Từ nơi bắt nguồn Covid-19: Vũ Hán đã làm thế nào để vượt qua phong tỏa?

Minh Khôi, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 06:38 31/07/2021

Xét nghiệm thần tốc trên diện rộng, chính sách tiêm chủng đổi trứng gà hay hệ thống shipper giữ "mạch sống" là những cách khiến Vũ Hán hồi sinh sau 76 ngày phong tỏa.

Xét nghiệm thần tốc trên diện rộng

Tại Vũ Hán , nhà chức trách đã triển khai một chiến dịch xét nghiệm chưa từng có tiền lệ với gần như toàn bộ 11 triệu người dân thành phố. Chỉ trong vòng 2 tuần, chính quyền đã gần hoàn thành mục tiêu này khi hoàn thành xét nghiệm cho 6,5 triệu người.

"Trong vòng 1 ngày, khu dân cư nơi tôi ở đã hoàn tất xét nghiệm", Wang Yuan, 32 tuổi, cho biết khi đang chờ tới lượt để xét nghiệm.

Trong khi ở nhiều nước, các chính phủ đang gặp khó khăn khi tiến hành xét nghiệm cho người dân ở quy mô lớn, Trung Quốc đã thực hiện các chiến dịch có quy mô toàn thành phố nhằm mục đích ngăn ngừa sự lây nhiễm. Và theo truyền thông Trung Quốc, chiến dịch này đã thành công bằng cách huy động hàng nghìn nhân viên y tế tham gia cùng với các khoản chi lên tới hàng trăm triệu USD.

Việc xét nghiệm, được chính phủ trang trải toàn bộ và coi là giải pháp quan trọng nhằm khôi phục lòng tin xã hội, vốn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc liệu các chiến dịch tốn kém này có thật sự cần thiết khi số ca nhiễm vẫn ở mức thấp.

Hoạt động tiêm chủng, vốn đã đạt 90% dân số tại Vũ Hán, xác nhận thành phố đã thành công kiểm soát dịch bệnh. Việc đẩy mạnh xét nghiệm quy mô lớn trong vòng 2 tuần cho thấy hình ảnh trái ngược với sự bị động ban đầu khi dịch lần đầu bùng phát.

Trong khi đó, các phòng thí nghiệm có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm bằng việc phân tích nhiều mẫu đồng thời. Từ con số trung bình 46.000 mẫu 1 ngày, đến nay, con số này đã tăng lên 1,47 triệu mẫu. Trong khi đó tại bang New York, kể từ 4/3, thành phố này mới chỉ xét nghiệm cho 1,7 triệu người.

Cùng với đó, chính quyền Vũ Hán cũng đặt mục tiêu không để ai lại phía sau. Nhà chức trách đến từng nhà người dân để yêu cầu họ đi xét nghiệm. Ở nhiều khu vực, cơ quan chức năng cảnh báo công khai ai từ chối đi xét nghiệm sẽ bị hạ điểm y tế, vốn có thể ảnh hưởng tới quyền lợi đi lại và làm việc của cá nhân.

"Nếu không xét nghiệm, anh/chị sẽ không được phép đi siêu thị hay ngân hàng", tuyên bố nói. Ngoài ra, "một bộ phận nhỏ người dân" vẫn chưa đăng ký xét nghiệm sẽ phải tự trang trải chi phí xét nghiệm trong tương lai.

Từ nơi bắt nguồn Covid-19: Vũ Hán đã làm thế nào để vượt qua phong tỏa? - Ảnh 1.

Người dân Vũ Hán xếp hàng để xét nghiệm Covid-19 (Ảnh: NYT)

Chính phủ đã nỗ lực thuyết phục người dân về sự an toàn khi xét nghiệm. Mỗi người dân được đăng ký một khung thời gian đến xét nghiệm để tránh tụ tập đông người. Việc xét nghiệm được thực hiện ở không gian mở, và người dân khi đến được kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách an toàn. Các nhân viên y tế được yêu cầu thay hoặc khử trùng găng tay sau mỗi lần lấy mẫu.

Trong khi việc xét nghiệm có thể khá tốn kém, nhưng hệ quả của một nền kinh tế bị tê liệt còn lớn hơn nhiều, Guo Guangchang, người đứng đầu tập đoàn Fosun cho biết. "Nếu không xét nghiệm, người dân sẽ sợ hãi. Theo đó, nhiều công ty sẽ không thể hoạt động trở lại và ngành dịch vụ thì không có khách hàng", ông nói.

Ước tính, một ngày dừng hoạt động ngành sản xuất và dịch vụ sẽ tiêu tốn Vũ Hán 844 triệu USD, Guo nói.

