Hơn bảy thập kỷ trôi qua kể từ thời khắc bộ đội ta giương cao lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng trên nóc hầm của tướng De Castries, nhưng ký ức về mốc son lịch sử oai hùng ấy chưa hề phai nhạt trong tâm trí những người lính năm xưa.
Chiều 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, Chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi. (Ảnh: TTXVN)
Bằng chất giọng trầm lắng, đôi mắt trĩu nặng khi nhớ lại tháng ngày đạn nổ bom rơi, các cựu binh hồi tưởng lại những khoảnh khắc sinh tử, kỷ niệm với những đồng đội mãi mãi nằm xuống lòng chảo Mường Thanh, và niềm tin sắt son vào thắng lợi.
Mỗi câu chuyện là một lát cắt chân thực, vừa dữ dội vừa thiêng liêng về chiến thắng làm thay đổi số phận cả dân tộc.
Tháp tùng Tổng Tư lệnh quan sát lòng chảo Điện Biên
Căn nhà rợp bóng cây xanh của Trung tướng Đặng Quân Thụy (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội) ở quận Ba Đình, Hà Nội chứa đầy ắp những kỷ vật, bức ảnh thời kháng chiến, các bằng khen, huân chương. Tất cả được đặt ở vị trí trang trọng nhất.
Nổi bật trong số đó là bức ảnh đen trắng ông tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát lòng chảo Điện Biên vào thời điểm lịch sử. Khi đó ông Thụy mới 26 tuổi, là phái viên tác chiến thuộc Sở Chỉ huy chiến dịch.
Sĩ quan tác chiến Đặng Quân Thụy (ngoài cùng, bên phải) báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đài quan sát ở mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)
Cầm bức ảnh đoàn cán bộ thị sát mặt trận năm 1954, ông lần lượt giới thiệu từng người: Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ông Kim Hùng (Trưởng ban Quân báo Đại đoàn 316), ông Vũ Lăng (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Đại đoàn 316) và cuối cùng là phái viên tác chiến Đặng Quân Thụy.
" Tháng 5 năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp muốn đi kiểm tra lòng chảo Điện Biên sau khi lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng tung bay phấp phới trên nắp hầm chỉ huy của tướng De Castries.
Lúc ấy tôi ở phòng tác chiến, bản thân đã có nhiệm vụ nghiên cứu trận địa cũng như quan sát các trận đánh trước đó. Vì vậy, tôi được phân công đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp để báo cáo tình hình chiến trường ", Tướng Thụy nói về bối cảnh ra đời của bức ảnh được ông xem là báu vật.
Trong ký ức người lính trẻ năm xưa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng tài cao, trí tuệ lớn và luôn trăn trở lựa chọn phương châm tác chiến ít thương vong nhất, phù hợp nhất, hiệu quả nhất ở Điện Biên Phủ, khi quân đội Pháp biến lòng chảo này thành tập đoàn cứ điểm "bất khả xâm phạm".
" Với nhãn quan sắc bén, tài thao lược thiên bẩm, Đại tướng đã nhận ra một điều mà ít người lúc đó nhìn ra, đó là khi địch mạnh lên, tăng quân lên đến 12 tiểu đoàn, công sự đã xây dựng chắc chắn rồi thì phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh' không còn phù hợp ", Tướng Thụy nhớ lại và nhận định, thay đổi phương thức tác chiến là quyết định táo bạo của người cầm quân, thể hiện trách nhiệm rất cao trước thành công của chiến dịch và giúp giảm hy sinh xương máu chiến sĩ.
Nhắc đến đây, Tướng Thụy kể tiếp: " Hàng vạn quân đã chuẩn bị đánh, khi nhận được lệnh hoãn thì không tránh khỏi sự xáo trộn. Thời chiến, việc đưa pháo vào trận địa đã khó, giờ lại kéo pháo ra, khó không phải ở đường đi mà khó ở tư tưởng, làm sao vượt qua chuyện này, làm sao kéo pháo ra, kéo pháo vào... Lần đầu đưa ô tô vào sát trận địa, phức tạp lắm, ô tô không được mở đèn pha, tắt đèn, đường miền núi quanh co lắm.
Có nhiều câu hỏi: "Tại sao lui thời gian, có đánh nữa không?'. Tuy nhiên quân ta giữ vững quyết tâm với tinh thần chấp hành mệnh lệnh ".
