Chất lượng thấp, học phí cao?
Tại TPHCM câu chuyện căng thẳng học phí giữa phụ huynh với các trường quốc tế bắt đầu xảy ra vào khoảng đầu tháng 4, khi học sinh phải nghỉ học một thời gian dài để chống dịch COVID-19, các trường buộc phải chuyển sang dạy học trực tuyến.
Cụ thể, tại trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) đã ba lần phụ huynh kéo đến căng băng rôn phản đối, yêu cầu được đối thoại. Bà Đinh Trung Hà (đại diện phụ huynh) cho biết, học sinh học trực tuyến gần 12 tuần trong kỳ nghỉ vì dịch, số lượng tiết học chỉ bằng 10-30% so với trên lớp nhưng trường vẫn thu 30% học phí. “Với cách tính này, thực tế học phí không giảm, phụ huynh vẫn phải đóng 20-60 triệu đồng tùy cấp học”, bà Hà nói.
Phụ huynh Trường Quốc tế Úc (AIS Saigon) cũng 2 lần mang băng rôn yêu cầu trường đối thoại về chính sách học phí nhưng bất thành. Các phụ huynh cho rằng, chất lượng dạy trực tuyến của trường kém trong khi học phí thu tương đương học trực tiếp. Sau nhiều lần phụ huynh phản ứng, trường thông báo hoàn học phí 5-20% trong 10 tuần. Phụ huynh cho rằng, tỷ lệ giảm như vậy là trường dồn gánh nặng lên gia đình học sinh. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại Trường Quốc tế Mỹ (TAS); Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan...
Tại Hà Nội mới đây, nhóm phụ huynh Trường Quốc tế Singapore ở quận Ba Đình cũng bị phụ huynh giăng băng rôn “yêu cầu trả lại học phí trong thời gian học sinh nghỉ dịch”. Theo phụ huynh, nhà trường dạy học phập phù nhưng thu tới 80% mức học phí dạy trực tiếp (270 triệu/năm đối với lớp 2) là tận thu. Thậm chí, 20% được hoàn lại cũng được khấu trừ vào học phí năm học tiếp theo, nếu học sinh không theo học tại trường nữa coi như phải đóng 100%. Phía nhà trường lại cho rằng, dạy học trực tuyến thầy cô phải làm việc gấp 2-3 lần, nhà trường đảm bảo tiền lương cho giáo viên nước ngoài nên mức thu đó là hợp lý.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, trường đã làm việc tại phòng giáo dục, báo cáo chương trình dạy học, học phí. Sau đó, trường làm việc với phụ huynh, ghi nhận ý kiến để trình lên Ban điều hành của trường nhằm có câu trả lời thoả đáng sớm cho phụ huynh.
Sẽ lập đoàn thanh tra học phí
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, một số trường không giải quyết được với phụ huynh đã gửi đơn cầu cứu đến sở và các cơ quan chức năng. “Ban giám đốc đã trực tiếp cử các phòng chức năng để thực hiện nhiệm vụ, ổn định an ninh trật tự. Sở mời phụ huynh lên để lắng nghe tâm tư. Tiếp đó, mời các trường lên để lắng nghe ý kiến”, ông Nam nói.
Theo ông Nam có nhiều phụ huynh không hợp tác, quá khích, không chịu thỏa thuận, lên kế hoạch in băng rôn, đứng trước trường để tập trung đông người, chụp hình lấy tiếng… ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Được biết, ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, sở đã có hướng dẫn các khoản thu, trong đó nhấn mạnh với các trường ngoài công lập thì phải có thỏa thuận, minh bạch, công khai. Tuy nhiên, các trường có phụ huynh phản ứng này đa phần là chủ đầu tư nước ngoài, có đơn vị có đến 60 trường hoạt động rộng khắp trên thế giới nên họ phải giải quyết đồng nhất. Vấn đề học phí là hợp đồng dân sự, vì thế ông Nam cho rằng, hai bên phải ngồi lại thỏa thuận, trong trường hợp không thỏa thuận được phụ huynh có quyền từ chối sử dụng dịch vụ hoặc trường có quyền từ chối cung cấp dịch vụ.
“Trong thời gian tới, sở sẽ kiến nghị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm nhiều lực lượng để kiểm tra toàn diện nhằm ổn định trật tự, tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh. Nếu trường không đúng sẽ có biện pháp kiến nghị, nếu phụ huynh quá khích phải có biện pháp xử lý”, ông Nam nói.
Tương tự, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, trường ngoài công lập chỉ được thu khi đã thoả thuận với phụ huynh. Trước đó Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản gửi các cơ sở giáo dục về việc hướng dẫn thu học phí dạy học trực tuyến, trong đó nêu rõ vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, mối quan hệ giữa nhà trường và các phụ huynh trong trường hợp này là giao dịch dân sự. Giữa hai bên cần có tiếng nói chung để tháo gỡ các vấn đề mâu thuẫn. Phụ huynh có thể kiến nghị lên UBND TPHCM, Sở GD&DT TPHCM để được giải quyết. "Nếu như vẫn không có kết quả thì phụ huynh có quyền khởi kiện ra tòa", ông Thảo nói.