Tiêm chủng tặng trứng gà

Sau giai đoạn khởi đầu chậm chạp, Trung Quốc đã tiêm được hơn 945 triệu liều, tương ứng 1/3 số liều đã tiêm trên toàn cầu. Với khoảng 17 triệu liều tiêm mỗi ngày trong tháng 6, Trung Quốc đã tiêm vượt mốc 1 tỉ liều tiêm vào cuối tháng này.

Hiện tại nước này mới chỉ cho phép tiêm các vaccine do nội địa sản xuất. Để thúc đẩy chiến lược tiêm vaccine, Trung Quốc đã triển khai chiến lược kết hợp các làm truyền thống với công nghệ và huy động sự vào cuộc từ các cấp cơ sở.

Ở Thượng Hải, người đi tiêm được nhận một chai nước. Tại tỉnh An Huy, nhà chức trách lấy trứng gà để tặng người dân, trong khi một người phụ nữ ở Bắc Kinh được nhận khoảng 7 đô la tiền mặt.

Nhưng ở một số trường hợp, động lực lớn hơn cả là lo ngại về sự lây lan của biến chủng Delta. Tại tỉnh Quảng Châu, nơi từ tháng 5 đã xuất hiện một số ca nhiễm, người dân đang tích cực đi tiêm phòng. "Tôi muốn tiêm vaccine nhưng rất khó để đặt lịch", Li, một nhân viên văn phòng nói.

Còn một quá trình dài trước khi Trung Quốc có thể đạt mục tiêu 70% dân số tiêm vaccine, tương ứng 980 triệu người, điều mà nhà chức trách kì vọng sẽ đạt được vào cuối năm nay. Để đạt mục tiêu này, Trung Quốc đang yêu cầu các công ty nội địa là Sinovac và Sinopharm đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine.

Tại một số thành phố lớn, bao gồm Bắc Kinh, hơn 80% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 liều. Do tiến độ tiêm phòng chưa đồng đều, nhà chức trách khuyến cáo Trung Quốc chưa vội nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới, vốn được cho ở mức chặt chẽ nhất trên toàn cầu.

Shipper giữ "mạch sống" của thành phố

Khi Liu Yilin, một giáo viên trung học đã nghỉ hưu ở Vũ Hán, lần đầu tiên nghe thông tin về một căn bệnh "lạ" ở thành phố miền Trung Trung Quốc, ông bắt đầu tích trữ các nguồn cung cấp như gạo, dầu, mì, thịt lợn khô và cá.

Những sự chuẩn bị này đã giúp người đàn ông 66 tuổi thoát khỏi một số hoảng loạn ban đầu khi thành phố phong tỏa vào cuối tháng Giêng và những người mua sắm tràn đến các chợ và trung tâm mua sắm để mua nhu yếu phẩm.

Từ nơi bắt nguồn Covid-19: Vũ Hán đã làm thế nào để vượt qua phong tỏa? - Ảnh 2.

Những người giao hàng (shipper) vẫn được hoạt động khi "phong thành" (Ảnh: EPA)

Nhưng thời gian trôi qua và với việc người dân bị cấm ra khỏi nhà, ông càng lo lắng về nguồn cung rau, trái cây và thịt tươi cho đến khi mạng lưới tài xế giao hàng rộng lớn của quốc gia đến "giải cứu".

Việc giao hàng cho người dân Vũ Hán trong thời kỳ phong tỏa được thực hiện như sau: người dân đặt hàng trên ứng dụng với nông dân, tiểu thương hoặc siêu thị để mua nhu yếu phẩm hàng ngày và đội ngũ nhân viên cộng đồng sẽ giúp phân phối hàng hóa từ những người giao hàng.

Mỗi sáng, ông Liu chuyển một tờ giấy có tên, số điện thoại và số thứ tự của mình cho một nhân viên cộng đồng, người này sẽ thu gom đồ từ một người chuyển phát nhanh ở cổng khu dân cư.

Nhờ mật độ dân số cao ở các khu vực thành thị, lực lượng lao động dồi dào và sự cởi mở của người dân với công nghệ kỹ thuật số, Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới giao hàng tận nhà phát triển.

Hu Xingdou, một nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh cho biết, giao hàng tận nhà đóng một vai trò rất quan trọng trong bối cảnh dịch Covid bùng phát. Ở một mức độ nào đó, nó đã ngăn không cho người dân bị đói, đặc biệt là trong bối cảnh phong thành.

Mark Greeven, giáo sư về đổi mới và chiến lược tại Trường Kinh doanh IMD ở Lausanne, Thụy Sĩ, cho biết, dù đó là giao hàng, bưu kiện hàng không, thực phẩm tươi sống hay thậm chí là thuốc hoặc vật liệu dùng trong y tế, Trung Quốc có một hệ thống phát triển rất tốt hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.