Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích?

Thư Thư, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 04/03/2018
Chia sẻ

Sự thất bại của phim điện ảnh “Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc” tại thị trường Đại lục phần nào đã phản ánh thị hiếu chung của khán giả đối với những tác phẩm được chuyển thể hay remake từ nguyên tác “Tây Du Ký”.

Theo một cuộc khảo sát mới đây, Tây Du Ký bản 1986 là một trong những bộ phim truyền hình được yêu thích nhất mọi thời đại tại Đại lục, bên cạnh các cái tên đình đám như: Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử hay Tam Quốc Diễn Nghĩa. Đâu chỉ riêng khán giả xứ Trung, phiên bản Tây Du Ký của bộ sậu Lục Tiểu Linh Đồng, Từ Thiếu Hoa, Mã Đức Hoa, Trì Trọng Thụy cũng là một phần ký ức tuổi thơ không thể thiếu của hàng triệu người dân Việt Nam.

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 1.

"Tây Du Ký" bản năm 1986 được coi là kinh điển và không một tác phẩm remake hay cải biên nào có thể bì được!

Nhận thấy được tình cảm yêu mến và sự ưu ái đặc biệt của khán giả đối với nguyên tác Tây Du Ký, hàng loạt các tác phẩm ăn theo đủ thể loại lần lượt ra đời ngay sau đó. Từ phim điện ảnh cho đến phim truyền hình, từ hoạt hình cho đến trò chơi online. Trong số đó, nổi bật nhất vẫn là xu thế ngôn tình hóa tác phẩm gốc, tức là đưa yếu tố tình yêu lãng mạn vào trong mối quan hệ của các nhân vật đình đám.

Tuy nhiên, có vẻ như phong trào lãng mạn hóa Tây Du Ký đang rơi vào tình trạng thoái trào khi thị hiếu và quan điểm nghệ thuật của người xem đã có sự thay đổi đáng kể. Thay vì tìm kiếm sự mới mẻ, phá cách thì con người ta đang hướng tới những giá trị nguyên bản, nguồn cội và đề cao tính tác phẩm gốc.

Thời kỳ đầu: Thành công lẫy lừng của "Đại Thoại Tây Du 1-2" và "Tây Du Hàng Ma Thiên"

Có thể nói, Châu Tinh Trì là một trong những người tiên phong, mạnh dạn đưa yếu tố tình yêu nam nữ vào Tây Du Ký. Sự phóng bút và cải biên tinh quái của vua hài đã mang đến những phim điện ảnh được khán giả Đại lục cực kỳ yêu thích, lần lượt là Đại Thoại Tây Du: Nguyệt Quang Bảo Hạp (1995), Đại Thoại Tây Du: Đại Thánh Kết Hôn (1995) và Tây Du Hàng Ma Thiên (2013).

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 2.

"Đại Thoại Tây Du" lấy câu chuyện tình yêu giữa Chí Tôn Bảo/Tôn Ngộ Không (Châu Tinh Trì) và Tử Hà tiên tử (Chu Ân) làm trung tâm

Vào thời điểm những năm 1990, Đại Thoại Tây Du của Tinh gia khiến công chúng sửng sốt vì có nội dung kịch bản khác xa với nguyên tác gốc. Như Châu Tinh Trì đã nói, ông chỉ mượn tên nhân vật còn toàn bộ cốt truyện đều sáng tạo lại từ đầu. Nhờ sự cải biên thấu tình đạt lý, vừa hài hước lại cảm động, ý nghĩa, không có gì lạ khi Đại Thoại Tây Du (1995) trở thành tác phẩm điện ảnh thành công nhất nhì trong sự nghiệp của vua hài.

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 3.

Doanh thu của "Tây Du Hàng Ma Thiên" là 1,245 tỷ NDT (~ 4,463 tỷ VNĐ). Phim khắc họa chuyện tình buồn giữa Đường Tăng thời trẻ/Huyền Trang và Đoạn tiểu thư

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 4.

Nhân vật Đoạn tiểu thư hoàn toàn không có trong nguyên tác, do Châu Tinh Trì sáng tạo nên và rất được khán giả yêu mến

Tương tự, Tây Du Hàng Ma Thiên (2013) cũng nhận được đông đảo sự tán thưởng của khán giả. Tất nhiên, ban đầu, người xem cũng tỏ thái độ không hài lòng khi Châu Tinh Trì biến bốn thầy trò Đường Tăng thành những nhân vật lố lăng, quái dị. Nhưng dư luận nhanh chóng đảo chiều khi bị thuyết phục bởi cách dẫn dắt dí dỏm, duyên dáng của các diễn viên chính. Tình yêu giữa Đường Tăng thời trẻ (Văn Chương) và Đoạn tiểu thư (Thư Kỳ) được đề cập một cách tinh tế, ý nhị mà không quá rườm rà, khiến tác phẩm lãng mạn đậm chất thơ.

