Theo Giáo sư virus học người Đức Jonas Schmidt-Chanasit thuộc Viện Berhard-Nocht ở Hamburg, dường như những người đứng đầu các cơ quan bóng đá ở châu Âu không nhận thức được tính nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Tất cả nghĩ rằng các giải đấu sẽ có thể bắt đầu vào tháng 4, sau đó sẽ hoàn thành mùa giải trước ngày 30/06 như đã thống nhất trong cuộc họp của UEFA. Tuy nhiên, kế hoạch này không chắc sẽ thành hiện thực.
Giáo sư Jonas Schmidt-Chanasit không có cái nhìn lạc quan về tương lai bóng đá.
"Chúng ta hãy xem những gì đang xảy ra trên toàn châu Âu với Covid-19", Giáo sư Schmidt-Chanasit nói trên trang NDR.de, "Vậy nên rất thiếu thực tế khi tin vào sự trở lại của bóng đá vào tháng tới. Nó chỉ khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn. Nói một cách thành thực, chúng ta nên nói lời tạm biệt với bóng đá trong năm nay. Sớm nhất, bóng đá chỉ có thể diễn ra vào năm 2021".
Tuyên bố của ông Schmidt-Chanasit hoàn toàn có cơ sở, trong bối cảnh châu Âu đang chao đảo vì Covid-19. Vào thứ Sáu, số người thiệt mạng tại Italia đã lên đến 3.405, nhiều hơn cả Trung Quốc. Tại Tây Ban Nha cũng đã hơn 1.000 người chết, trong khi tổng số người nhiễm bệnh tại Đức, Pháp và Anh là hơn 30.000 người. Theo dự đoán của chính phủ các nước này, sẽ có khoảng 80% dân số dương tính với loại virus chết người này.
Sẽ còn rất lâu nữa trái bóng mới có thể lăn trở lại trên sân cỏ châu Âu.
Trước các diễn biến ngày càng phức tạp, Serie A từng hoãn đến ngày 03/04, đã phải thay đổi thành vô thời hạn. Còn Premier League, sau cuộc họp khẩn hôm 19, quyết định nghỉ đến ngày 30/04. Tuy nhiên các mốc dự kiến này không dựa trên tình hình thực tiễn, mà chỉ là kỳ vọng. Nó có thể tiếp tục thay đổi nếu nỗ lực kiểm soát Covid-19 của các chính phủ thất bại.
Một giải pháp được các nhà tổ chức tính đến là tổ chức trận đấu trong sân vận động không khán giả. Nhưng theo Giáo sư Schmidt-Chanasit, ngay cả ý tưởng này cũng không khả thi. "Những trận kiểu đó, người hâm mộ tuy không thể vào sân nhưng họ sẽ tụ tập ở đâu đó để cùng xem qua truyền hình, dẫn đến tăng khả năng lây nhiễm", ông nói.
Các kế hoạch dự kiến của UEFA nhiều khả năng đổ bể.
Chưa kể chính bản thân các cầu thủ cũng sẽ nghĩ về sự an toàn của họ. Khán giả không vào sân nhưng không ai đảm bảo chắc chắn những người có mặt, bao gồm cầu thủ, ban huấn luyện và nhân viên hai đội không nhiễm Covid-19.
Mới đây Alessandro Favalli, cầu thủ thứ hai tại Italia dương tính với virus Corona, đã chỉ trích Liên đoàn bóng đá khi đã không bảo vệ cầu thủ bằng việc sớm hoãn các trận đấu. Hoặc cựu tiền vệ Chelsea, John Obi Mikel cũng đã nhất quyết rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vì không chấp nhận chơi bóng, ngay cả khi không khán giả và chỉ có cánh cầu thủ với nhau.
"Có rất nhiều thứ cần được ưu tiên, thay vì nghĩ về bóng đá", ông Schmidt-Chanasit nói, "Tốt nhất hãy quên nó và chờ đến khi tình hình sáng sủa hơn trong năm 2021".