Lò vi sóng từ lâu đã trở thành một thiết bị không thể thiếu trong gian bếp của nhiều gia đình. Với khả năng hâm nóng và nấu chín thực phẩm chỉ trong vài phút, thiết bị này giúp rút ngắn đáng kể thời gian nấu nướng, đặc biệt phù hợp với những người bận rộn. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi thì cũng tồn tại những rủi ro tiềm ẩn nếu sử dụng sai cách.
Một trong những lỗi phổ biến và nguy hiểm nhất hiện nay là thói quen hâm nóng mì cốc trực tiếp trong lò vi sóng.
Đây là việc mà không ít người vẫn làm thường xuyên vì cho rằng chỉ mất vài phút và không ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Hành động tưởng chừng vô hại này lại có thể gây ra những hậu quả khó lường, thậm chí là cháy nổ hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Về bản chất, mì cốc thường được đựng trong cốc giấy, cốc xốp hoặc cốc nhựa. Một số loại còn có phần nắp được tráng lớp kim loại mỏng, thường là nhôm để giữ nhiệt và bảo quản hương vị. Khi cho vào lò vi sóng, những chất liệu này có thể phản ứng mạnh với nhiệt độ cao. Ví dụ, phần kim loại có thể gây ra hiện tượng đánh lửa, dẫn đến cháy nổ hoặc làm hư hại lò vi sóng nếu không được kiểm soát kịp thời. Trên thực tế, nhiều vụ cháy trong nhà bếp đã được ghi nhận chỉ vì một hành động nhỏ như hâm mì cốc trong lò.
Ngoài nguy cơ cháy nổ, còn một mối nguy khác đến từ chất liệu của cốc. Khi chịu nhiệt, các loại cốc xốp hoặc cốc nhựa kém chất lượng có thể bị biến dạng, chảy nhựa hoặc tiết ra các chất độc hại như styrene và bisphenol A. Đây là những hợp chất có thể xâm nhập vào thực phẩm khi gặp nhiệt độ cao, từ đó đi vào cơ thể và gây ảnh hưởng xấu đến hệ nội tiết, gan, thận và thậm chí có liên quan đến một số bệnh ung thư nếu tích tụ lâu dài.
Nếu muốn dùng lò vi sóng để hâm nóng mì, cách an toàn nhất là đổ mì ra tô thủy tinh hoặc tô sứ chịu nhiệt trước khi đưa vào lò. Những chất liệu này không chỉ an toàn mà còn giúp thức ăn được hâm nóng đều và giữ được hương vị tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Nếu không thấy ghi chú rõ ràng rằng sản phẩm có thể dùng được trong lò vi sóng thì tốt nhất không nên thử.
Cần lưu ý rằng không phải vật dụng nào trong bếp cũng phù hợp để đưa vào lò vi sóng. Ví dụ như hộp nhựa dùng một lần, đĩa có viền kim loại, túi nilon, màng bọc thực phẩm không chịu nhiệt hay ly nước quá đầy. Tất cả đều có thể dẫn đến hiện tượng chảy nhựa, phát nổ hoặc làm nhiễm độc thực phẩm. Ngay cả khăn giấy hoặc hộp giấy nếu có in hình màu cũng có thể không an toàn khi gặp nhiệt độ cao.
Để đảm bảo lò vi sóng hoạt động ổn định và bền lâu, nên lau chùi thiết bị thường xuyên, tránh để thức ăn văng bẩn trong khoang lò quá lâu gây mùi hoặc hỏng hóc. Khi sử dụng, luôn đóng kín cửa lò, không mở ra khi máy đang hoạt động và không để trẻ nhỏ sử dụng một mình.
Tổng hợp