Trong những ngày nắng nóng cao điểm, điều hòa trở thành thiết bị được ưa chuộng hàng đầu trong mỗi gia đình nhờ khả năng làm mát nhanh, sâu và hiệu quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng thiết bị này đúng cách. Một trong những thói quen sai lầm phổ biến là cài đặt nhiệt độ điều hòa xuống mức quá thấp, dưới 20°C, với kỳ vọng giúp không gian mát nhanh hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia về điện lạnh cũng như điện lực như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khuyến cáo, hành động này mang lại nhiều 'hại' hơn là 'lợi'.
Ảnh minh họa
Đầu tiên là hại cho thiết bị. Các chuyên gia có chung nhận định, khi bật điều hòa ở mức nhiệt càng thấp, thiết bị sẽ càng phải huy động công suất cao, đôi khi là tối đa để chạy máy, giúp giảm nhiệt độ không gian đến nhiệt độ được người dùng cài đặt. Nhiệt độ của chính thiết bị sẽ vô tình tăng lên, đặc biệt là bộ phận dàn nóng/cục nóng, được đặt ở khu vực ngoài trời.
Vào những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ bên ngoài hay ánh nắng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới dàn nóng/cục nóng, kết hợp với việc thiết bị đang hoạt động ở công suất cao. Từ đó, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn thiết bị có thể xảy ra quá tải, hao mòn nhanh, suy giảm tuổi thọ, thậm chí là chập cháy nguy hiểm.
“Điều này làm tăng nguy cơ quá tải, giảm tuổi thọ máy, đặc biệt là với dàn nóng đặt ngoài trời – vốn đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiệt độ cao” EVN cảnh báo. “Khi dàn nóng phải hoạt động trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời lên tới 40°C trở lên, việc ép máy nén hoạt động hết công suất để đạt mức nhiệt thấp càng khiến nguy cơ chập cháy, hỏng hóc tăng cao", ThS. Nguyễn Thị Minh Phương – Chuyên gia kỹ thuật điện lạnh (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết thêm.
Dàn nóng điều hòa là thiết bị chịu nhiều ảnh hưởng nhất khi người dùng bật nhiệt độ quá thấp trong thời tiết nắng nóng cao điểm (Ảnh minh họa)
Bên cạnh hại cho thiết bị, việc bật điều hòa nhiệt độ quá thấp còn hại cho cả người dùng. Cụ thể, người dùng sẽ phải chi trả chi phí tiền điện cao hơn bởi thiết bị cũng sẽ tiêu tốn nhiều điện năng hơn thông thường khi cần liên tục duy trì hoạt động ở công suất cao.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, nhiều bác sĩ đưa thêm ra lời khuyên, bật nhiệt độ quá thấp dễ tăng nguy cơ người dùng bị sốc nhiệt hay gây ra cho người dùng một số chứng như đau đầu, chóng mặt, đau họng, khô da khi ở trong phòng điều hòa kín quá lâu.
Chính vì những lý do trên, các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng, dù cho vào những ngày đặc biệt nắng nóng, người dùng cũng không nên bật điều hòa ở mức nhiệt độ quá thấp, từ lúc khởi động thiết bị và trong xuyên suốt quá trình thiết bị hoạt động.
Bật điều hòa ở mức nhiệt quá thấp còn gây tốn điện hay nguy hiểm với sức khỏe người dùng (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia khuyên người dùng nên cài đặt nhiệt độ điều hòa ở mức 25 – 27°C, đồng thời đảm bảo nhiệt độ trong phòng không chênh quá 7 - 10°C so với ngoài trời. Đây là mức lý tưởng giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu mà không gây quá tải cho thiết bị.
Khi mới khởi động máy, có thể cài đặt nhiệt độ ở mức 23 - 24°C để làm mát nhanh, nhưng chỉ nên duy trì trong khoảng 10 - 15 phút trước khi điều chỉnh lên mức ổn định. Trong suốt quá trình sử dụng, tránh thay đổi chế độ đột ngột hoặc bật tắt liên tục vì sẽ làm giảm hiệu quả làm mát và gây hại cho linh kiện.
Bên cạnh đó, nên hạn chế bật điều hòa liên tục suốt 24 giờ trong ngày. Tốt hơn hết sau mỗi 2 – 3 tiếng sử dụng, hãy tắt máy và mở cửa thông thoáng hoặc kết hợp sử dụng thêm quạt. Như vậy, không khí trong phòng vừa được lưu thông, tránh tình trạng tích tụ khí CO₂, thiết bị lại có thời gian nghỉ.
Vào thời điểm nắng gắt, người dùng cũng cần lưu ý không vào phòng lạnh ngay sau khi đi ngoài nắng hoặc vừa tắm xong. Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây nguy hiểm cho hệ tim mạch. Tốt nhất nên để cơ thể thích nghi trong vài phút trước khi bước vào không gian điều hòa.
Để nâng cao hiệu quả làm mát, nên kéo rèm che cửa, hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp và duy trì không gian kín tương đối. Sử dụng quạt trần hoặc quạt đứng kèm theo cũng là một giải pháp hỗ trợ lưu thông khí lạnh, giúp người dùng có thể tăng nhiệt độ điều hòa thêm vài độ mà vẫn cảm thấy dễ chịu.
Cuối cùng, để đảm bảo máy hoạt động ổn định và tiết kiệm điện năng, người dùng cần vệ sinh thiết bị định kỳ, 3 - 6 tháng/lần, tùy vào tần suất sử dụng. Các bộ phận quan trọng của thiết bị bao gồm: Màng lọc, dàn lạnh, dàn nóng, nên được đặc biệt quan tâm hơn cả. Việc bảo dưỡng đúng cách không chỉ kéo dài tuổi thọ thiết bị mà còn giúp cải thiện chất lượng không khí trong phòng, tối ưu hiệu quả của thiết bị.
Với những lưu ý trên, người dùng có thể sử dụng điều hòa một cách hiệu quả, tiết kiệm và an toàn cho sức khỏe, nhất là trong bối cảnh mùa hè với những đợt nắng nóng cao điểm kéo dài.