Cuộc tuần hành bảo vệ môi trường mang tên “Vùng lên vì khí hậu” diễn ra tại 95 nước trên thế giới cuối tuần qua đã nhận được sự hưởng ứng của hàng chục nghìn người. Tham gia sự kiện, người tuần hành trên thế giới muốn gửi đi một thông điệp kêu gọi chính phủ các nước thúc đẩy hành động ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu.
Tại Mỹ, tuần hành đã diễn ra trong suốt 24 giờ tại thành phố San Francisco, nơi hàng nghìn người tràn ra khắp thành phố mang theo các biểu ngữ kêu gọi sử dụng các nguồn năng lượng sạch khác thay cho những nhiên liệu gây ô nhiễm hiện nay.
Còn tại Pháp, khoảng 115.000 người đã tham gia cuộc tuần hành vì môi trường lớn nhất từ trước đến nay tại nhiều thành phố của nước này. Chỉ riêng tại thủ đô Paris, cuộc tuần hành “Vùng lên vì khí hậu” đã thu hút 18.500 người tham gia.
Một người tuần hành nói: “Tôi hi vọng cuộc tuần hành này sẽ nâng cao nhận thức của mọi người. Mặc dù tham gia tuần hành đa phần là người dân song chúng tôi hy vọng, sự kiện này sẽ gửi đi một thông điệp tới Chính phủ về thực trạng biến đổi khí hậu và những gì cần làm để bảo vệ môi trường”.
Một người khác bày tỏ: “Tôi hy vọng những ai còn hoài nghi sẽ hiểu rằng, thông qua cuộc tuần hành này, mọi người đang huy động sức người để bảo vệ hành tinh của chúng ta”.
Cuộc tuần hành cũng thu hút hàng nghìn người tham gia tại Đan Mạch và Bỉ.
Người tuần hành trên thế giới muốn gửi đi một thông điệp kêu gọi chính phủ các nước thúc đẩy hành động ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu. Ảnh: ABC
Tại châu Á, nhiều ngư dân và những người lao động Thái Lan bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao cũng tiến hành tuần hành tại thủ đô Bangkok, nơi đang diễn ra các cuộc họp trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 24 vào tháng 12/2018 tại Ba Lan. Người tuần hành phản đối việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Còn tại Philippines, cuộc tuần hành ở thủ đô Manila đã thu hút sự tham gia của khoảng 1.000 người. Philippines là nước rất phụ thuộc vào than đá, và quốc gia này cũng là một trong những nơi hứng chịu nhiều nhất các hiện tượng thời tiết cực đoan, có xu hướng gia tăng, do biến đổi khí hậu.
Tại Australia, hàng trăm người biểu tình ngày 9/9 đã tụ tập trước văn phòng của thủ tướng, để kêu gọi chính phủ chấm dứt chính sách hậu thuẫn cho than đá.
“Tôi muốn thế giới của chúng ta vẫn tồn tại. Ý tôi là biến đổi khí hậu là một vấn đề thực sự và sử dụng than đá sẽ làm cho tình hình xấu đi”, một người tham gia biểu tình cho biết.
Một ý kiến khác nói: “Tôi nghĩ mọi người rất nghiêm túc trong vấn đề khí hậu. Họ đã nghĩ đến thế hệ tương lai. Bạn biết đấy, nếu chúng ta không làm gì trong vòng 50 năm nữa, nước sẽ dâng cao ngay tại chỗ chúng ta đang đứng”.
Cùng với người dân trên thế giới nhiều quan chức và tổ chức quốc tế cũng đã kêu gọi hành động bảo vệ môi trường. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 9/9 đã nhấn mạnh thời tiết cực đoan đang đe dọa đến các thế hệ tương lai và cách duy nhất để bảo vệ tương lai là hành động chống biến đổi khí hậu ngay từ lúc này.
Trước đó, các đảo quốc Thái Bình Dương ngày 8/9 đã tuyên bố biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất hiện nay, đồng thời hối thúc Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris. Trong khi đó, các hiệp hội đứng ra tổ chức Ngày hành động vì khí hậu tại Pháp (trong đó có Oxfam Pháp) ra thông cáo kêu gọi “rút vốn khỏi các năng lượng hóa thạch, cấm phát triển các dự án và hạ tầng cơ sở cho năng lượng hóa thạch, để hướng đến một nền kinh tế tiêu thụ năng lượng ít, năng lượng tái tạo do công dân kiểm soát, và nền công nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch phải chịu trách nhiệm về các thảm họa sinh thái mà họ gây ra”./.