Quyết định chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" được Tổng Tư lệnh đưa ra dựa trên cơ sở bám sát diễn biến chiến trường, phân tích tình hình thực tiễn một cách khoa học và sự quán triệt sâu sắc tư tưởng "đánh chắc thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy.
Ngay trong cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn kỹ lưỡng: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Lời dặn dò ấy trở thành kim chỉ nam cho toàn chiến dịch.
Chia sẻ thêm về phương châm tác chiến "đánh chắc, tiến chắc", Tướng Thụy phân tích: " Theo cách đánh thông thường trước mỗi đợt tấn công, hỏa lực gồm pháo, súng cối sẽ bắn cấp tập vào cứ điểm địch khiến chúng giảm khả năng chiến đấu, sau đó bộ đội mới đánh vào hàng rào dây thép gai bằng bộc phá, từ đó tiến dần dần vào trung tâm cứ điểm ".
Hầu hết các trận đánh đều diễn ra như thế, tuy nhiên có những trận bộ đội âm thầm cắt, phá toàn bộ hệ thống hàng rào dây thép gai và chỉ chừa lại một phần nhỏ để qua mắt địch. Khi nổ súng tấn công, toàn bộ hàng rào sẽ bung ra tạo điều kiện cho bộ đội đánh vào bên trong cứ điểm.
Song, Tướng Thụy nêu thực tế, chiến thắng đến không hề dễ dàng với chúng ta.
Phân khu Bắc của địch bị tiêu diệt nhanh chóng trong đợt 1 của chiến dịch, nhưng ở đợt tấn công thứ 2 tại dãy đồi phía Đông thuộc phân khu trung tâm, các đơn vị đều không giành được thắng lợi như dự kiến.
" Đợt 2 chúng ta chủ trương đánh chiếm, giải phóng cứ điểm cửa ngõ phía Đông. Lúc này, ta vướng hai cứ điểm chưa thể dứt điểm là C1 và A1. Điều này khiến chúng ta chưa thực hiện thành công chiến dịch.
Lúc đó, số ít bộ đội ta thấy rằng như vậy là đánh quá khó, ít nhiều có sự dao động quyết tâm. Trong lúc chiến dịch đang căng thẳng như vậy mà tâm lý dao động thì gay go lắm. Chính vì vậy, Bộ Chỉ huy tổ chức cuộc họp có cán bộ, sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn tham dự ", Tướng Thụy nói.
trung tuong dang quan thuy 3.jpgTrung tướng Đặng Quân Thụy
Tại cuộc họp này, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tổng kết, đánh giá về ưu điểm và phê phán nghiêm khắc tư tưởng không quyết tâm, ngại khó khăn, gian khổ. Đại tướng yêu cầu giải quyết tư tưởng bằng việc tổ chức sinh hoạt chính trị để củng cố, nâng cao quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ.
Giữa lúc tình hình căng như dây đàn thì đây là chủ trương vô cùng quan trọng, đúng đắn và sáng suốt. Sau khi có chỉ đạo của Tổng Tư lệnh, các đơn vị nhanh chóng tổ chức sinh hoạt chính trị, từ cấp sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn cho đến đơn vị cơ sở. Điều này đã củng cố quyết tâm tốt cho cán bộ, chiến sĩ và tìm ra cách đánh.
" Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, sức mạnh của quân đội chúng ta nằm ở tinh thần chiến đấu và sự ủng hộ vô hạn của Nhân dân, ngoài ra còn có cả nghệ thuật quân sự nữa ", Tướng Thụy nhắc lại, nhớ về lúc ông và đồng đội hân hoan đọc "Thư kêu gọi các chiến sĩ Điện Biên Phủ đẩy mạnh cuộc thi đua đánh tỉa quân địch" của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp giữa giai đoạn chiến sự khó khăn nhất.
Ông nhớ trong thư có đoạn: " Tôi kêu gọi: Toàn thể các chiến sĩ bắn súng trường, các chiến sĩ bắn súng máy, các chiến sĩ bắn súng cối, các chiến sĩ pháo binh, hãy phát huy cao độ tinh thần tích cực diệt địch, nỗ lực thi đua đánh tỉa quân địch ở Điện Biên Phủ. Một viên đạn, một tên địch! ".