Thời kỳ thoái trào: Dư luận đổi chiều vì bội thực bởi những phân cảnh sến súa trong các bản chuyển thể Tây Du Ký

Mất đi ưu thế mới lạ, độc đáo, những nhà làm phim về Tây Du Ký loay hoay đi tìm hướng sản xuất riêng cho tác phẩm của mình. Họ mải miết sáng tạo mà chẳng thèm để tâm đến thị hiếu và nhân sinh quan của khán giả đang biến đổi từng ngày. Người ta đã phát ngấy với mô típ Đường Tăng hay Tôn Ngộ Không thời trẻ yêu cô A, cô B. Rồi xảy ra chiến loạn, biến cố, mối tình kết thúc trong nước mắt khi các cô đều lần lượt tan biến theo mây khói.

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 5.

So sánh sự chênh lệch về số điểm trên Douban của "Tây Du Hàng Ma Thiên" (phần 1) và "Tây Du Phục Yêu Thiên" (phần 2). "Tây Du Phục Yêu Thiên" có kinh phí đầu tư "khủng" hơn nhưng lại kém phần đầu tới 1,6 điểm

Điều đó được thể hiện rất rõ ở phản ứng của khán giả Đại lục sau khi theo dõi Tây Du Phục Yêu Thiên - phần phim tiếp theo của Tây Du Hàng Ma Thiên. Nếu như phần trước, người ta thi nhau tung hô cặp đôi Đường Tăng – Đoạn tiểu thư thì bây giờ, cư dân mạng lại "ném đá", chỉ trích tình yêu ngang trái giữa Đường Tăng – Tiểu Thiện.

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 6.

(Ngô Diệc Phàm) nảy sinh tình cảm với nhân vật Tiểu Thiện (Lâm Duẫn)

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 7.

Tiểu Thiện và Đường Tăng không có kết cục tốt đẹp

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 8.

"Tây Du Phục Yêu Thiên" còn bắn khá nhiều "hint" liên quan đến cặp đôi Đường Tăng – Tôn Ngộ Không

Ngay cả Ngộ Không Truyện cũng rơi vào vòng xoáy chỉ trích của cư dân mạng. Dù chuyển thể từ một nguyên tác khác với Tây Du Ký đỉnh cao của tác giả Ngô Thừa Ân, nhưng về cơ bản, phim vẫn xoay quanh tuyến nhân vật quen thuộc như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới.

Và dư luận bắt đầu đặt ra nghi vấn: "Từ bao giờ mà câu chuyện đi Tây Thiên thỉnh kinh, hành trình vượt qua khổ ải, tiêu diệt yêu quái lại trở thành phông nền cho những mối tình ngang trái?", "Bây giờ, nhắc đến Tây Du Ký, không phải là nhắc đến bốn thầy trò Đường Tăng có Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại nữa mà là phải kể về những tình yêu sâu đậm bất chấp thử thách, thiên mệnh…"

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 9.

Mối tình "từ trên trời rơi xuống" giữa Thiên Bồng nguyên soái (Âu Hào) và A Nguyệt (Trịnh Sảng)

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 10.

Mối tình giữa Tôn Ngộ Không (Bành Vu Yến) và tiên nữ A Tử (Nghê Ni) trong "Ngộ Không Truyện"

Chẳng trách mà doanh thu phòng vé của Ngộ Không Truyện cũng chỉ đạt con số 666 triệu NDT (~ 2,390 tỷ đồng) dù có kinh phí đầu tử "khủng" lên đến 450 triệu NDT (~ 1,614 tỷ đồng) và được truyền thông rầm rộ. Các chuyên gia dự tính, doanh thu lý tưởng của Ngộ Không Truyện là 1,5 tỷ NDT (~ 5,383 tỷ đồng) . Hoặc ít nhất, phim phải chạm được ngưỡng 1 tỷ NDT (~ 3,588 tỷ đồng). Điểm số của Ngộ Không Truyện trên Douban cũng vô cùng khiêm tốn - chỉ vỏn vẹn 5,1/10 điểm.

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 11.

