Hiện nay, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ gần 100g thịt mỗi ngày, tăng 6 lần so với hơn 30 năm trước. Trong khi đó, trong khẩu phần ăn mỗi ngày, lượng rau xanh chỉ ở mức 200g, bằng một nửa so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Ăn ít rau xanh và trái cây liên quan đến 20% số trường hợp ung thư dạ dày và ruột.
Ảnh minh họa.
Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết những năm gần đây, bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh lý về đường tiêu hóa tăng 20% mỗi năm và nguyên nhân gây bệnh liên quan chặt chẽ với những thay đổi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt của người dân. Trong 5 loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam hiện nay thì ung thư đường tiêu hóa đứng hàng thứ 3. Ngoài ra, là nước sử dụng rượu bia hàng đầu thế giới cũng khiến Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng, chiếm 73% số ca tử vong hàng năm, trong đó có các bệnh đường tiêu hóa.
"Ngày xưa người Việt ăn nhiều rau xanh hơn bây giờ. Liệu trong thực phẩm hiện nay có chất bảo quản không? Chúng tôi không khẳng định, nhưng rõ ràng hiện nay ăn ít rau, chất xơ chiếm tỷ lệ nhiều. Ngày xưa bệnh về đường tiêu hóa ít nhưng bây giờ lại gia tăng. Về cơ chế sinh bệnh, người ta thấy có liên quan đến kháng nguyên, vi sinh vật. Mỗi loại sinh vật lại sống trong môi trường khác nhau. Nếu ăn nhiều thịt hoặc nhiều rau thì các loại vi sinh vật cũng phát triển khác nhau, tác động đến đáp ứng miễn dịch của cơ thể, chống lại chính những tế bào ở thành ruột. Thứ 2 là chính bia rượu cũng tàn phá hệ tiêu hóa và sức khỏe của chúng ta rất nhiều", tiến sĩ Vũ Trường Khanh cho hay.
Sau 7 lần tổ chức hội nghị khoa học chuyên ngành tiêu hóa, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm điều trị cho các bác sĩ Việt Nam, đặc biệt là phương pháp chẩn đoán và cắt bớt niêm mạc qua nội soi để điều trị ung thư dạ dày sớm, không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, việc phòng ngừa các yếu tố nguy cơ và việc tầm soát, phát hiện bệnh sớm ở nước ta chưa được ngành y tế và người dân quan tâm đúng mức.