Bước sang đợt tấn công thứ ba, Trung tướng Đặng Quân Thụy được cử làm phái viên tác chiến xuống theo dõi Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316), tiếp đó là Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308).
Hồi tưởng về ngày chiến thắng, ông bồi hồi: " Đến trưa 7/5/1954, tôi đang trực ban tác chiến ở Sở Chỉ huy chiến dịch thì nhận được báo cáo từ các đơn vị là trong các công sự của địch thấy xuất hiện nhiều cờ trắng. Chúng tôi nhanh chóng báo cáo với Bộ Chỉ huy về hiện tượng này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập tức ra lệnh cho các đơn vị thực hiện tổng tấn công ngay, không chờ tới đêm như dự kiến ".
Trung tướng Đặng Quân Thụy và bức ảnh đen trắng ông tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát lòng chảo Điên Biên.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, "nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng".
Sau ngày chiến thắng, Sở chỉ huy tiền phương được lệnh trở về căn cứ ở Thái Nguyên, ông Đặng Quân Thụy được cử đi dự Hội nghị tổng kết chiến dịch.
Khi được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng kết và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ, lòng người lính Đặng Quân Thụy vui mừng khôn xiết vì vừa đóng góp một phần nhỏ bé vào thắng lợi của cả dân tộc.
Trung tướng Đặng Quân Thụy nhấn mạnh, Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tạo cơ sở và điều kiện để Nhân dân ta tiếp tục giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc sau này.
Vừa học vừa cứu thương binh ở bệnh viện dưới lòng đất
Khác với những người trực tiếp cầm súng ngoài mặt trận, Thiếu tướng Nguyễn Tụ (nguyên Phó giám đốc Học viện Quân y), bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ với hành trang là chiếc túi y cụ và vài cuốn sổ tay chuyên môn. Khi ấy, ông vẫn là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội.
" Chúng tôi chưa phải là bác sĩ, toàn là sinh viên từ khóa năm 1946 đến khóa năm 1952. Tất cả đều tình nguyện xung phong vào phục vụ trong quân đội. Mà sinh viên thì trình độ y khoa cũng chưa phải là cao, chủ yếu mới chỉ được học những kiến thức căn bản ", Tướng Tụ thừa nhận.
Các chiến sĩ quân y khám bệnh và trao đổi kinh nghiệm tại Chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)
Trong ba lô của chàng sinh viên Nguyễn Tụ và bạn đồng môn là những cuốn sách, cuốn vở: " Thời đó sách về y học hiếm lắm, ở trường chỉ có vài cuốn sách giáo khoa, sách hướng dẫn thực hành bằng tiếng Pháp, anh em phải chép lại, vừa hành quân vừa đọc ".
Nhưng kiến thức về y học là vô biên, chưa kể chỉ có thể tranh thủ đọc sách những lúc nghỉ ngơi khi hành quân, vậy nên ông Tụ và nhiều chiến sĩ quân y thường xuyên rơi vào cảnh "vừa học vừa thực hành" khi tham gia các chiến dịch, trong đó có chiến dịch ở Điện Biên.
" Khi tham gia chiến trường, sinh viên được các bác sĩ quân y hướng dẫn cấu tạo các chi (chân tay), còn các vấn đề liên quan đến mạch máu, sọ não thì ít lắm. Có những ca mình chưa biết 'đường đi, lối lại' của mạch máu, dây thần kinh, các bộ phận trong cơ thể thế nào, lại phải lật sách ra đọc, đối chiếu. Thậm chí có khi một anh đứng bên cạnh đọc sách cho một anh khác thực hiện cứu chữa trong phòng mổ ", ông Tụ hồi tưởng.
Trang thiết bị y tế thiếu thốn, kỹ thuật thô sơ, môi trường tác nghiệp của các thầy thuốc khó khăn trăm bề, đặc biệt là điều kiện ánh sáng không đảm bảo.
Theo vị tướng quân y, ban đầu các trạm sử dụng mấy chiếc đèn bão nhưng ánh sáng không đủ để rọi sâu vào ổ bụng và khoang lồng ngực. Đúng thời điểm ấy, Cục Quân y phổ biến sáng kiến sử dụng ánh sáng điện bằng cách lấy đèn dynamo trên xe đạp và lắp thêm một bộ phát điện quay tay, được một y tá hoặc dân công ngồi quay.