Không riêng gì Ngộ Không Truyện, Tây Du Phục Yêu Thiên mà đến Đại Thoại Tây Du 3 cũng phải nhận những ý kiến trái chiều của khán giả. Dù rằng, doanh thu của tác phẩm này chỉ lỗ khoảng vài chục triệu NDT, song, nội dung của nó lại bị đánh giá là quá mức tệ hại. Điểm trên Douban của Đại Thoại Tây Du 3 chỉ dừng ở mức 3,6/10 - với 54,4% đánh giá 1 sao. Danh tiếng của Hàn Canh, Ngô Kinh, Đường Yên cũng chẳng thể cứu vãn tác phẩm này.

Đỉnh điểm của sự thất vọng: Bản remake "Đại Thoại Tây Du" và "Nữ Nhi Quốc" chán nhất nhì lịch sử

Năm 2017, phiên bản truyền hình của Đại Thoại Tây Du với tựa Đại Thoại Tây Du: Yêu Người Một Vạn Năm đã chính thức ra mắt công chúng. Khán giả xứ Trung chưa bao giờ chỉ trích và "ném đá" nhiều như thế về một tác phẩm phóng tác từ Tây Du Ký. Từ dàn diễn viên cho đến nội dung kịch bản hay tạo hình hậu kỳ, tất thảy đều bị chê lên chê xuống. Mối tình giữa nam chính Tôn Ngộ Không (Hoàng Tử Thao) và Tử Hà tiên tử (Triệu Nghệ) vừa dài dòng, lố lăng lại thiếu chiều sâu, ý nghĩa.

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 12.

"Đại Thoại Tây Du: Yêu Người Một Vạn Năm" của Hoàng Tử Thao xứng đáng là một trong những tác phẩm remake thất bại nhất trong lịch sử phim ảnh Hoa Ngữ

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 13.

Diễn xuất của cặp đôi chính vừa thiếu tự nhiên lại chẳng mang đến phản ứng hóa học cần có

Không dừng lại ở đó, đầu năm 2018 khán giả lại phải chứng kiến một cú "flop" thảm bại đến từ phim điện ảnh Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc. Là phần thứ 3 trong loạt phim chuyển thể từ nguyên tác nổi tiếng cùng tên do đạo diễn Trịnh Bảo Thụy thực hiện, phim nhận được rất nhiều sự kỳ vọng của khán giả.

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 14.

Tính đến thời điểm hiện tại, doanh phu của "Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc" mới chỉ đạt 716 triệu NDT (~ 2,569 tỷ đồng) trong khi điểm hòa vốn là khoảng 1,5 tỷ NDT

Theo đánh giá chung của phần đông khán giả, dù phim có kỹ xảo khá đẹp mắt và chất lượng nhưng nội dung lại kém hấp dẫn và gây buồn ngủ hạng nặng. Quan trọng hơn cả là biên kịch vì quá tập trung vào khắc họa mối tình giữa Đường Tăng (Phùng Thiệu Phong) và Nữ Vương (Triệu Lệ Dĩnh) mà đánh mất cái hồn của Tây Du Ký, khiến sư phụ của Tôn Ngộ Không trở thành nam chính ngôn tình vô cùng phản cảm.

Trào lưu ngôn tình hoá “Tây Du Ký”: Khán giả xứ Trung ngày càng bài xích? - Ảnh 15.

Câu chuyện tình yêu ngang trái, sến sẩm giữa Đường Tăng và Nữ Vương rất khó để người xem đồng cảm cũng như chấp nhận. Chẳng trách mà nhiều fan nguyên tác cảm thấy bị xúc phạm khi bộ truyện kinh điển mà họ yêu mến lại bị cải biên quá đà như vậy!

Kết

Kỳ thực, sức hút đến từ cái tên Tây Du Ký chưa bao giờ có dấu hiệu giảm sút đối với khán giả Hoa Ngữ. Đây vẫn là một đề tài màu mỡ, dễ hái ra tiền cho các nhà làm phim, nhà biên kịch tha hồ sáng tạo, phóng bút. Những người hâm mộ chân chính chỉ tha thiết mong được xem một tác phẩm Tây Du Ký đúng nghĩa, đủ sáng tạo hấp dẫn, đủ quen thuộc và ý nhị. Trước thảm cảnh "ngôn tình hóa" Tây Du Ký hiện tại, chẳng trách khi phiên bản 1986 vẫn cứ được nhà đài xứ Trung lựa chọn chiếu từ năm này qua năm khác, điển hình như dịp Tết Nguyên Đán vừa qua.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày