Tính từ 17/7/2023 đến 23/7/2023 (tuần 29), số ca mắc tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh tại TP.HCM, với 2.356 ca, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.455 ca. Ngành Y tế dự báo, số ca mắc và ca nặng sẽ tiếp tục tăng. Trong đó, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ ca nặng từ các tỉnh thành chuyển đến TP.HCM chiếm khoảng 80%
Tất cả các quận, huyện ở TP.HCM đều ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 29 tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc/100.000 dân cao, gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú
Ghi nhận của PV VTC News ngày 26/7 tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca mắc tay chân miệng điều trị nội trú là 156 ca
Trước tình hình ca bệnh tăng cao, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã triển khai nhiều phương án ứng phó. Trong đó, bệnh viện đã tăng thêm 1 lầu với quy mô 150 giường bệnh để đáp ứng điều trị các bệnh truyền nhiễm nói chung và giảm áp lực đối với bệnh tay chân miệng
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, BS.CKI Trần Ngọc Lưu cho biết, hiện khoa Nhiễm bệnh viện có hơn 150 ca, trong đó hơn 130 ca mắc tay chân miệng. Bệnh viện bố trí giường xếp, tận dụng khoảng trống hành lang khoa Nhiễm để các ca bệnh nằm, cố gắng đảm bảo mỗi bé một giường, tránh việc các bé nằm giường đôi, giường ba
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, hiện đang điều trị cho 110 ca tay chân miệng, có 45 ca nặng. Số ca sốt xuất huyết là 19 ca, có 5 ca nặng
Theo các bác sĩ, một trong những nguyên nhân chính khiến tay chân miệng năm nay đến sớm và các ca chuyển nặng hơn là do sự xuất hiện của chủng virus EV71. Ngành Y tế dự báo, số ca mắc tay chân miệng và ca nặng sẽ tiếp tục tăng
Bé P.Đ.D, 25 tháng (ngụ Bình Tân), nhập viện ngày thứ 5. Chị T.B (mẹ bé P.Đ.D) cho biết: "Cháu sốt cao nên gia đình đưa đến bệnh viện ngay. Sau thăm khám, phát hiện cháu bị tay chân miệng. Vì phát hiện sớm nên bệnh chưa diễn tiến nặng. Hiện, sức khỏe cháu ổn định, có thể xuất hiện trong nay mai"
Một số ca tay chân miệng nặng hiện phải thở máy
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đang điều trị cho 76 ca tay chân miệng. Trong đó 12 ca nặng cần theo dõi và 1 ca ở tỉnh Kiên Giang chuyển lên, ở độ 3, đang phải thở máy
BS.CKI Lê Thị Kim Ngọc, Phó khoa Nhiễm C - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cho biết: "Số ca tay chân miệng vẫn tăng, đa số ở các tỉnh chuyển về. Những ca điều trị ở khoa có chuyển biến nặng sẽ được đưa xuống hồi sức để theo dõi sát hơn"
Để phòng bệnh tay chân miệng, BS Trần Ngọc Lưu cho biết: "Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, theo dõi và phát hiện triệu chứng bệnh nặng lên, kịp thời điều trị, tránh hậu quả đáng tiếc''