Từ 20 triệu mẹ cho "chơi thử", 15 năm sau thành Giám đốc môi giới chứng khoán: "Có chứng sĩ vào trăm triệu đã thấy to, nhưng có người còn vào hàng chục tỷ"

Vân Anh - Design: Huyền Trang, Theo Nhịp sống thị trường 00:01 05/04/2024
Chia sẻ

Cùng lắng nghe chia sẻ của Giám đốc Môi giới chứng khoán về những câu chuyện bên lề xoay quanh các pha chao đảo của thị trường.

Sau hơn một thập kỷ theo đuổi nghề môi giới chứng khoán, chị Trang Hoàng (Giám đốc Tư vấn Đầu tư và Môi giới Chứng khoán tại Công ty Chứng khoán VPBank) đã có những góc nhìn đặc biệt về thị trường, cũng như kinh nghiệm xương máu để cân bằng giữa một bên là cá tính cá nhân và một bên là biểu đồ xanh đỏ lên xuống liên tục.

Trang Hoàng (1986)

- Kinh nghiệm làm môi giới tại Công ty Chứng khoán VNDirect hơn 12 năm.

- Hiện đang làm Giám đốc Tư vấn Đầu tư và Môi giới Chứng khoán tại Công ty Chứng khoán VPBank.

Từ 20 triệu mẹ cho chơi thử, 15 năm sau thành Giám đốc môi giới chứng khoán: Có chứng sĩ vào trăm triệu đã thấy to, nhưng có người còn vào hàng chục tỷ - Ảnh 2.

Chị Trang Hoàng

Tâm sự nghề môi giới chứng khoán: Sau 10 năm, rất ít nhân sự trụ được với nghề

Chào chị Trang,

Sau 15 năm làm nghề, môi giới chứng khoán đem lại cho chị những trải nghiệm và cung bậc cảm xúc như thế nào?

Tính đến nay, mình đã làm Tư vấn Đầu tư và Môi giới Chứng khoán được 15 năm rồi, cũng đã trải qua một số chu kỳ biến động mạnh mẽ của thị trường tài chính nói chung và biến động về thị trường chứng khoán nói riêng.

Nghề môi giới mang lại cho mình rất nhiều trải nghiệm thú vị.

Thứ nhất, môi giới có thể theo sát và là người chứng kiến được từng biến chuyển của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, được cập nhật tin tức mới nhất liên tục hàng ngày, bám sát các diễn biến vĩ mô, biến động liên thị trường, biến động ngành,…

Thứ hai, người môi giới có cơ hội giao tiếp và học hỏi rất nhiều từ khách hàng và các anh chị em trong nghề. Mỗi người là một trải nghiệm, có thể mang lai những kiến thức, góc nhìn thú vị về quá trình và kiến thức đầu tư.

Thứ ba là trải nghiệm về sự nỗ lực vượt qua bản thân. Khi thị trường chứng khoán vào chu kỳ khó khăn, biến động nhân sự trong nghề rất lớn và khá khắc nghiệt. Nghề môi giới có những mốc 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm. Theo thời gian, số người làm nghề bị rơi rụng đi rất lớn. Những môi giới còn trụ lại sau 10 năm thì tỉ lệ chắc chỉ còn đâu đó vài phần trăm. Mình đi được đường dài và phát triển với nghề là thành quả của sự nỗ lực, kinh nghiệm và yêu nghề rất lớn.

Từ 20 triệu mẹ cho chơi thử, 15 năm sau thành Giám đốc môi giới chứng khoán: Có chứng sĩ vào trăm triệu đã thấy to, nhưng có người còn vào hàng chục tỷ - Ảnh 3.

Khi làm việc cùng khách hàng, chị thường tư vấn cho họ với “khẩu vị” đầu tư như thế nào?

Mỗi khách hàng sẽ có “khẩu vị” đầu tư và khả năng chịu rủi ro riêng. Có khách hàng thích “an toàn”, có người lại chỉ thích cổ phiếu trả cổ tức đều đặn. Có những khách hàng ưa cổ phiếu biến động mạnh để lướt sóng, lại có người quá bận bịu và không có thời gian để bám bảng. Do đó, việc mình tư vấn cho khách hàng cũng cần chọn lọc kỹ càng tùy theo khẩu vị của họ.

Quan trọng nhất vẫn là cần coach và trang bị cho khách hàng các kiến thức và cách phân bổ danh mục để quản trị rủi ro. Ví dụ mỗi nhà đầu tư có “khẩu vị” và lượng tiền đầu tư khác nhau, thì tỉ trọng danh mục mã ngành sẽ khác nhau. Các nhà đầu tư lớn sẽ không thể mua nhiều mã chứng khoán có thanh khoản thấp được…

Ngoài ra cách chia vốn lúc điểm mua vào, các điểm chốt lời cũng rất quan trọng. Khi đã có một kế hoạch trước, tâm lý nhà đầu tư cũng sẽ vững và chủ động hơn trước biến động thị trường, giúp họ rèn được tính kỷ luật, vốn rất quan trọng trong đầu tư.

Thị trường tạo đáy chính là cơ hội thuận lợi để đầu tư

Về phần mình, tiêu chí chọn cổ phiếu của chị là? Và chị có những kinh nghiệm nào để lựa chọn cổ phiếu vượt trội hơn so với thị trường?

Khẩu vị đầu tư của mình là “Bất kể mã nào có thể mang lại lợi nhuận đều tốt cả” hay “Mèo đen hay mèo trắng, cứ bắt chuột là được”. Trong đó, việc phân bổ tỉ trọng danh mục là then chốt.

Mình thường chọn mua cổ phiếu cùng chu kỳ tạo đáy hoặc cùng chu kỳ tăng với chỉ số VNIndex.

Khi các yếu tố vĩ mô, chỉ số cơ bản và chỉ báo kỹ thuật hỗ trợ cho việc tạo đáy của thị trường chứng khoán, đó là cơ hội rất lớn và cực kỳ thuận lợi cho việc đầu tư. Khi thị trường tạo đáy, cũng đồng nghĩa với việc gần như tất cả các cổ phiếu trên thị trường đều có thể mang lại lợi nhuận. Để chọn được cổ phiếu vượt trội, bạn cần chú ý về các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, kế hoạch phát triển cùng mức độ thực tiễn, những doanh nghiệp có yếu tố được chính sách vĩ mô hỗ trợ tốt…

Từ 20 triệu mẹ cho chơi thử, 15 năm sau thành Giám đốc môi giới chứng khoán: Có chứng sĩ vào trăm triệu đã thấy to, nhưng có người còn vào hàng chục tỷ - Ảnh 4.

Những năm đầu tham gia thị trường chứng khoán thường để lại trải nghiệm sâu sắc với các nhà đầu tư. Còn chị Trang thì sao?

Trải nghiệm sâu sắc khi tham gia thị trường chứng khoán thì rất nhiều vì mình đã có một quãng đường khá dài trong đầu tư. Nhưng buồn cười nhất là trải nghiệm từ lúc là sinh viên, còn chưa có kiến thức về thị trường chứng khoán

Hồi đó thị trường quá sôi động, ai vào cũng lãi. Thế là mình được mẹ cho hai mươi triệu thử đầu tư. Lần đầu tiên mua cổ phiếu của mình là chọn mã “thấp nhất” trên bảng giá là BMI lúc 211. Mua xong mình lỗ ngay và không bao giờ BMI quay lại giá đó nữa. Lần đầu tiên mua cổ phiếu đó, mình bán đi bị lỗ 20%.

Lúc đó mình có tâm lý nghĩ chứng khoán là cờ bạc, nhưng song song cũng bắt đầu có ý thức tìm hiểu thông tin hơn. Mình nghĩ sau mỗi lần “thất bại”, quan trọng là bản thân rút ra được bài học gì. Vì đầu tư là quãng đường dài thậm chí đến cả sau nghỉ hưu công việc việc chính.

Chị chọn đối diện với thất bại trong lần đầu tư này như thế nào?

Việc thực hành đầu tư sẽ rèn thêm bản lĩnh thực tiễn cho mỗi người, vì các quyết định mua/bán lại dựa trên yếu tố tâm lý của chính bản thân. Khi mình có kiến thức và trải nghiệm thực tiễn, tâm lý sẽ vững dần, không bị hội chứng FOMO theo đám đông, sẽ có chính kiến và “tĩnh” hơn khi đặt lệnh mua/bán.

Mỗi lần đầu tư là một trải nghiệm, đặc biệt là qua những chu kỳ kinh tế và biến động mạnh của thị trường. Khi mình làm liên tục một công việc duy nhất trong 15 năm, mình cũng học hỏi và tự trang bị được những kinh nghiệm và kỹ năng đầu tư nhất định cho bản thân rồi. Đối với mỗi nhà đầu tư, việc không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và chính từ thực tiễn đầu tư sẽ là những trải nghiệm rất đáng giá đối với mỗi người.

Từ 20 triệu mẹ cho chơi thử, 15 năm sau thành Giám đốc môi giới chứng khoán: Có chứng sĩ vào trăm triệu đã thấy to, nhưng có người còn vào hàng chục tỷ - Ảnh 5.

Từ trải nghiệm cá nhân, chị có kinh nghiệm nào để các bạn trẻ ngoài tuổi 20 có thể sống sót tốt trên thị trường “chứng khoán” khắc nghiệt?

Từ trải nghiệm 15 năm làm nghề, mình nghĩ các bạn trẻ nên có trải nghiệm đầu tư càng sớm càng tốt để tích lũy kinh nghiệm. Quan trọng là tìm được một “người thầy” dẫn dắt để không bị mất quá nhiều thời gian “dò đường”.

Khi mới bắt đầu tham gia thị trường và chưa có nhiều tiền thì có thể đầu tư dưới dạng tích sản. Chẳng hạn bạn mua một vài cổ phiếu Bluechips tăng trưởng cho cổ tức đều, bỏ khoản tiền đều đặn theo tuần, tháng hoặc năm vào đầu tư. Bạn có thể bắt đầu ngay từ 10 - 20 triệu để trải nghiệm thử.

Với mình, bạn nên bắt đầu từ những mã cổ phiếu từ ngân hàng Big4 trước để đầu tư tích sản dài hạn bằng khoản tiền cho vào tài khoản chứng khoán đều đặn. Sau khi đã tích lũy thêm kiến thức nhất định và bám được bảng, các bạn trẻ có thể chia danh mục ra tỉ lệ cho những mảng đầu tư tích sản riêng, đồng thời lướt sóng ngắn - trung hạn riêng, tùy theo khẩu vị đầu tư.

Từ 20 triệu mẹ cho chơi thử, 15 năm sau thành Giám đốc môi giới chứng khoán: Có chứng sĩ vào trăm triệu đã thấy to, nhưng có người còn vào hàng chục tỷ - Ảnh 6.

Theo chị, có giới hạn về tiền nào mà người trẻ ở tuổi 20 - 30 nên dành để đầu tư chứng khoán, tránh sa chân vào các khoản thua lỗ đậm khi tham gia thị trường không?

Không chỉ người chơi ở độ tuổi 20 - 30, mà có thể cả ở lứa tuổi nhiều hơn, việc chọn được giới hạn chịu rủi ro của bản thân là rất quan trọng để tạo nên một danh mục phù hợp với mình. Không có số tiền giới hạn chung cho tất cả mọi người. Vì sẽ có người cảm thấy một trăm triệu đã là rất to, có người lại thấy ba đến năm tỷ mới là to, thậm chí vài chục tỷ…

Quan trọng nhất là số tiền mình bỏ ra đầu tư so với thu nhập thì tương quan như thế nào, có phải tiền nhàn rỗi không?

Điều này cực kỳ quan trọng, vì nếu không phải tiền nhàn rỗi, có áp lực phải rút bất cứ lúc nào thì rất khó có được lợi nhuận theo mong muốn. Đồng thời, nếu tương quan tiền đầu tư chiếm tỉ trọng quá lớn so với thu nhập, nếu là người chưa có nhiều kinh nghiệm cũng sẽ gây nhiều áp lực và ảnh hưởng không tốt đến tâm lý đầu tư. Rủi ro thua lỗ chính là áp lực tâm lý khi chưa đủ kiến thức và đầu tư.

Nhìn nhận về những bạn trẻ ngoài độ tuổi 20, chị thấy họ thường mắc phải sai lầm phổ biến nào khi mới bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán?

Sai lầm phổ biến của các bạn trẻ là thường chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về phân tích cơ bản và kỹ thuật, chưa có nhiều trải nghiệm, dẫn đến việc chọn cổ phiếu mà chưa hề biết có phù hợp với khẩu vị, khả năng chịu rủi ro của mình hay không.

Tuy nhiên, đầu tư là hành trình cả cuộc đời. Càng có nhiều trải nghiệm và được hướng dẫn đi đúng, việc đầu tư sẽ càng trở thành “kỹ năng sống” quan trọng đối với mỗi người.

Bạn có thể làm bất cứ nghề gì, vẫn có thể đầu tư chứng khoán. Bạn có thể nghỉ hưu việc chính rồi vẫn có thể đầu tư chứng khoán. Có trải nghiệm và kỹ năng thì đầu tư chứng khoán sẽ là “ nghề tay trái” kiếm thêm thu nhập rất tốt của mỗi người.

Từ 20 triệu mẹ cho chơi thử, 15 năm sau thành Giám đốc môi giới chứng khoán: Có chứng sĩ vào trăm triệu đã thấy to, nhưng có người còn vào hàng chục tỷ - Ảnh 7.

Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày