Những ngày qua, diễn viên
Nam Thư - một trong 6 thí sinh của chương trình "Cười xuyên Việt" phiên bản nghệ sĩ - gây ấn tượng lớn với khán giả với tiểu phẩm "Đòi nợ" mà cô đã mang đến trong đêm thi thứ ba. Đây được xem là sự bứt phá khá thành công của nữ diễn viên trong cuộc thi bởi những tập trước, sự xuất hiện của cô vẫn còn khá mới mẻ, chưa gây được dấu ấn. Là diễn viên của sân khấu kịch Nụ Cười Mới, chuyên trị những vai diễn mang hơi hướng chính kịch nên diễn xuất "tưng tửng" duyên dáng của Nam Thư ở "Đòi nợ" được khán giả và cả ban giám khảo dành nhiều lời khen ngợi.
Nam Thư tiếp nhận buổi phỏng vấn của chúng tôi một cách thân thiện. Cô vẫn không giấu khỏi niềm vui và sự bất ngờ khi chia sẻ những cảm xúc về chiến thắng trong tuần qua. Đồng thời, nữ diễn viên cũng có phút trải lòng về khoảng thời gian khó khăn trong sự nghiệp mà cô từng đối mặt như bao nghệ sĩ khác...
Diễn viên Nam Thư
Hành trình sự nghiệp diễn xuất của chị bắt đầu ra sao?
Tôi tốt nghiệp năm 2008, nhưng may mắn là khi chỉ mới đầu năm 3, tôi đã được anh Hữu Lộc mời về sân khấu Nụ Cười Mới biểu diễn và đáng quý hơn nữa, đó lại là vai chính trong một vở diễn do chính thầy chủ nhiệm Nguyễn Công Ninh của tôi dựng nên. Sau đó, thời điểm ra trường cũng là lúc tôi trở thành diễn viên chính thức của Nụ Cười Mới cho đến giờ. Trong quãng thời gian làm nghề, tôi luôn được các đàn anh như Hoài Linh, Chí Tài, Trường Giang... tạo nhiều cơ hội cho mình phát triển và tôi rất trân trọng điều này.
Ngoài ra, tôi cũng nhận lời tham gia đóng một số phim truyền hình khác. Những dự án đó sẽ ra mắt trong năm nay.
Chị trải qua những khó khăn trong quãng thời gian làm nghề thế nào để đi đến được ngày hôm nay?
Khó khăn đương nhiên ai cũng có cả, nhất là diễn viên nào lại chẳng muốn được một ngày khẳng định được tên tuổi của mình. Bản thân tôi không ngoại lệ. Từ khi tốt nghiệp đến thời điểm này cũng đã 7 năm chính thức vào nghề nhưng mọi người vẫn chưa biết đến mình nhiều, đôi lúc tôi cảm thấy bế tắc lắm và thường tự hỏi “Tại sao mình không được như mọi người?”.
Nhưng tính tôi vốn lạc quan, lúc nào tôi cũng biến những áp lực đó thành động lực cố gắng, trau dồi không ngừng để đến lúc được Tổ nghề phù hộ, tôi đã rèn được cho mình bản lĩnh và kinh nghiệm đầy đủ mà phục vụ khán giả tốt nhất.
Trong những năm tháng làm nghệ thuật, tôi từng có thời điểm rơi vào trạng thái sốc nhất đó là cùng lúc phải chịu đựng một nỗi đau mất mát lớn, đồng thời đối mặt với mái nhà chung của gia đình sân khấu kịch bị di dời. Từ thời điểm đó, suốt một năm rưỡi tôi không còn cảm xúc gì trong diễn xuất nữa, thậm chí phải từ chối mọi lời mời đóng phim. Nhưng thời gian qua đi, tôi tự giục bản thân đến lúc phải đứng lên, bởi những người thân sẽ không vui khi thấy tôi buông mình như vậy. Một Nam Thư luôn cố gắng nổi tiếng hơn để giúp cho mái nhà sân khấu kịch của mình được biết đến nhiều, đó mới là điều họ mong muốn.
Hình ảnh "hot girl đòi nợ" trong phần thi ở tập 3 "Cười xuyên Việt" phiên bản nghệ sĩ giúp Nam Thư nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả
Từ sau tiểu phẩm "Đòi nợ" ở tập 3 "Cười xuyên Việt" phiên bản nghệ sĩ, Nam Thư được nhắc đến nhiều hơn và tạo nên một cơn sốt không nhỏ trên mạng xã hội. Chị đón nhận thành công này thế nào?
Tôi thực sự cảm thấy rất bất ngờ vì không bao giờ dám nghĩ tiểu phẩm của mình hiệu quả tới mức như vậy. Khi đọc được những phản hồi khen ngợi từ của độc giả trên các trang tin hay mạng xã hội, tôi rất vui và hài lòng với những gì mình đã bỏ ra đầu tư cho “Đòi nợ”. Tuy nhiên đây không phải là công sức của riêng tôi mà còn là sự nỗ lực hỗ trợ của ba bạn diễn còn lại nữa.
Chị như dành trọn sức lực cho màn diễn này, từ la hét đến lăn lộn trên sân khấu đều rất “máu lửa”. Lúc tập, chị dành bao nhiêu phần trăm để giữ sức cho buổi diễn chính?
Tiểu phẩm này tập luyện rất cực. Nếu khán giả để ý sẽ thấy rằng sau những pha “lăn, bò, trườn”, tôi đều phải nhanh chóng đứng lên thở để lấy lại sức. Đến đoạn hát lô tô tôi gần như mất giọng, nhưng may mắn nhờ Tổ thương nên đã giúp tôi hoàn thành vở diễn thuận lợi.
Lúc tập, tôi chỉ diễn tám phần thôi, còn lên sân khấu đêm thi, tôi dùng đến mười lăm phần sức lực. Bởi khi đó, hiệu ứng khán giả la hét cổ vũ đã đẩy cảm xúc của tất cả các thành viên trong nhóm lên cao nhất, giúp mọi người diễn sung hơn và tôi cũng “bất chấp” để diễn hết mình. Tuy nhiên, tôi cũng biết cách điều khiển nhân vật mình đang hóa thân để không bị “lạc” ra khỏi guồng vở diễn.
Khán giả cũng nhận định, "Đòi nợ" khó thành công trọn vẹn nếu không có người bạn diễn hỗ trợ, nâng chị lên. Chị thấy sao?
Như đã nói từ đầu, bài thi của tôi sẽ không thể thành công nếu thiếu ba bạn diễn và không chỉ họ mà sau lưng “Đòi nợ” còn là một ê-kíp giúp đỡ từ âm thanh, phục trang, trang điểm… Đối với tôi, khi bạn muốn nổi bật trước một đám đông, bạn phải có sức mạnh tập thể. Đặc biệt ở mảng hài, bạn luôn cần có người đồng hành, hỗ trợ chứ không thể cứ đơn độc mà thành công được. Tôi đồng ý với nhận định của mọi người.
Kịch bản "Đòi nợ" ra đời thế nào?
Một lần, có người chị hỏi tôi thử tập rao lô tô được không. Ngay lúc đó, tôi nghĩ ngay đến ý tưởng đưa chi tiết này vào một kịch bản nào đó nhằm gợi lại kỷ niệm thú vị của thế hệ 8X, 9X. Và đúng là khi mang lên sân khấu diễn, phân đoạn này như một gia vị đậm đà, góp phần ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Khi nảy ra mạch ý tưởng chính của “Đòi nợ”, tôi họp các thành viên trong nhóm lại, trình bày ý tưởng của mình. Từ đó, mọi người sẽ đóng góp thêm nhiều mảng miếng, tình tiết hài phù hợp với cá tính riêng của họ, giúp kịch bản thêm trọn vẹn. Tôi không muốn áp đặt cái duyên hài của mình lên người khác mà muốn mỗi thành viên dùng tư duy để xây dựng nên nhân vật mình đảm nhận.
Khi viết kịch bản và lúc luyện tập, chị đặt niềm tin vào bài thi tuần này của mình bao nhiêu phần trăm?
Tôi từng đặt kỳ vọng vào bài thi tuần này vào khoảng 70% thôi, nhưng khi tiết mục tạo được hiệu quả trên mạng, được mọi người chia sẻ, tôi thực sự rất bất ngờ, đến giờ vẫn không tin được.
"Thành công của "Đòi nợ" là một niềm vui bất ngờ đối với tôi, đó là sự nỗ lực của cả ê-kíp"
Hai đêm đầu tiên, chị chưa khẳng định được vị trí của mình giữa dàn nghệ sĩ còn lại bởi bài thi chưa thực sự nổi bật. Trong quá trình chuẩn bị cho sân khấu thứ ba, chị cảm thấy thế nào?
Sau đêm thi thứ hai trở về, tôi có hơi buồn một chút, nhưng không phải do bài thi không nổi bật mà buồn vì bản thân cảm thấy mình diễn chưa “đã”, chưa hết 100% năng lượng. Còn về việc chưa khẳng định được mình sau hai tập đầu tiên, tôi không quá lo lắng vì cuộc thi chỉ mới đi được chưa tới một phần ba chặng đường, vẫn còn nhiều điều chưa thể nói trước được cho đến khi đêm thi cuối cùng khép lại.
Thành công tuần qua vẫn chưa nói lên được nhiều. Nếu ở đêm loại đầu tiên, chị là người phải ra về và lúc này dư luận lại chuyển hướng cho rằng Nam Thư không đủ bản lĩnh giữ nhiệt sau hiệu ứng “Đòi nợ”, chị sẽ đối mặt ra sao?
Tôi cũng có nghĩ đến và sẵn sàng tâm lý đón nhận điều này. Dù sao, sản phẩm đã làm ra rồi, mọi người đã có những đánh giá riêng rồi, tôi không thể thay đổi được mà chỉ biết rằng những đêm tiếp theo, tôi phải cố gắng làm tốt và tốt hơn nữa. Tuy nhiên trong bất cứ cuộc thi nào, người thí sinh cũng phải có “điểm rơi” chứ không thể mãi giữ vị trí đầu bảng được. Tôi chỉ muốn cố gắng đầu tư hết sức cho mỗi bài thi đều được chỉn chu, có nội dung để dù có phải ra về ở tập nào cũng không tiếc nuối.
