Phong tỏa nghiêm ngặt sẽ hạn chế tốc độ lây nhiễm, giảm tải cho các bệnh viện

Lê Hồng Quang, Theo VTV 08:34 29/07/2021

Phong tỏa không ngăn được lây nhiễm, nhưng đã giúp hạn chế các ca bệnh, giảm tải cho hệ thống y tế trong lúc chờ vaccine. Đó là kinh nghiệm của các nước châu Âu.

Đây là một trong những biện pháp phòng dịch hiệu quả mà các nước châu Âu đã áp dụng khi dịch bệnh bùng phát mạnh vào năm ngoái.

Khi đại dịch bùng phát vào tháng Ba năm ngoái, các nước châu Âu đều chọn phương án phong tỏa. Nhiều cửa hàng bị buộc phải đóng cửa, chỉ có cửa hàng bán đồ thiết yếu, siêu thị thực phẩm hay hiệu thuốc là còn được mở cửa, hàng quán vẫn được mở nếu chỉ bán đồ cho khách mang đi.

Chị Elodie de Geest - Quán Pain quotidien Bruxelles cho biết: "Chúng tôi không được phép cho khách ngồi lại ăn bên trong quán, làm thế để tránh nhiều người ở một chỗ với nhau. Nhân viên cũng cho nghỉ bớt, cả quán chỉ còn cần 2 đến 3 người làm, mọi khi thì có tới 15 nhân viên".

Có giai đoạn, đến cả hiệu cắt tóc cũng bị bắt đóng cửa cả tháng. Học sinh không đến trường, các công ty phải để phần lớn nhân viên làm việc tại nhà.

Phong tỏa nghiêm ngặt sẽ hạn chế tốc độ lây nhiễm, giảm tải cho các bệnh viện - Ảnh 1.

Người dân Đức đi mua sắm trong ngày các lãnh đạo nền kinh tế số một châu Âu quyết định gia hạn phong tỏa một phần hồi tháng 3 (Ảnh: Báo Nhân dân)

Từ giữa tháng Ba đến giữa tháng Tư năm ngoái, ngoài đường vắng lặng. Cảnh sát đi tuần tra liên tục. Mua thực phẩm hay dược phẩm là lý do chính đáng, nhưng cũng không được đi quá xa. Mức phạt vi phạm tối đa lên tới 350 Euro (9 triệu VNĐ).

Ông Stéphane Marcel - Cảnh sát Bruxelles nói: "Chúng tôi có quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân, xem mỗi người có đi quá xa nhà mình hay không. Ra hàng thịt hay đi mua bánh mỳ thì tất nhiên là không ai đi xa tới cả chục cây số".

Ai muốn ra công viên hay vào trong rừng chạy bộ đạp xe thì vẫn được, nhưng chỉ được đi tập tối đa một tiếng đồng hồ và không đi xa nhà quá 1 km.

Phong tỏa nghiêm ngặt không ngăn được lây nhiễm, nhưng đã giúp giảm tốc độ lây nhiễm, giảm tải cho hệ thống y tế, trong lúc chờ đợi vaccine. Các biện pháp hạn chế di chuyển chỉ được nới dần khi bắt đầu tiêm chủng mở rộng, và cũng chỉ được dỡ bỏ hoàn toàn khi quá nửa số người trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine.