Theo CGTN, sông Dương Tử đã có đợt lũ đầu tiên trong năm nay vào hôm 2-7 và Bắc Kinh đã ban hành "cảnh báo lũ số 1" cho các khu vực đầu nguồn đập Tam Hiệp. Bộ Xử lý khẩn cấp Trung Quốc cùng ngày công bố nước này đã bước vào mùa lũ chính và các đội hỗ trợ đã được phái tới tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy để hướng dẫn việc phòng lũ.
Tại đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, theo Tân Hoa Xã, lưu lượng dòng chảy của lũ lên tới 53.000 m3 nước/giây lúc 14 giờ chiều 2-7, khiến mực nước tăng lên 146,97 m. Do đó, con đập đã mở 3 cửa xả lũ để giảm bớt tác động của lũ lụt đến vùng hạ lưu của dòng sông.
Kể từ hôm 29-6, đập Tam Hiệp xả lũ với lưu lượng hằng ngày là 35.000 m3/giây, giúp giảm áp lực kiểm soát lũ ở trung và hạ lưu sông. Hồ chứa đập Tam Hiệp thường trữ nước vào mùa hè và giải phóng nước vào mùa khô để giảm bớt hạn hán.
Đập Tam Hiệp lại mở 3 cửa xả lũ. Ảnh: CGTN
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) hôm 2-7 đưa ra cảnh báo mưa lớn trên khắp Trung Quốc ngày thứ 31 liên tiếp. Cư dân mạng tiếp tục suy đoán về tính toàn vẹn của đập Tam Hiệp khi nó phải đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ khi hoàn thành năm 2003. Mặc dù các quan chức Bắc Kinh nhiều lần trấn an nhưng khu vực này tiếp tục hứng chịu lũ lụt nặng nề và một trận động đất ở thượng nguồn đập Tam Hiệp sáng sớm 2-7.
Sau đó, vào buổi trưa cùng ngày, Ủy ban Tài nguyên Nước Trường Giang (CWRC) đưa ra cảnh báo khẩn cấp rằng thượng nguồn sông Dương Tử sẽ chứng kiến "hồng thủy (lũ) số 1 của năm 2020", trong khi dòng chảy vào hồ chứa Tam Hiệp sẽ là 50.000 m3/giây, tương tự trận lụt năm 1998.
Hôm 1-7, Tân Hoa Xã dẫn lời quan chức Bộ Tài nguyên Nước (MWR) Wang Zhangli cho biết kể từ tháng 6, 250 con sông trên khắp Trung Quốc bị lũ lụt trên mức cảnh báo, chủ yếu ở Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Tứ Xuyên, Trùng Khánh và An Huy.