Từ vụ rửa cá bằng nước ngọt đỏ lòm: 2 lời CẢNH TỈNH mà ai đi chợ cũng nên biết

Phác Thái Anh, Theo phunuso.baophunuthudo.vn 15:08 09/07/2025
Chia sẻ

Vụ việc cá biển "tắm nước ngọt vị dâu" đang nhận được nhiều sự chú ý của cư dân mạng.

Chưa kịp hết hoang mang vì vụ bún tươi đổi màu đỏ lòm, mới đây, MXH lại tiếp tục xôn xao về việc một người dân tại Đà Nẵng phản ánh tình trạng cá biển mua ở chợ có màu đỏ bất thường.

Theo chia sẻ, vào khoảng 10 giờ sáng ngày 6/7, khi đi chợ Cẩm Lệ, người này thấy một tiểu thương bày bán cá kè và cá bã trầu có màu đỏ lạ. Thử mua 2 con cá kè với giá 50.000 đồng, người này phát hiện khi mang cá đi rửa, nước rửa có màu đỏ như phẩm nhuộm. Thậm chí, khi mang cá đi luộc thì nước luộc cũng chuyển sang màu đỏ đậm.

Khoảng hơn 11 giờ cùng ngày, người này quay lại chợ thì thấy 2 mẹt cá của tiểu thương vẫn giữ nguyên màu đỏ dù thời tiết đang nắng gắt. Khi được hỏi, tiểu thương cho biết đây là "cá lưới".

Từ vụ rửa cá bằng nước ngọt đỏ lòm: 2 lời CẢNH TỈNH mà ai đi chợ cũng nên biết- Ảnh 1.
Từ vụ rửa cá bằng nước ngọt đỏ lòm: 2 lời CẢNH TỈNH mà ai đi chợ cũng nên biết- Ảnh 2.

Ngày 8/7, khi phóng viên đến chợ Cẩm Lệ tìm hiểu sự việc, tiểu thương bán cá khẳng định không sử dụng phẩm nhuộm độc hại. Anh cho biết trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cá bã trầu và cá kè thường bị bạc màu và trông kém tươi. Vậy nên một số người bán thường sử dụng nước ngọt có màu, cụ thể là loại nước dâu đỏ để rửa qua, nhằm giúp cá có màu sắc bắt mắt hơn.

Tiểu thương cũng khẳng định: "Đó không phải là hóa chất độc hại gì cả. Nước ngọt này vẫn dùng để uống, chỉ rửa nhẹ cho cá trông tươi hơn thôi. Nếu cá bạc màu quá thì khách không chọn mua. Hơn chục năm nay, nhiều người vẫn làm vậy, cá vẫn qua kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa ai bị ngộ độc hay phản ánh vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe".

Từ vụ rửa cá bằng nước ngọt đỏ lòm: 2 lời CẢNH TỈNH mà ai đi chợ cũng nên biết- Ảnh 3.

Từ chuyện cá "tắm nước ngọt vị dâu": Người tiêu dùng cần cảnh giác hơn khi đi chợ

Dù sự việc cá biển có màu đỏ bất thường tại Đà Nẵng hiện vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, nhưng thông tin về việc tiểu thương dùng nước ngọt vị dâu để rửa cá đã khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại. Câu chuyện một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn thực phẩm trong môi trường chợ truyền thống - nơi khâu bảo quản, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa còn nhiều bất cập.

Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác và trang bị thêm một số kiến thức cơ bản để không bị đánh lừa bởi vẻ ngoài "tươi rói" của thực phẩm.

1. Chú ý dấu hiệu nhận biết cá bị xử lý màu

Nếu quan sát kỹ, chúng ta vẫn có thể nhận ra một số dấu hiệu cho thấy cá đã được "tân trang" bằng cách xử lý màu hoặc ngâm hóa chất để tăng độ tươi giả tạo.

Màu da cá quá đều hoặc có sắc đỏ rực lạ thường

Cá biển sau khi đánh bắt thường không giữ được màu sắc đồng đều và rực rỡ, đặc biệt nếu đã qua nhiều giờ không bảo quản lạnh. Nếu thấy phần da cá có màu đỏ sẫm, ánh lên bất thường, hoặc toàn bộ thân cá có màu đồng nhất đến mức đáng ngờ, người mua cần đặc biệt thận trọng. Đặc biệt, nếu cá vẫn giữ màu tươi như mới dù đang phơi ngoài nắng, đó có thể là dấu hiệu đã qua xử lý bằng phẩm màu hoặc dung dịch tạo màu.

Từ vụ rửa cá bằng nước ngọt đỏ lòm: 2 lời CẢNH TỈNH mà ai đi chợ cũng nên biết- Ảnh 4.

Nước rửa cá hoặc nước luộc chuyển màu lạ

Khi sơ chế cá, nếu nhận thấy nước rửa đổi màu sang đỏ hồng, kèm theo lớp bọt nhẹ hay có mùi ngọt lạ giống như nước ngọt có gas, rất có thể cá đã tiếp xúc với các loại chất tạo màu hoặc được rửa bằng nước có pha dung dịch để làm đỏ da.

Cá không có mùi tanh tự nhiên

Cá tươi sống luôn có một mùi tanh đặc trưng, không thơm và cũng không ngọt như các loại thực phẩm đã qua tẩm ướp. Nếu bạn ngửi thấy mùi ngọt nhẹ hoặc có cảm giác mùi bị "lạ" và không rõ mùi cá, hãy cảnh giác - đó có thể là dấu hiệu của việc cá đã được xử lý để đánh lừa cảm quan.

2. Lưu ý khi chọn mua cá ngoài chợ

Thực tế cho thấy, việc đánh giá độ tươi của cá không chỉ dựa vào màu da, bởi một số người bán có thể tác động lên bề mặt cá để tạo cảm giác bắt mắt. Thay vào đó, người tiêu dùng nên kết hợp kiểm tra nhiều yếu tố hơn khi chọn mua cá tại chợ.

Quan sát mắt cá

Cá tươi thường có mắt trong suốt, lồi nhẹ và có độ sáng. Nếu mắt cá bị đục, lõm sâu hoặc có màu trắng mờ, đó là dấu hiệu cho thấy cá đã để lâu hoặc không được bảo quản đúng cách.

Quan sát mang cá

Mang cá là phần dễ quan sát để phân biệt cá tươi hay không. Cá còn tươi sẽ có mang màu đỏ hồng tự nhiên, không quá sẫm, không chuyển nâu hay có nhớt bám dày. Nếu bạn chạm vào mang thấy trơn nhầy, dính tay và có mùi hôi nồng, đó là cá đã hỏng.

Từ vụ rửa cá bằng nước ngọt đỏ lòm: 2 lời CẢNH TỈNH mà ai đi chợ cũng nên biết- Ảnh 5.

Quan sát thân cá

Dùng tay ấn nhẹ vào thân cá, nếu thịt cá còn độ đàn hồi tốt, nhanh chóng trở lại hình dạng ban đầu thì cá vẫn còn tươi. Ngược lại, nếu thịt cá mềm nhũn, để lại vết lõm hoặc có cảm giác bị bở ra, thì khả năng cao là cá đã để lâu, mất nước hoặc đã qua xử lý.

Lưu ý thêm: Nếu không quen phân biệt bằng mắt thường, bạn nên mua cá tại những điểm bán uy tín, có bảo quản lạnh đúng cách và minh bạch nguồn gốc xuất xứ. Hạn chế mua cá từ các mẹt hàng ngoài trời nắng lâu giờ, đặc biệt vào những ngày thời tiết oi bức.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày