25 năm trước, một bộ phim đã ra mắt khán giả thế giới và tạo ra một cơn chấn động về cả nội dung lẫn phương thức thể hiện, mở ra một kỷ nguyên mới cho dòng phim hoạt hình - đó chính là Toy Story (Câu Chuyện Đồ Chơi). Sau bao tháng năm, Toy Story vẫn kiên trì giữ vững vị thế của mình trong danh sách các bộ phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại, đã được coi là kinh điển và bứt phá, trở thành tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ khán giả.
Thế giới hoạt hình vào năm 1995 rất khác bây giờ. Disney khi ấy vẫn còn đang sướng rơn với Vua Sư Tử hốt bạc mạnh mẽ, và phong trào hoạt hình 2D vẽ tay vẫn còn đang được yêu thích. Chính vì vậy Toy Story - một hoạt hình dựng bằng máy tính - dường như là “kẻ ngoài lề” đối với Nhà Chuột lúc bấy giờ. Phim không được dựa trên một câu chuyện cổ tích lâu đời, cũng không có ca hát nhảy múa, và đặc biệt nhất là không sử dụng đến vẽ tay. Thay vào đó, Toy Story chính là tác phẩm lớn đầu tiên được dựng hoàn toàn bởi máy tính. Chuyện gì đã tạo điều kiện cho bước ngoặt mang tính đổi đời của Pixar này?
Ý định ban đầu của John Lasseter - một trong những “trụ cột” đời đầu của Pixar, chính là sản xuất Toy Story dưới dạng phim dài nửa tiếng chiếu trên TV. Thế nhưng, Disney khi ấy lại mong muốn “chơi lớn” hơn. Chàng cao bồi Woody vốn sẽ là kẻ xấu bắt nạt các đồ chơi khác cũng bị thay đổi với định hướng biến Toy Story thành bộ phim hài hước, có cặp “chiến hữu” cùng nhau đấu tranh chống lại cái ác. Những tên tuổi đầu ngành của Disney lúc bấy giờ cùng với cả đạo diễn Joss Whedon cũng được mời vào để sản xuất nội dung cho Toy Story.
Bản thử nghiệm đời đầu của Toy Story
Thế nhưng quá trình chốt hạ được nội dung cuối của Toy Story cũng không hề yên ả. Một số lãnh đạo của Disney lại sở hữu tầm nhìn khác, với mong muốn khiến bộ phim “góc cạnh hơn” để hấp dẫn cả người lớn lẫn trẻ nhỏ - thế nhưng đội ngũ sản xuất phim lại một mực giữ vững lập trường của mình. Buổi chiếu thử của phim cho lãnh đạo đã khiến Nhà Chuột sôi máu đến mức yêu cầu hủy luôn dự án này.
Đạo diễn John Lasseter sau đó đã phải tốn 2 tuần để viết lại kịch bản, trong khi đó chủ của Pixar là Steve Jobs - vốn đã đầu tư quá nhiều tiền vào Toy Story - tiếp tục rót tiền để sản xuất bộ phim cho đến khi Disney lại nhập cuộc.
Steve Jobs chính là trụ cột lớn nhất để hỗ trợ Toy Story thành hiện thực
Sau quá trình cải tổ lại toàn bộ nội dung, mọi thứ diễn ra yên ổn hơn với Toy Story. Steve Jobs cũng rất khắt khe trong việc muốn bộ phim được sản xuất với kinh phí gọn nhẹ cùng nhân sự bằng 1/8 đội ngũ làm Vua Sư Tử. Lý do cho điều này là vì chính ông cũng không tự tin vào sản phẩm, và đang có ý định bán công ty đi. Thế nhưng khi nhìn vào sự tiến triển của Toy Story trong quá trình sản xuất, Steve Jobs dường như có thêm niềm tin.
Khi Toy Story đã được hoàn thành và sẵn sàng xuất xưởng, Disney đã tin tưởng vào tác phẩm đến mức biến bộ phim thành “trụ cột” của mùa lễ hội năm 1995. Vấn đề duy nhất khi ấy là liệu khán giả đã sẵn sàng cho một câu chuyện quá khác biệt như vậy hay chưa.
Và thật đáng ngạc nhiên: thiên hạ đã mê mệt với Toy Story. Phản hồi của giới chuyên môn khi ấy về bộ phim đã vượt xa mọi kỳ vọng của nhà sản xuất, bế về hơn 350 triệu đô ở phòng vé - nhiều hơn tất cả tính toán của Steve Jobs. Ông lớn của Apple lúc ấy cũng nhanh chóng sử dụng thắng lợi của Toy Story để đưa Pixar lên sàn chứng khoán. IPO (Việc chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng) của xưởng phim cũng là phi vụ lớn nhất năm ấy, giá cổ phiếu nhảy vọt từ 22 đô đến 45 đô trong nửa tiếng đầu tiên. Và rồi tất cả trở thành lịch sử.
Disney dần nhận ra một sự thật đắng lòng với chính họ: Pixar thực ra có tầm quan trọng hơn họ nghĩ rất nhiều. Những bộ phim hoạt hình 2D sau đó như Hoàng Đế Lạc Đà (The Emperor’s New Groove) hay Atlantis: Đế Chế Thất Lạc (Atlantis: The Lost Empire) đều có sự thể hiện kém. Cùng lúc ấy, các tác phẩm mà Pixar sản xuất ra là Công Ty Quái Vật (Monsters, Inc.) và Ratatouille lại thành công rực rỡ.
Những thành công tiếp theo của Pixar đã khẳng định tầm quan trọng của phim hoạt hình dựng bằng máy tính
Những điều này dần khiến ngành công nghiệp hoạt hình chuyển hướng. Hãng DreamWorks là cái tên tiếp theo nhập cuộc sau Toy Story với bộ phim Antz năm 1998. Đến 2003, Disney chính thức cơ cấu lại định hướng của mình và biến phim hoạt hình máy tính trở thành mục tiêu duy nhất của họ.
Vào năm 2006, giá trị của Pixar khiến Disney không thể an lòng. Gã khổng lồ này quyết định mua đứt lại phần cổ phiếu của ông chủ Steve Jobs với giá 7,4 tỉ đô, trở thành ông chủ của xưởng phim hoạt hình lớn nhất thế giới.
Ít ai biết, đạo diễn John Lasseter đã bị sa thải khỏi Disney chỉ vì một mực đòi theo đuổi hoạt hình máy tính. Ông gia nhập Pixar và khiến đế chế Disney phải nể phục với sự thành công của Toy Story, từ đó mở ra ngã rẽ mới đầy huy hoàng cho ngành công nghiệp hoạt hình. Những bộ phim tiếp theo đó của Pixar liên tiếp phá vỡ các kỷ lục mới, với Toy Story 3 là phim hoạt hình đầu tiên chạm mức doanh thu hơn 1 tỉ đô. Tất cả bắt đầu nhờ một chàng cao bồi, một chàng cảnh sát vũ trụ và hàng loạt những món đồ chơi đáng yêu, ngọt ngào trong chuyến hành trình huy hoàng của tình bạn 25 năm trước.
Đạo diễn John Lasseter chụp ảnh cùng 2 nhân vật được yêu thích của Toy Story năm 1996
Nguồn ảnh: Disney