Nếu ai hỏi trong thời gian qua, nhân vật nào hot nhất trên mạng xã hội Việt thì không phải Trấn Thành với Hari Won, không phải Taylor Swift, không phải Kỳ Duyên cùng điếu thuốc oan nghiệt, mà là Phạm Hương, Lan Khuê, Hồ Ngọc Hà và chương trình "The Face".
Bỗng dưng, từ một cô Hoa hậu Hoàn vũ được săn đón và yêu thương bậc nhất, Hương bỗng hóa phù thủy, biến thành cái gai trong mắt của hàng chục nghìn người theo dõi chương trình truyền hình thực tế. Bao nhiêu người quay lưng, bình luận rủa xả nếu đem ra in chắc được cả bao tải giấy A4, rồi cũng không ít fan từ khi xem xong "Gương mặt thương hiệu" đã quay ngoắt mặt lại với cô. Nói chung, Phạm Hương trở thành kẻ bị ghét bỏ nhất trong thời gian gần đây cũng nhờ "The Face" cả.
"The Face", hay bất cứ chương trình truyền hình thực tế nào khác có thể khiến người xem hôm trước hôm sau quay lưng lại ngay với người mà họ hâm mộ yêu quý. Tại sao? Vì nó là thực tế, là nơi mà mọi góc cạnh tính cách của con người được phơi bày sạch sẽ, trần trụi nhất.
Dân tình thì luôn thích thị phi, và ở các show Truyền hình thực tế, thị phi, xung đột luôn là đặc sản. Truyền hình thực tế thu hút người xem ở chỗ người ta được xem các thí sinh, nhân vật thể hiện tất cả những cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố trước máy quay, cũng như thể hiện con người thực của mình. Người xem cảm nhận được cái "thực" trong các nhân vật, thay vì những câu thảo mai hoa hậu thân thiện trên gameshow gói gọn trong 45 phút.
Tuy nhiên, truyền hình thực tế không "thực" như bạn nghĩ. Cái gọi là "chân thực, không kịch bản" mà nhà sản xuất tung hê, hứa hẹn thực chất đều theo dàn dựng và có kịch bản hết! Tất cả những gì diễn ra đằng sau các mâu thuẫn, những lời nói ngứa tai, khuôn mặt nhếch mép khinh bỉ, các câu nói gây xốc óc tím tái mặt mày, thực ra đều là sản phẩm của công nghệ cắt ghép dàn dựng cả.
Đầu tiên, hãy nói một chút về "truyền hình thực tế"
Khái niệm "truyền hình thực tế" là một thể loại chương trình truyền hình mang tính tư liệu, ghi lại các tình huống có thật trong đời thực không theo kịch bản có sẵn với các nhân vật không phải là diễn viên chuyên nghiệp. Truyền hình thực tế có xu hướng tập trung nhiều về khía cạnh tính cách nhân vật, các mâu thuẫn xảy ra trong tương tác con người với con người và sự kịch tính trong các mối quan hệ giữa những người tham gia. Đây cũng chính là mồi câu rating chính, đem lại sức hút cho truyền hình thực tế.
Chương trình America's Next Top Model.
Rating ở đây chính là chỉ số đơn vị dùng để đánh giá sự quan tâm của khán giả, khách hàng đối với một chương trình truyền hình. Rating cũng có thể được coi như một đơn vị tiền tệ của giới truyền thông, cho thấy hiệu quả quảng cáo mà chương trình đó mang lại. Dựa vào chỉ số này, các nhãn hàng, đơn vị tài trợ sẽ cân đo đong đếm, làm sao để tìm được chương trình có rating tốt, sau đó cài cắm quảng cáo thương hiệu cho chính họ.
Nói nôm na, rating càng cao, tiền về tay nhà sản xuất từ các nhãn hàng tài trợ càng nhiều. Thế nên họ sẽ làm mọi cách để đảm bảo cho rating được cao nhất có thể.
Trong khi đó, để có được tư liệu về một buổi phát sóng của truyền hình thực tế cần đến cả đội ngũ quay phim, cũng như hàng chục máy quay bố trí ở khắp không gian sinh hoạt của nhân vật nhằm ghi lại đầy đủ những khoảnh khắc thật nhất của nhân vật. Tư liệu chất đống, thời gian phát sóng có hạn, đương nhiên để giải quyết bài toán này, người ta sử dụng đến biện pháp cắt ghép dựng phim.
Chương trình Bachelor nổi tiếng của Mỹ.
Cũng từ đó, tư liệu là thực tế, hình ảnh cũng thực tế, nhưng thông qua nhiều bàn tay tỉa tót, gọt giũa, cảnh này cắm vào cảnh kia, chúng ta có được nhiều câu nói được chia nhỏ rồi bới xào lẫn lộn vị trí, văn cảnh, tạo ra hàng chục drama nảy lửa, những câu nói chọc tức dư luận.
Cuối cùng, từ biện pháp cắt dựng, nhà sản xuất "một mũi tên trúng hai đích": vừa giải quyết bài toán thời lượng, vừa có thêm kịch tính câu thêm rating cho chương trình.
Chính bản thân Hoa hậu Phạm Hương, trong một video mới đây được tung lên Facebook đã bày tỏ thái độ bức xúc vì đội ngũ biên tập đã "biên" quá tay, cắt bỏ những phân cảnh cô xúc động, trả lại trên màn ảnh một Phạm Hương môi thâm, mắt trợn, nói chuyện kiểu buôn một vựa dấu phẩy ngắt nghỉ lê thê đầy tính giả tạo, thẳng tay loại thí sinh đội khác không một gợn ăn năn.
Không phải lúc nào thí sinh cũng là những kẻ ất ơ chân thật
Quả thực là vậy. Mang tiếng là show truyền hình thực tế, đề cao tính "thực", không diễn, không kịch bản, nhưng không phải lúc nào sự chất phát thật thà cũng phát huy tác dụng đối với nhà sản xuất. Người ta xem show thực tế là để tìm thấy chính mình trong các nhân vật trong chương trình, những anh Duy ở nhà bên, anh Hà ở phố dưới, chị Loan bên thôn Đoài, cô Hồng dưới thị xã có mặt trên TV, kiểu ai ai cũng có khả năng được lên sóng truyền hình vậy.
Tuy nhiên, sau một vài tập đầu tiên của các show truyền hình thực tế nổi tiếng nước Mỹ như "The Real World", "Survivor", "American Idol", "The Bachelor", dân tình nhanh chóng nhận ra rằng ở các show này không phải là sân chơi dành cho mọi người, mọi tầng lớp tham gia. Họ thấy ngay những người đến casting là các diễn viên đang trong thời gian rảnh rỗi, hay các diễn viên tương lai đang muốn giành được thời lượng lên hình và thể hiện, tiếp thị bản thân.
Các mâu thuẫn, các mối quan hệ không phải tự dưng mà có
Từ từ, đừng hiểu nhầm rằng họ gò các nhân vật phải gây tranh cãi với nhau như một vở tuồng lố bịch. Nhà sản xuất có khả năng thao túng thí sinh mà không cần phải trực tiếp thò tay vào làm gì. Ví dụ như họ có thể chỉ định một cặp thí sinh trời sinh không ưa nhau ở chung buồng, sau đó tạo ra vài tình huống bên lề rồi ung dung đợi đám rơm bùng cháy, lia nhẹ máy quay đến bắt cảnh hóa thú, "nộ phát xung thiên" của đám lâu nhâu tốt thí.
Next Top Model phiên bản Mỹ luôn nổi tiếng với nhiều drama giữa các thí sinh.
Rồi tiếp đó, nếu đó chỉ đơn giản là một cãi vã thông thường, bằng kỹ năng cắt dựng tài tình, nhà sản xuất có thể biến nó thành ngay một trận chiến một mất một còn để khán giả phải tròn mắt dõi theo.
Cả những mối quan hệ tình cảm trên show cũng chưa chắc đã là thật. Kristin Cavallari, cựu ngôi sao chương trình truyền hình thực tế "Hills" nổi tiếng của Mỹ những năm 2006-2010 từng thừa nhận trên talkshow rằng rất nhiều mối quan hệ tình cảm của cô trong chương trình chỉ để lên hình mà thôi.
Quay đi quay lại là điều bình thường
Không phải lúc nào thiên thời địa lợi nhân hòa, đội ngũ sản xuất có thể quay thuận lợi một phân cảnh, tình huống nào đó một cách tự nhiên.
Các fan ruột của chương trình cực kỳ nổi tiếng của gia đình danh giá Kardashian "Keeping up with the Kardashians" thậm chí còn phải nói rằng họ không tin những thước phim được xem trên TV đều là "thật" 100%. Chính nhà sản xuất Russell Jay còn gây sốc với mọi người khi tiết lộ rằng có những cảnh phải quay đi quay lại rất nhiều lần, mặc dù đó là cảnh về biểu cảm của các nhân vật theo lẽ không lường trước nhất.
Show "Keeping up with the Kardashians" của gia đình nổi tiếng nhà cô Kim.
Đơn cử, trong phân đoạn Kim Kardashians tuyên bố ly dị chồng cũ là Kris Humphries, Jay cho biết nhà Kardashian đã yêu cầu được ghi hình lại biểu cảm ngạc nhiên của Kim chỉ vì đơn giản là cô không thích gương mặt biểu cảm tự nhiên trong hình. Kể cả một số phân đoạn khác cũng là dàn dựng và ghép hình.
"Nghệ thuật luôn là ánh trăng lừa dối"
Bạn còn nhớ chương trình "Man V.s Wild" với sự góp mặt của Bear Grylls cùng những màn sinh tồn tự nhiên nghẹt thở của anh? Nhưng mà không phải lúc nào Bear Grylls mà bạn thấy đang ăn nhện, ăn gián, mò cua bắt ếch cũng là anh Tây đẹp trai thật sự ấy đâu.
Trong năm 2007, Kênh 4 truyền hình Vương Quốc Anh đã tiến hành một cuộc điều tra trước một số cáo buộc rằng đội ngũ sản xuất Man V.s Wild đã sử dụng diễn viên đóng thế để ghi hình. Cuối cùng cuộc điều tra đã tiết lộ một danh sách dài những nghi vấn xung quanh chương trình "được cho là thực tế khoa học" này, trong đó có cả thông tin anh Grylls của chúng ta rung đùi vểnh râu nằm chổng vó trong khách sạn trong khi vẫn đang miệt mài update rằng mình phải chống chọi với tự nhiên.
Bear Grylls và show Man V.s Wild từng bị chỉ trích là giả tạo.
Giữa tâm bão dư luận, một số tập bị đặt nghi vấn đã được đội ngũ sản xuất chỉnh sửa lại phù hợp với bộ phận khán giả thị trường Anh và một bản khác dành cho khán giả Mỹ. Bản thân chương trình cũng phải thay đổi format để chân thực hơn với độc giả.
Hoặc như chương trình "Kitchen Nightmares" của siêu đầu bếp Gordon Ramsay nổi tiếng cũng là một ví dụ tiêu biểu của sự lấp liếm giả tạo. Ở chương trình này, Ramsay được mời tới tiếp quản nhà hàng đang trên bờ vực phá sản để vực dậy chúng bằng tài năng của ông siêu đầu bếp. Tuy nhiên người ta tiết lộ rằng, hầu hết các câu chuyện vực dậy nhà hàng thành công đều là dối trá cả. Chỉ có đúng 2 nhà hàng trong chương trình là còn tiếp tục hoạt động được. Bằng cách thay đổi màu sơn, góc quay, 2 nhà hàng đắt khách nhất bỗng "phân thân" thành nhiều nhà hàng thành công khác nhau để khán giả ố á.
Đến cả Kitchen Nightmares của siêu đầu beeso Gordon Ramsay cũng bị tố nhiều điểm dàn dựng.
Đấy, mang tiếng là "thực tế" nhưng cũng không thực tế lắm đâu. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất dành cho các bạn khi xem truyền hình thực tế là hãy thư giãn đi, nhẹ đầu mà xem, không phải lồng lộn giận dữ làm gì. Tại sao?
Tại vì cái gì thì cũng đã qua sắp xếp chỉnh sửa hết cả rồi, có cay cú, có nhức nách, chửi thề, unlike Fanpage, bình luận khiếm nhã, thi nhau vote sập cả site thì cũng chả làm được trò gì. Đối với những gì đã không thể thay đổi, sao không tận hưởng như một bộ phim dài độ chục tập về những con người đấu đá nhau. Thế thôi cho nó nhẹ đầu, nhỉ?