Gói hỗ trợ này sẽ triển khai từ hôm nay và kết thúc chậm nhất là ngày 10/8 tới. Ngoài các nhóm đối tượng được hỗ trợ như trong lần một, gói an sinh lần thứ 2 sẽ bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng là người lao động tự do và hộ nghèo, hộ cận nghèo sống trong các khu lưu trú, khu công nhân, khu nhà trọ, khu vực bị phong tỏa đang gặp khó khăn.
Mức hỗ trợ của hai nhóm đối tượng này là khoảng 1,5 triệu đồng, trong đó 1 triệu từ nguồn ngân sách của thành phố và 500.000 đồng, gồm 200.000 tiền mặt và 300.000 đồng phần quà từ nguồn vận động của Uỷ ban MTTQVN TP.HCM. Theo thống kê hiện TP.HCM có khoảng 250.000 hộ nằm trong diện nhóm 2.
Để gói an sinh lần thứ 2 đến đúng đối tượng, không để sót một người nào, tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu chính quyền từng địa phương phải có trách nhiệm rà soát, thẩm định thông tin, lập danh sách.
Với trường hợp gia đình có người thuộc nhiều nhóm đối tượng thì được hưởng gói chính sách có giá trị cao nhất, một hộ chỉ được hưởng 1 chính sách. Các địa phương cũng phải chuẩn bị nguồn lực lâu dài để khi cần thiết sẽ tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ người dân. Việc hỗ trợ cũng phải hết sức linh hoạt.
Còn bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM đề nghị, các địa phương và TP. Thủ Đức cần sát sao, tuyên truyền vận động tất cả lực lượng tham gia; phát huy cao nhất vai trò của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo khu phố và các đảng viên trong thực hiện gói an sinh lần thứ 2.
"Chúng tôi mong những gói hỗ trợ này nhanh nhất có thể để người dân có thể tiếp cận được và huy động nguồn lực các lực lượng của mình và lực lượng tình nguyện viên mang đến. Có một khó khăn hiện tại chúng ta vừa thực hiện giãn cách vừa nhanh nhất mang những gói hỗ trợ đến với người dân, do đó để tổ chức thực hiện, ở mỗi phường xã thị trấn phải tổ chức hết sức khoa học", bà Châu cho biết.
Không để người bệnh tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận
Phóng viên Kim Dung - Cơ quan thường trú VOV tại TP.HCM cho biết: Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản hỏa tốc gửi Trung tâm Cấp cứu 115; các bệnh viện trong và ngoài công lập; các bệnh viện điều trị Covid-19 và Trung tâm Y tế các quận, huyện về việc sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu, mục tiêu là không để người bệnh tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận.
Cụ thể, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các đơn vị luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7; khẩn trương đánh giá tình trạng người bệnh, sơ cấp cứu ban đầu. Các đơn vị đảm bảo trực 24/7, luôn mở cổng bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận khi người dân tự đến khám hoặc cấp cứu, đặc biệt vào ban đêm. Tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh. Tùy tình trạng người bệnh mà các đơn vị quyết định việc tiếp tục điều trị tại đơn vị hay cần chuyển tuyến điều trị.
Không được yêu cầu người bệnh phải có xét nghiệm test nhanh hoặc PCR âm tính với Covid-19 mới tiếp nhận. Ngoài ra, các đơn vị cần chủ động bố trí thêm giường, băng ca, bình oxy dự trữ tại khu vực tiếp nhận và cấp cứu; đảm bảo không để người bệnh diễn biến nặng hơn do phải chờ đợi lâu.
Sở Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị triển khai nội dung trên đến toàn thể nhân viên nhằm thực hiện hướng đến mục tiêu giảm thấp tỉ lệ tử vong; không để người bệnh tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.