánh tét, pizza...", chị Minh nói.

Đang ở cùng cha mẹ và em trai, ngày Tết cả nhà vẫn nấu các món ăn mặn, tuy nhiên thức ăn vặt chị Minh vẫn trông chờ vào mấy quán quen trên ứng dụng.

"Sài Gòn đang hạn chế ra ngoài nên càng thêm lý do để em không ngồi hàng quán", chị Minh chia sẻ.

Sau ca Covid-19 ở sân bay Tân Sơn Nhất, chính quyền thực hiện giãn cách một số nơi, huỷ nhiều sự kiện tập trung đông người, yêu cầu người dân thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch.

Do việc này, người dân hạn chế đi lại, thăm hỏi nhau ngày Tết. Việc bày mâm cúng, ăn uống trong nhà vì thế cũng đơn giản, hiện đại hơn.

Chị Dương, làm việc cho một sàn giao dịch chứng khoán ở quận 1, sắm sửa đồ Tết hoàn toàn qua các trang thương mại điện tử và ứng dụng gọi đồ ăn. Do ba mẹ ở xa, những ngày này chị thích gì ăn nấy, chủ yếu đặt đồ ăn, dành thời gian trong ngày cho các công việc yêu thích như đọc sách, tập yoga.

Tối mùng 1 Tết, chị Dương sang nhà bạn chơi. "Nhóm em đặt lẩu về ăn vì bạn em đi thăm ông bà nên trước đó không kịp chuẩn bị đồ ăn. Tết nhất đám con gái cũng không muốn làm lụng nhiều", chị Dương chia sẻ.

Theo số liệu từ Statista, thị trường giao nhận thức ăn trực tuyến tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt mức doanh thu lên đến 302 triệu USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt mức 557 triệu USD vào năm 2024.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam vào tháng 3, tháng 4 năm ngoái, Grab ghi nhận giá trị đơn hàng tăng 26% so với trước khi có dịch, có thể vì lý do các thành viên trong gia đình đều ở nhà và ăn uống cùng nhau. Trong đó mức chi nhiều nhất cho các đơn hàng thuộc về bữa tối.

Trong giai đoạn dịch, thói quen đặt đồ ăn cũng thay đổi. Đơn hàng trà sữa vượt hơn so với món cơm, trở thành món được đặt nhiều nhất. Các món được đặt nhiều trên Grab có trà sữa, cơm, bún & mì, thức ăn nhanh, trà, cà phê, nước ép.

Dù vậy, trong Tết hàng quán nghỉ bớt, nhân viên giao hàng cũng về quê nên lượng shipper khan hiếm. Các quận vùng ven càng chịu thiệt do shipper ngại bị “bùng” đơn.

Chị Nga (Quận 12) cho biết thường đặt hàng trên Now và GrabFood. “Đến 30 Tết vẫn bình thường, nhưng sáng mùng 1 đặt Now thất bại vì không có tài xế”, chị Nga nói. Trong Tết, chị thường đặt các món ăn sáng như bún bò, cơm tấm, phở...

Đa số các quán đều có thể đặt từ Now hoặc Grab. Nhưng cũng có những quán chỉ có thể đặt từ Now, và cũng có những quán chỉ có thể đặt từ Grab. Thường chị Nga nghĩ xem gia đình 3 người ăn món gì, sau đó lên app tìm quán, nếu bên nào có quán gần nhà hơn thì đặt. Trường hợp cả hai app đều có thể đặt tại một quán thì sẽ chọn bên nào phí rẻ hơn.

"Nhưng Tết nhất thì em cũng ít khi suy nghĩ về phí. Vì nhà em xa trung tâm, em hiểu tâm lý shipper ngại bị bùng đơn nên thường em thanh toán trước bằng thẻ tín dụng, và “bo” luôn vào đơn hàng", chị Nga nói.

Cận Tết, các ứng dụng đều gia tăng phí ship, thời gian tìm tài xế lâu hơn, tuy nhiên những người được hỏi trong bài này đều khá hài lòng về dịch vụ của các bên, và sẵn sàng cho thêm tiền shipper những ngày cuối năm.

Nguồn: Internet

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày