Những tranh cãi về chuyện "hát tranh" bản hit của đồng nghiệp không phải điều gì mới mẻ trong làng nhạc. Mỗi năm, thậm chí là mỗi tháng, khán giả vẫn thường xuyên được chứng kiến vô số màn đấu khẩu xoay quanh chủ đề này.
Nhẹ nhàng thì là những lời nhắc nhở vu vơ trên facebook, nặng hơn chút là thắc mắc đích danh, thậm chí bức xúc gọi thẳng nhau là... kẻ cướp cũng không phải điều gì hiếm lạ. Mới đây thôi, cô ca sĩ Vy Oanh cũng vừa mới đăng đàn tố đồng nghiệp hát tranh hit của mình với những lời lẽ khá nặng nề, phẫn nộ. Còn trước Vy Oanh, đếm không hết những trường hợp tương tự như cô.
Có điều, giữa mê trận tranh cãi ồn ào đó, khoảnh cách giữa sai và đúng, tình và lý đôi khi lại rất mong manh...
Vy Oanh bức xúc gọi việc nghệ sĩ tiền bối thời xuyên cover hit của đàn em là "cướp công".
Một cách đơn giản nhất để xác định ai đúng, ai sai là căn cứ vào pháp luật. Biểu diễn bài hát của nhạc sĩ khi chưa xin phép, hát bản hit của đồng nghiệp đã mua độc quyền, tất cả những trường hợp đó đều là sai trái. Tuy nhiên trên thực tế, câu chuyện lại phức tạp hơn thế rất nhiều.
Một đêm diễn phòng trà, khán giả bỗng nhiên cao hứng đòi ca sĩ hát một bản hit đang đình đám chẳng hạn. Tất nhiên, để chiều lòng người hâm mộ, rất ít ca sĩ sẽ chối từ. Nhiều vụ ồn ào đã xảy ra theo cách đó, nhất là khi nghệ sĩ đã có sẵn định kiến về nhau.
Nhưng những trường hợp như thế còn có thể dễ dàng bỏ qua, bởi chúng chưa gây ra hậu quả nào nghiêm trọng. Cũng không thể gọi đó là hành vi "ăn cướp", bởi cụm từ đó phải được dành cho những ngôi sao có thói quen "dùng chùa" một cách ung dung.
Mang luôn bản hit của ca sĩ khác lên vũ trường, phòng trà, thậm chí là cả truyền hình không phải điều gì hiếm lạ. Và tất nhiên, nếu đã được liệt vào hàng "cướp" thì chắc chắn, không một lời xin phép nào từng được đưa ra...
Điều đáng buồn ở đây là rất nhiều nghệ sĩ, cả nổi danh lẫn vô danh, cũng từng có đôi lần làm vậy. Ngay cả những ngôi sao nổi tiếng cũng không ngoại lệ, khi mà họ điềm nhiên dùng hit độc quyền của đàn em như thể "của chùa".
Với tuổi đời và tuổi nghề của họ, không thể nói rằng họ không biết, không ý thức được việc làm của mình có ý nghĩa ra sao. Có điều, ngay cả khi bị phát hiện thì câu chuyện cũng chỉ dừng lại ở một lời xin lỗi...
Chỉ là, những sự vụ như thế rất hiếm khi được đưa lên mặt báo. Sự e dè, ngần ngại và cả sợ sệt của không ít nghệ sĩ trẻ đã khiến họ ngao ngán bỏ qua. Những lời xin lỗi cũng chẳng mấy khi xuất hiện và một thứ lối mòn xấu xí cứ được hình thành theo cách vậy!
Ở một góc độ khác, việc hát lại một ca khúc hit đình đám lại là chuyện hoàn toàn hợp pháp. Khi thời hạn độc quyền ca khúc đã hết, nhạc sĩ sẽ có quyền bán sản phẩm của mình cho một ca sĩ khác. Những trường hợp như vậy thường xuyên xảy ra trong làng nhạc và chúng hoàn toàn công bằng với tất cả mọi người.
Tuy nhiên, về lý thì là như vậy, còn về tình thì phức tạp hơn nhiều. Chẳng một ai muốn san sẻ ca khúc hit của mình cùng người khác, lại càng không muốn ai đó ghi dấu ấn khác biệt lên ca khúc "thương hiệu" của mình.
Đặc biệt, các ca sĩ trẻ, những ngôi sao ít tiếng tăm hơn rất dễ bị lấn át bởi những đàn anh, đàn chị trong làng nhạc. Cùng một bản nhạc ấy, nhưng sức ảnh hưởng của một ca sĩ hạng A chắc chắn sẽ giúp nó lan toả hơn xa một đàn em mới vào nghề. Không ít trường hợp, bản hit đã "đổi chủ" sau một cú cover hoành tráng!
Tuy nhiên, cũng rất khó để trách móc hay công kích những người hát lại, nếu như họ làm đúng luật. Ca khúc hay không hề dễ kiếm và chuyện cover một bài hát phù hợp với mình là điều rất nhiều ca sĩ lựa chọn. Nghệ sĩ, dù hạng A hay hạng F thì đều luôn có áp lực của riêng mình và càng lên cao, áp lực đè lên vai họ càng khủng khiếp!
Nhạc sĩ cũng cần phải sống, cũng có nhu cầu quảng bá sản phẩm của mình và việc trao ca khúc cho một ca sĩ khác là điều hợp lý. Còn việc ai là chủ nhân thực sự của ca khúc thì đó là việc của những người mua...
Một chế tài nghiêm khắc và hợp lý là điều cần thiết để chấm dứt những tranh cãi tác quyền. Nếu như việc xử lý vi phạm bản quyền được diễn ra nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn, chắc chắn những lần "cầm nhầm" hay "cướp hit" không thể diễn ra thường xuyên như hiện tại.
Còn ở chiều ngược lại, khi những chuyển nhượng bản quyền kia diễn ra đúng luật, người ta cũng nên học cách tranh đấu một cách văn minh. Showbiz chưa bao giờ là một thế giới yên bình cả. Nó là nơi người ta luôn phải vận động, phải tranh đấu nếu không muốn mình bị bỏ lại phía sau.
Ghi dấu ấn lên một bài hát không nhất thiết phải là ca sĩ hạng A, ngôi sao lớn. Gần 20 năm trôi qua, người ta vẫn chỉ ấn tượng với Đừng xa em đêm nay của Thảo My, dù chưa bao giờ Thảo My hát nổi một ca khúc nào thành công tương tự. Không chỉ thế, nhiều ca sĩ vẫn có thể thành danh với cùng một ca khúc, như vô số thế hệ ca sĩ đã ghi dấu ấn với Hạ trắng, Diễm xưa của Trịnh Công Sơn. Hay như "Nơi tình yêu bắt đầu" của cả Bằng Kiều lẫn Bùi Anh Tuấn đều có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả. Nhìn xa hơn, sẽ là khá ích kỷ nếu như bó buộc một ca khúc hay vào với chỉ một giọng ca. Người nghe nhạc có quyền được thưởng thức và lựa chọn, còn quyền của ca sĩ là được hát.
"Nơi tình yêu bắt đầu" - Bùi Anh Tuấn
"Nơi tình yêu bắt đầu" - Bằng Kiều, Lam Anh
Những tranh cãi và công kích chuyện bản quyền có lẽ chỉ nên dừng lại ở góc độ luật pháp mà thôi. Còn trên góc độ nghệ thuật, người nghệ sĩ nên chăng hãy dùng tài năng và cảm xúc của mình để tranh đấu một cách văn minh? Bởi dù họ có là ai đi nữa thì kết quả chắc chắn cũng sẽ rất công bằng. Khán giả sẽ có sự lựa chọn cho riêng họ.