" Đèn xe đạp được trưng dụng từ các đoàn xe thồ của dân công và có nguồn điện phát ra từ dynamo xe đạp tương đương với dòng điện 12V. Bằng cách đó, chúng tôi đủ ánh sáng để mổ, cứu sống được nhiều thương binh trong hầm tối ", ông Tụ thuật lại.
Bên cạnh bất lợi về mặt chuyên môn, các chiến sĩ quân y trong chiến dịch Điện Biên Phủ còn gặp khó khăn về môi trường làm việc.
Thiếu tướng Nguyễn Tụ khẳng định đây là chiến dịch mà hoạt động của cán bộ, chiến sĩ ở điều kiện khó khăn nhất. Sau khi ta chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" thì mọi hoạt động của quân y đều diễn ra dưới hầm; tiểu đoàn có hầm, trung đoàn có hầm, đại đoàn cũng có hầm.
Mô tả quy trình cứu chữa thương binh, ông Nguyễn Tụ cho biết, khi chiến sĩ bị thương, y tá tại đại đội sẽ cầm máu, băng bó, cố định vết thương rồi chuyển lên tuyến tiểu đoàn.
Mỗi tiểu đoàn phải có trạm quân y, nơi thương binh được bổ sung cấp cứu. Nếu thương binh còn chảy máu thì phải cầm máu bằng garo (phương pháp cầm máu tạm thời bằng dây cao su hoặc dây vải xoắn chặt vào đoạn chi), nếu garo ở tiểu đoàn rồi thì phải nới để máu lưu thông, tránh hoại tử…
" Anh em bị thương về tuyến tiểu đoàn thường sẽ đói, khát và rất bẩn. Trạm quân y của mỗi tiểu đoàn phải có bếp Hoàng Cầm để nấu nướng, cho thương binh ăn uống, tắm rửa, sau đó chuyển lên tuyến trung đoàn. Tuyến tiểu đoàn không giữ thương binh, trừ những chiến sĩ chỉ bị sây sát ", ông Tụ kể.
Tiếp theo là tuyến trung đoàn, mỗi trung đoàn ít nhất có khoảng 50 hầm, bao gồm hầm mổ, hầm thay băng, hầm cho thương binh nằm. Tuyến đại đoàn cũng được bố trí tương tự nhưng với quy mô rộng hơn, sức chứa khoảng 150 - 200 thương binh.
" Điều quan trọng nhất là đảm bảo cứu chữa thương binh dưới hầm. Đó không khác gì một bệnh viện dưới hầm. Tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn lần lượt như các tuyến viện, chiến sĩ bị thương càng nặng thì được chuyển lên tuyến phía trên ", ông Tụ cho hay.
Khi được hỏi liệu có "chùn tay" trong các ca phẫu thuật khi kiến thức y học chưa thực sự vững vàng, điều kiện môi trường không đảm bảo, vị tướng quân y bật cười hào sảng: " Nghĩ lại quả thật là liều, nhưng thời điểm đó không làm không được. Giữa lúc khó khăn trăm bề như thế, nếu anh không phẫu thuật thì tỷ lệ sống của thương binh là 0, nhưng anh quyết tâm làm thì kết quả chắc chắn sẽ hơn số 0. Các chiến sĩ cầm súng bảo vệ Tổ quốc trước kẻ thù xâm lược, còn tôi cùng lực lượng quân y bảo vệ các chiến sĩ trước tử thần ".
thieu tuong nguyen tu 1.jpgThiếu tướng Nguyễn Tụ
Sau tiếng cười dài là sự trầm ngâm, bởi trong ký ức của ông, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có niềm vui mà còn có nhiều đau thương, mất mát.
" Tôi nhớ như in hôm chúng ta mở giai đoạn 2 của chiến dịch, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai và tổ chức hoạt động dưới hầm nên nhiều chiến sĩ đã hy sinh vì không được kịp thời cứu chữa ", đôi mắt rớm nước, Thiếu tướng Nguyễn Tụ bộc bạch.
Tối 30 và ngày 31/3/1954, Đại đoàn 316 của ông có trách nhiệm đánh vào tất cả các cứ điểm phía Đông, bao gồm A1, C1 và C2. Trung đoàn 174 là chủ công, đánh vào A1 nhưng không thành công, thương vong nặng nề. Trung đoàn 98 được giao đánh C1 và C2; C1 thì đánh được nhưng đến C2 lại không thành công, tổn thất lớn.
" Đội điều trị của Đại đoàn thu dung khoảng 1.000 thương binh. Số lượng nhiều như thế vì đánh không thành công, Bộ Chỉ huy điều thêm lực lượng của Trung đoàn 102 (thuộc Đại đoàn 308) để đánh tiếp nhưng cũng bất thành. Ngoài thương binh của Đại đoàn 316 lại có thêm thương binh của Đại đoàn 308 về chỗ tôi ", ông Tụ nói.
Hơn 1.000 thương binh nhưng trạm quân y của Đại đoàn 316 chỉ có sức chứa khoảng 200 người, vì chưa có kinh nghiệm trong tổ chức cứu chữa nên thương binh đưa về bị ùn tắc ở khâu phân loại.
Thiếu tướng Nguyễn Tụ nhớ mồn một cảnh tượng khốc liệt của ngày hôm ấy: " Có thời điểm quân y phải đứng mổ 5 ngày 5 đêm liền, hầu như không nghỉ, chỉ kịp nhai cơm nắm sau mỗi ca. Một lần tôi đi kiểm tra ở khâu phân loại, có khu vực có đến 20 đồng chí hy sinh. Có đồng chí hy sinh vì vết thương quá nặng nhưng có đồng chí mất vì không kịp cứu chữa, nếu chúng tôi làm tốt hơn thì các đồng chí đó đã sống ".
Ông Nguyễn Tụ cho biết, sau khi giành chiến thắng, bộ đội rút khỏi Điện Biên, còn lại khoảng 6.000 thương binh, lực lượng quân y phải ở lại tổ chức đưa thương binh về bệnh viện địa phương theo hai hướng là Thanh Hóa và Phú Thọ.
Mặc dù đã có xe Gaz vận chuyển nhưng nhiều thương binh không đi xe được do bị gãy xương, hôn mê. Vậy nên quân y phải tổ chức cáng từng người một.
" Lúc bấy giờ, chúng tôi có sáng kiến là anh đi xe thì chuyển thương theo trạm xá lưu động, nhưng người phải cáng bộ thì chuyển thương theo từng cáng. Coi mỗi cáng là một gia đình, có các anh chị em dân công đi phục vụ, khiêng thương binh. Sau khi kết thúc chiến dịch, ròng rã hơn 1 tháng, chúng tôi mới đưa được hết thương binh về tuyến sau ", ông Tụ nhắc lại.
Bộ đội ta cùng thương binh Pháp bị thương được chăm sóc chung ở trạm y tế dã chiến. (Ảnh: Getty Images)
Theo vị tướng quân y, việc cứu chữa bệnh binh của thực dân Pháp cũng giống như ta, được tổ chức tại các bệnh viện dưới lòng đất.
" Sau chiến thắng, ta biết được địch có một bệnh viện dã chiến sức chứa 200 bệnh binh nhưng do số thương vong quá lớn, bệnh viện đó phải thu dung hơn 400 lính. Vì thế người này chồng lên người kia, máu mủ, chất thải từ người phía trên chảy xuống người phía dưới. Đó cũng là nỗi ám ảnh đối với những người lính quân y như tôi ", Tướng Tụ chia sẻ.
Với chính sách nhân đạo, chúng ta đã đưa thương binh của thực dân Pháp từ hầm lên mặt đất, cứu chữa những người còn sống và tổ chức trao trả tù binh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mà còn là ký ức hào hùng sống động được truyền lại qua từng trang hồi ức của những người đã sống và chiến đấu nơi chiến địa khốc liệt ấy. Mỗi câu chuyện, mỗi kỷ niệm đều là một mảnh ghép thiêng liêng, góp phần dựng nên bức tranh toàn cảnh của chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Lật giở những trang hồi ức ấy không chỉ để nhớ về quá khứ, mà còn để hiểu sâu sắc hơn về giá trị của độc lập, tự do, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - những điều đã làm nên Điện Biên Phủ và hẳn nhiên sẽ mãi là điểm tựa tinh thần cho các thế hệ mai sau.