Bố ơi! Mình đi đâu thế? mùa đầu tiên đã trải qua gần nửa chặng đường với 3 vùng đất Củ Chi, Đà Lạt và An Giang. 3 địa danh là 3 trải nghiệm khác nhau, đem đến rất nhiều kỉ niệm lý thú cho 4 cặp bố con. Và qua đó, khán giả truyền hình cũng đã phần nào hình dung được cá tính riêng của mỗi nhóc tì. Cùng nhìn lại Bo, Suti, Bờm và Tê Giác và những đặc điểm "không đụng hàng" trong chuyến hành trình đã qua.
Suti là cô bé nhỏ tuổi nhất nhưng không hề "lép vế" so với các anh chị. Từ buổi đầu, Suti còn khá ham chơi, để bố làm mọi việc, rụt rè trong giao tiếp và chưa thể hiện nhiều. Sau này, khi đã quen với không khí và 3 anh chị, Suti đã mở lòng hơn, thoải mái và vô tư bày tỏ bản thân. Khán giả ấn tượng với Suti bởi sự đáng yêu, ngây ngô, rất ngoan ngoãn. 1 điểm đặc biệt của bé nữa chính là những phát ngôn rất thú vị, ví dụ như phân biệt "con bò con gái", "con bò con trai", răm rắp nghe theo lời bố, giới thiệu là con gái
Thúy Hạnh -
Minh Khang khi đi bán dâu, lo lắng cho bố vì "sợ bố chẳng làm được cái gì đâu" ở xưởng gốm, hay quan tâm nếu thuyền lật là bố gặp nguy hiểm vì là người... mập nhất... Suti thật thà nhưng cũng rất "con gái", đôi lúc bắt nạt Bờm và được đặt biệt danh "bà chằn lửa".
Tuy nhiên, cô bé cũng yêu thương và rất thích chơi với Bờm. Giọng nói "lơ lớ" của Suti đôi khi khiến khán giả thắc mắc, nhưng lớn lên trong 1 gia đình với mẹ người Bắc, bố người Nam, giọng nói đặc biệt này đã vô tình trở thành 1 nét riêng "là lạ" ngay từ khi còn nhỏ.
Tê Giác ngay từ buổi đầu đã thể hiện là 1 cậu bé rất hiếu thảo. Bé hay nói chuyện 1 mình, rất biết cách suy nghĩ và tự dặn dò bản thân.
Hoàng Bách cũng thừa nhận Tê Giác khá độc lập và mạnh mẽ. Những tập về sau, Tê Giác lại bộc lộ 1 khía cạnh khác của mình chính là sự nóng nảy, mất kiên nhẫn: òa khóc khi 2 bố con thua trò đập niêu, vùng vằng và bị phạt khi tưới cà rốt, bực bội khi thua chọi cá hay mới nhất là lấy đũa đánh các bạn khi không ai chịu dọn cơm cùng mình.
Tuy nhiên, xét cho cùng, Tê Giác cũng có rất nhiều khoảnh khắc sống tình cảm, chan hòa với bạn bè. Những lúc nóng nảy được quên nhanh ngay sau đó. Hoàng Bách cũng có những lúc nói chuyện nhẹ nhàng, chỉ ra vấn đề cho con và bé rất hiểu, nghe lời, kiềm chế hơn về sau. Đối với trẻ con, bé nào cũng có những lúc gắt gỏng vô lí, quan trọng là người lớn hãy nhìn nhận thật rộng lượng, tích cực mới thực sự giúp bé phát triển tốt được.
Bo là chị cả và tất nhiên, rất chững chạc, thông minh, nhiều lúc như "bà cụ non". Rất nhiều khán giả yêu thích Bo bởi khuôn mặt xinh xắn, "nét nào ra nét đó", rất dịu dàng và nữ tính. Bé không quá hồn nhiên, nghĩ gì nói nấy mà thường khá "cẩn thận". Tuy nhiên, nhiều lúc người xem phải bật cười khi thấy Bo hơi "tiểu thư": nhờ Suti đi lấy giúp chậu nước mặc dù bản thân ở gần chậu nước hơn, không muốn ra ngoài chào hàng cho bố bán bánh xèo, "chỉ đạo" các em hái bông điên điển, "chỉ huy" đoàn quân 4 nhóc tì nhanh chóng trở về nhà sau khi hái... Có những lúc vẻ "người lớn" ấy lại giúp cả 4 bé có thể vượt thử thách trọn vẹn.
Mặt khác, Bo cũng là 1 cô bé rất biết vâng lời và giàu cảm xúc. Dù cho bố
Phan Anh khá nghiêm khắc nhưng Bo luôn biết lắng nghe, thay đổi bản thân cho phù hợp. Đó cũng chính là điểm mà khán giả rất yêu quý ở cô bé xinh xắn này.
Và cuối cùng, không thể thiếu
Bờm, cậu bé đặc biệt của chương trình. Tính cách nhí nhố, lí lắc của Bờm không những độc nhất ở
Bố ơi! Mình đi đâu thế? mà còn khá "hiếm gặp" ngoài đời. Bờm có chút "tăng động", luôn vui vẻ, khiến mọi người không thể nhịn cười, sở hữu nguồn năng lượng dồi dào và có vô số phát ngôn bất hủ. Khán giả nhớ mãi những màn đối đáp tiếng Anh hồn nhiên, nhiệt tình của Bờm, bài chế "Em của mùa World Cup", trò "Công chúa múa dẻo", màn trề môi như khỉ đột hay những khoảnh khắc... đi tè đáng yêu của anh chàng.
Có lẽ vì lớn lên với ông bố
Trần Lực - 1 người đậm chất nghệ sĩ nên tính cách của Bờm cũng có chút ảnh hưởng, luôn thoải mái tự do thể hiện bản thân, luôn tìm thấy niềm vui, nguồn cảm hứng ở mọi sự vật, sự việc và đặc biệt rất thích chọc cười người xung quanh.
Có thể nhiều người cho rằng
Bố ơi! Mình đi đâu thế? phiên bản Việt chưa hay bằng phiên bản Hàn hay Trung nhưng thật sự thì không có 1 hình mẫu nào cho các ông bố hay các nhóc tì. Mỗi vùng đất, con người đều có những đặc điểm văn hóa và thói quen riêng, 4 cặp bố con phiên bản Việt đã thực sự thể hiện được những màu sắc khác biệt, hấp dẫn. Mỗi người đều có những nét tính cách mà khán giả Việt, ai cũng có thể bắt gặp trong chính mình. Thêm vào đó, những thử thách qua các vùng đất cũng càng khiến mọi người thêm yêu và thích thú hơn với quê hương Việt Nam.
Bố ơi! Mình đi đâu thế? vẫn còn nhiều trải nghiệm khác biệt nữa trong thời gian tới. Tập cuối tại An Giang sẽ lên sóng vào trưa mai, 10/1 trên VTV3.