Nhiều nghệ sĩ thường tận dụng sức hút của cuộc thi mà mình tham gia để ra mắt những dự án, sản phẩm để nương theo. Chị có kế hoạch gì cho mình, có thể là thành lập một nhóm hài?
Thành lập nhóm thì tôi chưa nghĩ đến vì tuy hiệu ứng khán giả thời điểm này đang như vậy nhưng tôi muốn đợi một thời gian nữa xem mình đi được đến đâu rồi mới tính tiếp được. Giả sử tôi vừa ra mắt một sản phẩm nào trong thời gian thi nhưng đêm sau đó phải ra về, lúc ấy mọi người lại không đón nhận thì thực sự sẽ hoang mang lắm. Sau khi hết 12 số, tôi sẽ nghĩ xem đường nào mình nên hướng đến – một diễn viên hài hay vẫn là diễn viên chính kịch đa năng.
Ngoại hình chị được đánh giá là xinh đẹp, tuy nhiên một diễn viên hài cần nét duyên, nét đặc biệt để thu hút khán giả. Chị nghĩ đâu là ưu - nhược điểm ở mình?
Nếu mọi người ưu ái đánh giá tôi có ngoại hình đẹp, tôi rất cảm ơn. Tuy nhiên tôi cũng sợ bị khen lắm, vì lên sân khấu, nếu diễn không tới lại bị cho là cô này chỉ được bề ngoài chứ diễn xuất không ra gì, đó là điều tôi không muốn. Tôi sẽ dùng ngoại hình để bổ sung vào nét diễn của mình chứ không để nó lấp đi người diễn viên trong tôi. Người ta hay nói: “Đẹp mà vô duyên cũng vậy à”.
Với ngoại hình sáng, sao chị không hướng mình đến chính kịch hay diễn viên truyền hình, điện ảnh mà lại chọn hài kịch là sân khấu để phát triển?
Khi nhận lời mời tham gia chương trình “Cười xuyên Việt” phiên bản nghệ sĩ, tôi khá bất ngờ và chưa dám chắc chắn gì cả. Nhưng rồi nghĩ lại, tôi là diễn viên mà, phải đa năng, phải hòa nhập nhiều sân chơi thì mới có cơ hội thử sức bản thân mình. Ban tổ chức còn động viên tôi cứ tham gia, biết đâu sẽ là nhân tố bí ẩn trong năm nay. Lúc đó, tôi nghĩ vui: “Có khi nào “bí” quá, “ẩn” luôn không?” (cười).
Nam Thư cho biết, cô cần nhiều thời gian để đưa ra quyết định chọn hướng đi nào sau khi bước ra khỏi cuộc thi
Là gương mặt mới trong làng hài, chị đối diện với áp lực gì khi đóng với nhiều diễn viên nổi tiếng khác trong "Cười xuyên Việt" phiên bản nghệ sĩ?
Thực sự tôi rất áp lực vì so với những người còn lại, bản thân tôi chưa có nhiều kinh nghiệm hay bước đệm nào trong mảng hài. Tôi đang là màu sắc rất khác so với những anh chị còn lại nên luôn tự nhủ mình phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba chứ không thể để mất tập trung được. Nhiều hôm tập stress quá tôi phải bật khóc để giải tỏa được những dồn nén.
Sau thành công ở tập vừa rồi, áp lực trong tuần này đặt ra khá lớn. Chị sẽ chuẩn bị gì cho bước tiếp theo?
Cuộc thi này chỉ mới đi được 1/3 chặng đường thôi, vẫn còn một cuộc đua dài với rất nhiều yếu tố thử thách đằng sau nên chưa nói trước được điều gì cả. Thành công của tuần rồi giúp mọi người đặt nhiều kỳ vọng vào Nam Thư nhưng cũng khiến tôi thấy áp lực lắm, bởi nếu số sau mình không làm tốt thì có thể sẽ không được khán giả thương và ủng hộ nữa.
Nhiều nghệ sĩ chưa có vị trí lớn trong lòng khán giả thường tìm đến truyền hình thực tế như cơ hội để phủ sóng hình ảnh rộng hơn. Mục đích chị đến với cuộc thi này là gì?
Từ khi ra trường, đi diễn sân khấu hay đóng phim, tôi chưa từng đặt ra cho mình một áp lực nào hết. Nhưng thời điểm quyết định gật đầu trở thành một phần cuộc thi, tôi hiểu rằng mình đang tự thách thức bản thân vượt ra khỏi “vùng an toàn” bấy lâu. Lúc nhận lời mời, tôi chỉ tự đặt ra câu hỏi: “Liệu mình có làm được hay không?”, chứ không nghĩ quá nhiều về lợi ích mà truyền hình thực tế mang lại.
Cảm ơn về những chia sẻ của chị và chúc chị nhiều thành công trên con đường sự nghiệp.