Triển khai nhanh, dân nghèo được nhờ
Một số địa phương triển khai gói an sinh 26 nghìn tỷ đồng rất nhanh, với hàng nghìn người đã nhận được tiền hỗ trợ, như TP.HCM, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Cần Thơ... Ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang cho biết, khoảng 8.600 người bán vé số lẻ trên địa bàn tỉnh đang nhận hỗ trợ, tổng tiền 12,9 tỷ đồng, dự kiến ngày 25/7 chi xong. Các nhóm LĐ khác như tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc... cũng song song triển khai hỗ trợ. Riêng LĐ tự do (trừ người bán vé số), rà soát sơ bộ có trên 42.900 người, dự kiến hỗ trợ 73 tỷ đồng.
Tại Long An, bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, đã rà soát và chi hỗ trợ trực tiếp cho 20.486 LĐ tự do, tổng kinh phí đã chi trên 16,7 tỷ đồng (trong đó có 10.362 người bán vé số lẻ đã được nhận trên 7,7 tỷ đồng). Về hỗ trợ tiền ăn với người cách ly y tế (F0, F1), theo bà Mai, toàn tỉnh có trên 5.300 người, tổng tiền hỗ trợ hơn 8,9 tỷ đồng...
Còn theo Sở LĐ-TB&XH Bà Rịa - Vũng Tàu, tới nay đã chuyển 284 tỷ đồng cho cấp huyện để chi hỗ trợ NLĐ theo gói an sinh lần 2. Tới ngày 21/7, các địa phương ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập danh sách trên 30.200 người thuộc diện hỗ trợ. Ngoài ra, có trên 3.700 người bán vé số lẻ đã nhận hơn 2,8 tỷ đồng. Tương tự, tại Bến Tre, hơn 7.100 người bán vé số lẻ được hỗ trợ 3,5 tỷ đồng; Cần Thơ đã chi hỗ trợ hơn 5.600 người bán vé số lẻ với tổng tiền hơn 6,8 tỷ đồng...
Trái ngược với các tỉnh triển khai nhanh, còn không ít tỉnh, thành chậm trễ thực hiện. Ở Hà Nội là một ví dụ. Cụ thể, Hà Nội và Lai Châu ngày 22/7 mới ký thông qua kế hoạch triển khai; Hà Giang, Hưng Yên, Đắk Lắk ký ngày 21/7; Hòa Bình ký ngày 20/7... Dù mất tới 2 tuần lãnh đạo các tỉnh trên mới ký ban hành kế hoạch triển khai nhưng đa số các kế hoạch trên cơ bản cũng chỉ là những điều chỉ dẫn lại điều kiện, thủ tục, đầu mối xử lý, thời gian giải quyết... y nguyên Quyết định 23 của Thủ tướng. Thậm chí, một số tỉnh chỉ giao các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu.
Trước thực tế các chính sách chậm được triển khai đến 2 tuần, chúng tôi đã gặp một số lao động ở Hà Nội để biết rõ hơn suy nghĩ, tâm tư của họ về chính sách ý nghĩa này. Anh Phan Văn Huy thuê trọ trong phố Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, anh làm nghề cắt chìa khóa dạo, mỗi khi dịch COVID-19 bùng phát, hễ ra đầu chợ Ngã Tư Sở ngồi lập tức lực lượng chức năng phường tới yêu cầu về. Từ 3 tháng nay, công việc và thu nhập phập phù theo dịch bệnh. Biết có gói an sinh xã hội 26 nghìn tỷ đồng, ngày 21/7, anh Huy gọi điện hỏi cán bộ phường, nhưng được trả lời chưa có hướng dẫn của thành phố, cũng chưa biết có hỗ trợ LĐ tự do không, nên phải đợi.
Tương tự, chị Hoàng Thị Mơ, trọ trong phố Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị chuyên đẩy xe bán quần áo, giày dép, lần dịch này chị gần như không có thu nhập, vì bị hạn chế ra đường. Lúc rảnh rỗi chị lên mạng tìm hiểu các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mọi người trong xóm trọ cũng chia sẻ với nhau thông tin mà họ đang chờ đợi này. "Chúng tôi rất mong chính sách được triển khai sớm", chị Mơ nói.
Lao động tự do Hà Nội được hỗ trợ 1,5 triệu/người
Ngày 22/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký Quyết định số 3642 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Đây là quyết định cụ thể hóa Gói an sinh xã hội 26 nghìn tỷ đồng của Chính phủ. Theo nội dung quyết định, lao động tự do được hỗ trợ là người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Họ là những người bị mất việc làm do tác động của dịch COVID-19.
Nhóm lao động tự do khác được hỗ trợ là người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố; bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần. Phương thức chi trả theo hình thức trực tiếp cho người lao động trên cơ sở danh sách được phê duyệt. Đối với các trường hợp người lao động bị mất việc làm thuộc các ngành nghề bị tạm dừng hoạt động sau ngày Quyết định số 3642 có hiệu lực thi hành, các bên liên quan áp dụng theo văn bản chỉ đạo của UBND thành phố hoặc chính quyền địa phương theo từng thời điểm và diễn biến của dịch COVID-19.
Người sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội được tiếp cận với nhiều chính sách hỗ trợ khác, như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (thời gian áp dụng 12 tháng, từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022); tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất (thời gian từ ngày 7/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022). Cùng với đó, Hà Nội hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (thời gian nộp hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 30/6/2022). Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, người sử dụng lao động thực hiện việc chuyển kinh phí cho cơ sở thực hiện việc đào tạo theo phương án đã được phê duyệt...
Hà Nội cũng thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế theo quy định của trung ương, phù hợp với đặc thù của địa phương.
Với chính sách cho người sử dụng LĐ vay với lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ, qua rà soát của Ngân hàng Chính sách xã hội, toàn quốc có khoảng 39.800 đơn vị đang sử dụng 728.000 LĐ thuộc diện được vay. Tới nay, đã có 622 đơn vị gửi hồ sơ hoặc liên hệ với ngân hàng đề nghị vay vốn trả lương cho trên 59.500 LĐ, tổng số tiền đề nghị vay 445 tỷ đồng.
Hỏa tốc đề nghị triển khai nhanh
Trước thực tế giải ngân gói 26.000 tỷ đồng chưa nhanh như kỳ vọng, ngày 21/7, Bộ LĐ-TB&XH đã có công điện hỏa tốc để nghị các tỉnh, thành triển khai nhanh nhất chính sách của gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Việc đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ này sẽ giúp người dân, DN vượt qua khó khăn của dịch bệnh.