Mấy ngày nay, cuộc đời của Lan Cave (Thanh Hương) trong Quỳnh Búp Bê đang là câu chuyện gây nhức nhối đối với khản giả màn ảnh nhỏ, bởi người ta tức anh ách khi thấy nhân vật mình yêu thích bị dồn đến bước đường cùng. Khán giả liên tục ném đá, kêu gào đòi biên kịch đổi kịch bản, thậm chí yêu cầu nhà đài dừng phát sóng phim nếu ở những tập phim tiếp theo Lan không được đổi vận. Vận mệnh của Lan ở những tập sau sẽ ra sao thì chỉ có ekip làm phim mới biết. Còn hiện tại, trong lúc đợi những tập phim sau, thử điểm qua một thành viên trong "câu lạc bộ" những người phụ nữ khốn khổ của màn ảnh Việt, biết đâu chừng bạn ra nhận ra, cuộc đời Lan vẫn chưa phải bất hạnh nhất.
Lan Cave - Quỳnh Búp Bê
Chẳng còn nghi ngờ gì khi khẳng định Lan Cave của Quỳnh Búp Bê chính là người phụ nữ khốn khổ nhất màn ảnh Việt thời gian gần đây. Suốt cả hành trình từ những tập đầu tiên đến nay, chưa một ngày nào Lan được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Cũng vì nợ nần của gia đình mà Lan buộc phải làm cái nghề mà người đời kinh miệt, đến khi trở thành cave hết thời, Lan vẫn cố dùng chút hương tàn sắc tận để kiếm từng đồng nuôi gia đình, nuôi em. Nhưng nợ nần vẫn chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con, cuộc đời Lan cứ vậy chìm trong bế tắc.
Lan phải trở thành kẻ bị xã hội khinh miệt cũng chỉ vì nỗi lo cho gia đình
Ngày Thiên Thai sụp đổ, những tưởng Lan sẽ được về lại với cuộc sống yên bình như bao người phụ nữ khác, nào ngờ, tai họa lại liên tục kéo đến, nhiều đến độ khán giả còn "vui tính" đòi đạo diễn đến tên phim thành Lan Cave. Quá khứ chẳng đẹp đẽ của Lan bị phơi bày cho cả làng biết. Bị từ hôn ngay trong ngày cưới rồi bị chính những người thân ruột thịt quay lưng, đay nghiến và sỉ nhục.
Lan muốn quay đầu nhưng bị chính người thân chặn đứng lối về
Cuộc đời khốn nạn với cô như vậy chưa đủ, Lan bị chính gã chồng hờ cho người cưỡng bức tập thể, rồi bị đổ cho tội danh của kẻ lăng loàn, bị đánh ghen, bêu rếu khắp cả làng. Cha mất vì không thể vượt qua những cú sốc, trước linh cữu của cha là tiếng Lan thảm thiết kêu oan nhưng chẳng ai thèm bận tâm đến những lời ai oán đó bởi trong mắt tất cả mọi người, Lan là kẻ tội đồ, không đáng được tha thứ. Mọi thứ như chấm dứt hoàn toàn khi Lan bị tai nạn, nằm một chỗ với ánh mắt thần thần, vô hồn nhưng đau thương đến tột độ.
Cuộc đời này còn định trêu đùa Lan đến bao giờ?
Ba Trang - Mộng Phù Hoa
Lấy cảm hứng từ cuộc đời gian truân có thật có đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa, Trần Ngọc Trà, Ba Trang (Kim Tuyến) trong Mộng Phù Hoa đích thị là mỹ nhân lận đận nhất trên màn ảnh Việt với những biến cố dồn dập kéo dài suốt từ năm cô 10 tuổi. Giống như Lan Cave, Ba Trang cũng từng có một tuổi thơ rất đỗi tươi đẹp bên cha mẹ, đáng tiếc, nó kết thúc quá sớm khi cô chưa kịp nếm mùi hạnh phúc. Vì ghen tuông mù quáng, cha cô nổi cơn thịnh nộ, đau tim rồi qua đời ngay trước mặt đứa con gái nhỏ, bà nội cô không vượt qua được cú sốc cũng chết ngay sau đó, dưới cơn mữa tầm tã. Cuộc đời Trang chính thức sang trang mới, toàn máu và nước mắt.
Ba Trang năm 16 đã không còn được phép hồn nhiên
Mới 16 tuổi, Trang đã qua tay biết bao gã đàn ông đểu giả, liên tục bị cưỡng bức bởi chính những người thân của mình rồi bị lừa bán không biết bao nhiêu lần. Đêm tân hồn, Trang bị chồng ghẻ lạnh bởi đã không còn trinh trắng rồi sau này cũng chính gã đàn ông khốn nạn đó đã năm lần bảy lượt tìm cách giết hại.
Cuộc đời Trang trở thành món hàng trong tay biết bao người, lọt vào mắt xanh của bao gã công tử lắm tiền nhiều của nhưng lại phải chết chìm trong sự cô đơn, khốn khổ, rồi trở thành nô lệ của bài bạc và á phiện. Đau đớn hơn khi những bất hạnh mà Trang phải gánh chịu đều bắt nguồn từ chính thứ nhan sắc diễm lệ của cô để rồi sau cùng, khi đã nếm đủ mùi phú quý, tủi nhục, Trang chỉ đành biết bỏ lại sau lưng tất cả, ra đi với ánh mắt đượm buồn.
Cuộc đời Trang là chuỗi những tháng ngày nhơ nhớp
Và không còn lối thoát
Yến - Cuộc Đời Của Yến
Giống với Ba Trang, Yến trong Cuộc Đời Của Yến cũng từng là một cô bé ngây thơ, hồn nhiên cho đến năm cô 10 tuổi và bị ép gả cho một cậu bé kém mình 1 tuổi. Hai đứa trẻ Yến và Hạnh gắn cuộc đời với nhau vì tục tảo hôn, lớn lên bên nhau, rồi thực sự thành vợ chồng, sinh con và trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của cuộc đời.
Hai đứa trẻ ngây thơ bị ràng buộc với nhau bởi tục tảo hôn
Khi đã có chung với nhau 3 mụn con, chồng Yến - Hạnh bị kẻ xấu hãm hại đến tán gia bại sản. Không chịu được sự khổ cự và những lời dè bỉu, Hạnh đã trốn chạy, để Yến lại một mình với căn nhà hoang tàn cùng 3 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Cuộc đời Yến cũng từ đó mà toàn cô đơn, buồn tủi, mồ hôi, nước mắt và cả máu. Tin tức về Hạnh ngày một thưa dần, hy vọng gặp lại chồng cũng gần như không còn nữa khi Yến bàng hoàng nghe tin Hạnh có người mới. Rồi ngày gặp lại rốt cuộc cũng đến nhưng nó đau khổ bởi lúc này Yến mới biết, những lời đồn đại về kẻ thứ 3 là có thật, Hạnh đã không còn là của Yến nữa rồi.
Yến cùng các con ngóng trông 1 ngày Hạnh trở về
Để rồi Yến lại phải khốn khổ trong nỗi cô đơn đến tột cùng
Sương - Cánh Đồng Bất Tận
Cũng từng bị đẩy đến bước đường cùng nên buộc phải làm gái để nuôi thân, cuộc đời của Sương (Hải Yến) trong Cánh Đồng Bất Tận khốn nạn không kém phần cuộc đời của Lan. Cả nửa đời người sống trong cái cảnh trôi sông lạc chợ, dường như người ta chỉ thấy Sương mỉm cười đúng 2 lần, với người mà cô có muốn cũng chẳng thể ở bên. Nhưng đó là nụ cười mặn chát, đau thương bởi khi Sương cười cũng là lúc cô biết, mọi hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc trong mình đã đổ sập.
Cuộc đời đã cướp đi của Sương cái quyền mơ được hạnh phúc
Sống với thân phận của kẻ ở đáy xã hội, chẳng bao giờ ngại ngần khi nhắc đến nghề làm gái nhưng sâu thẳm tâm hồn, Sương vẫn chỉ là người phụ nữ bình thường với khao khát được yêu thương. Bị đánh ghen một cách kinh khủng nhưng chưa một lần Sương dám kêu than bởi cô biết thân phận của mình lại chẳng biết phải kể lể, than khóc cùng ai.
Trở nên tàn tạ sau một trận đánh ghen nhưng Sương lại chẳng thể than khóc cùng ai
Trót lỡ phải lòng một người đàn ông nghèo sống lênh đênh sông nước cùng 2 đứa con thiếu vắng tình thương của mẹ, Sương đã quyết định theo họ sống những tháng ngày rong ruổi. Những tượng hạnh đã mỉm cười với người phụ nữ khốn khổ này nhưng đến sau cùng, Sương lại phải dứt áo ra đi khi đã trót lỡ coi 3 cha con kia là gia đình của mình, để cho chính cái gia đình mong manh ấy tan nát ra từng mảnh.
Mây - Người Trở Về
Khác với những người phụ nữ còn lại, nỗi bất hạnh mà Mây (Lã Thanh Huyền) trong Người Trở Về phải chịu đựng đến từ những tàn dư của năm tháng chiến đấu ngoài sa trường. Từng là một cô gái xinh đẹp, mơ mộng với chuyện tình hạnh phúc, Mây tạm từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của quốc, xông pha nơi trận mạc, không ngại nguy hiểm mà cứu mạng biết bao chiến sĩ. Ngày trở về từ chiến trường, những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười, nào ngờ ở nhà, mọi người đều đã gọi Mây bằng một tiếng "liệt sĩ", hóa ra, tròn 1 năm trước, gia đình đã nhận được tin Mây hi sinh nơi chiến trường.
Mây gặp lại bố khi gia đình đang làm giỗ đầu cho chính mình
"Giỗ đầu" của cô cũng là ngày mà người cô thương cưới vợ, không muốn phá vỡ hạnh phúc của bất kì ai, Mây lặng lẽ ra bến đò sống trong nỗi cô đơn. Ngày trái tim Mây rung động thêm một lần nữa cũng là lúc cô đau đớn hay tin, vì những dư chấn từ chiến trường, Mây đã mất đi khả năng làm mẹ. Đến tận sau cùng, Mây vẫn sống một mình trong nỗi cô đơn, buồn tủi và nỗi mặc cảm vì chẳng hể mang cho người mình thương hạnh phúc trọn vẹn.
Đến sau cùng, Mây vẫn mòn mỏi cũng nỗi cô đơn
Mây, Lan hay Ba Trang,... tất cả đều lương thiện và xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng cuộc đời của họ lại khổ quá, khổ đến mức khiến cho khán giả cũng phải phẫn uất, xót xa. Rồi đời Lan Cave sẽ đi về đâu, có thoát được khỏi cái vòng tròn luẩn quẩn của bất hạnh mà tạo hóa đem lại, câu trả lời đành đợi những tập phim sau.