Trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát trên khắp thế giới, nền tảng chia sẻ video YouTube đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính của Alphabet do mọi người mắc kẹt ở nhà và chỉ còn cách dán mắt vào màn hình để giải trí. YouTube tiếp tục phát triển nhanh vào năm ngoái, khi nền kinh tế mở cửa trở lại và chi tiêu cho quảng cáo tăng vọt.
Mặc dù vậy, đến quý I/2022, mọi chuyện có vẻ như đã kết thúc. Ban đầu, Alphabet dự báo YouTube đạt mức tăng trưởng 25%. Tuy nhiên, con số thực tế chỉ là 14%. Điều này góp phần làm giảm doanh thu và giá trị cổ phiếu của Alphabet.
Cụ thể, theo CNBC, doanh thu của Alphabet đạt 68,01 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn so với dự báo ban đầu. Trong khi đó, doanh thu quảng cáo của YouTube chỉ đạt 6,87 tỷ USD, thấp hơn mức 7,51 tỷ USD do các nhà phân tích dự đoán.
Những con số trên của YouTube là dấu hiệu mới nhất cho thấy thị trường quảng cáo trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi yếu tố lạm phát và lo ngại ngày càng gia tăng về các điều kiện kinh tế vĩ mô. Giữa tháng 4, CEO của Snap - Evan Spiegel, cho biết quý đầu tiên của năm nay là thách thức lớn với YouTube. Công ty dự báo doanh thu của YouTube có thể thấp hơn trong quý tiếp theo.
Đối với cả YouTube và Snapchat, hiện nay càng có nhiều đối thủ cạnh tranh muốn chiếm thị phần của họ, đặc biệt là TikTok. Hàng loạt công ty truyền thông lớn nhỏ khác cũng bắt đầu tung ra những dịch vụ phát video trực tuyến để giành lấy người dùng.
"Dù mảng kinh doanh tìm kiếm và đám mây của Alphabet vẫn hoạt động tốt trong quý I/2022, mảng kinh doanh của YouTube lại giảm xuống thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích. Nguyên nhân đến từ sự cạnh tranh ngày một gay gắt từ các nền tảng khác như TikTok và rất nhiều dịch vụ giải trí cao cấp như Disney+", nhà phân tích Paul Verna nhận định.
Quý II năm ngoái, doanh thu của YouTube đạt hơn 7 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2020 và gần bằng doanh thu hàng quý của Netflix. Chính vì tăng trưởng mạnh trước đó nên kết quả đáng thất vọng của YouTube trong thời gian gần đây đã khiến lợi nhuận của Alphabet giảm đáng kể.
Thời điểm hiện tại, YouTube đang đặt cược sự tăng trưởng vào sản phẩm video dạng ngắn mang tên Shorts. Đây được coi là lời đáp trả của YouTube với các đối thủ như TikTok, Snap hay Reels của Instagram.
Tháng 5/2021, YouTube cho biết sẽ trả 100 triệu USD cho những người sáng tạo nội dung cho Shorts trên nền tảng của mình. Trong cuộc gọi vào tháng trước, các giám đốc cấp cao của công ty cho biết Shorts đã có hơn 30 tỷ lượt xem hàng ngày. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình kiếm tiền.
Theo CNBC, có nhiều yếu tố khác nhau đã ảnh hưởng đến thị trường quảng cáo kỹ thuật số, bao gồm sự thay đổi về quyền riêng tư trên iPhone, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu hụt lao động, lạm phát và lãi suất tăng.
Alphabet cho biết lệnh cấm của Apple đối với việc theo dõi hành vi người dùng nhằm chạy quảng cáo của bên thứ 3 đã hạn chế một số hoạt động kinh doanh của YouTube trên iPhone. Trước lúc báo cáo kết quả kinh doanh được công bố, ông Daniel Salmon, một nhà phân tích của BMO Equity Research, đã hạ thấp một phần ước tính doanh thu của YouTube để phản ánh sự cạnh tranh ngày càng cao từ TikTok.
Ngoài ra, YouTube – với hệ thống mạng lưới chạy quảng cáo ở nhiều trang web, còn có thể bị hạn chế bởi một số quy định mới ở châu Âu như cấm quảng cáo bằng cách theo dõi hành vi người dùng. Theo một thống kê, tổng doanh thu ở châu Âu của YouTube đã tăng 19% so với 1 năm trước đó nhưng giảm 12% so với quý IV/2021.
Ruth Porat - Giám đốc tài chính của Alphabet cho biết cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng đến sự hiện diện của Google trong khu vực, từ đó gây ra tác động xấu đến doanh thu của YouTube.
"Tác động trực tiếp nhất là chúng tôi đã phải đình chỉ phần lớn hoạt động thương mại tại Nga như đã thông báo vào đầu tháng 3. Ngay từ khi cuộc xung đột mới diễn ra, đã có sự sụt giảm trong chi tiêu của các nhà quảng cáo, đặc biệt là trên YouTube ở châu Âu", Porat cho biết.
Trên thực tế, từ năm 2020, TikTok đã "vượt mặt" YouTube. Cụ thể, tháng 4/2020, ứng dụng TikTok đã ghi nhận doanh thu kỷ lục 78 triệu USD, chính thức vượt qua YouTube để trở thành ứng dụng phi trò chơi có doanh thu cao nhất thế giới.
Sensor Tower cho biết 86,6% doanh thu của TikTok đến từ thị trường Trung Quốc, với phiên bản tiếng Trung là Douyin, và 8,2% doanh thu đến từ thị trường Mỹ. Trong khi đó, YouTube đạt doanh thu 76 triệu USD, với 56,4% doanh thu từ thị trường Mỹ và 0% doanh thu từ thị trường Trung Quốc.
Theo SCMP, doanh thu của TikTok đến từ cả người xem video vì họ có thể bỏ tiền ra mua Douyin Coins để tặng cho những người sáng tạo nội dung video và livestream trên nền tảng này.
TikTok đang phát triển mạnh ở thị trường quốc tế nhưng thời gian qua, nền tảng này đã vấp phải nhiều vấn đề liên quan đến quyền riêng tư và kiểm duyệt, đặc biệt là tại Mỹ. Tháng 5 năm ngoái, Hải quân, Không quân và Cơ quan An ninh Giao thông Mỹ, đã cấm sử dụng TikTok trong các thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ.
Trước đó, một nhóm các tổ chức bảo vệ quyền riêng tư của Mỹ đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, cáo buộc rằng TikTok đã vi phạm luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em.