Năm 2020 sẽ đi vào lịch sử với tư cách là một năm đã mang đến sự khốn khổ cho nhân loại. Đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành không chỉ tàn phá cuộc sống con người mà còn phá hủy nghiêm trọng các doanh nghiệp toàn cầu, trong đó thế giới bóng đá cũng không ngoại lệ.
Các đội bóng nhỏ đang vật lộn để tồn tại, nhiều câu lạc bộ lớn như Barcelona yêu cầu các cầu thủ cắt giảm lương và hầu hết đội bóng đều chi tiêu rất dè xẻn trong kỳ chuyển nhượng này (ngoại trừ Chelsea), vậy nên, đây là thời điểm thích hợp để xem xét khía cạnh kinh doanh trong bóng đá, mà cụ thể là các khoản nợ.
Thông thường, các đội bóng hàng đầu, sở hữu những kế hoạch kinh doanh dài hạn đều phải gánh những khoản nợ khổng lồ dù doanh thu của họ cũng khấm khá. Trong hầu hết trường hợp, họ xoay sở để bù đắp khoản lỗ của mình. Nhưng đôi khi, mọi thứ trở nên tồi tệ. Trong lịch sử, nhiều đội bóng đã phải tuyên bố phá sản, chịu sự quản lý của Nhà nước và phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc như đánh tụt hạng hoặc trừ điểm.
5. Juventus (372 triệu euro)
Ronaldo mang theo ước mơ giải lời nguyền Champions League của Juventus
Juventus là câu lạc bộ bóng đá hàng đầu ở Ý trong nhiều năm qua và họ đã giành chức vô địch Serie A tám lần liên tiếp. Thống trị đấu trường quốc nội, Juventus quyết đầu tư mạnh tay để giải lời nguyền Champions League, điều đã thúc đẩy họ mua siêu sao Ronaldo với giá hơn 100 triệu euro từ Real Madrid.
Trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, giống như nhiều đội bóng khác, Juventus đã yêu cầu các cầu thủ cắt giảm lương. Trong đội hình của họ có những cầu thủ như Ronaldo, Matthijs de Ligt và Paulo Dybala, vốn đang nhận mức lương rất cao.
Mặc dù đạt lợi nhuận 39,8 triệu euro vào năm ngoái nhưng phí chuyển nhượng, tiền lương và công việc phát triển sân Allianz Arena của Juventus đã dẫn đến khoản nợ 372 triệu euro - một tình huống mà gã khổng lồ bóng đá Ý hy vọng sẽ xoay chuyển sớm nhất có thể.
4. Atletico Madrid (384 triệu euro)
Sân Wanda Metropolitano của Atletico
Atletico Madrid cũng đi theo con đường của Juventus vào mùa hè năm ngoái. Họ đã tiêu một khoản tiền lớn trong kỳ chuyển nhượng trước khi đại dịch tàn phá. Atletico mua Joao Felix với giá 126 triệu euro và bổ sung thêm những cầu thủ như Marcos Llorente hay Kieran Trippier.
Đội bóng này được cho là đang thanh lý tài sản để trả nợ nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh thành công trên sân cỏ thì bán đứt các cầu thủ lớn và giảm quỹ lương là những ưu tiên hàng đầu của Atletico mùa này.
Giống như các đội bóng khác trong danh sách, Atletico đã giảm được đáng kể khoản nợ. Tuy nhiên, họ vẫn đang phải trả nợ xây sân Wanda Metropolitano và họ đang có huấn luyện viên được trả lương cao nhất trong bóng đá thế giới - Diego Simeone - người đã mang đến kỷ nguyên tốt nhất lịch sử Atletico nhưng cũng được trả 40 triệu euro mùa trước, cao hơn gần 10 triệu euro so với người tiếp theo trong danh sách - HLV Antonio Conte (Inter Milan).
3. Inter Milan (461 triệu euro)
Inter Milan thất bại tại chung kết Europa League 2020
Inter, hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn Suning, người đã bơm rất nhiều tiền, về nhì sau Juventus ở Serie A và thua Sevilla trong trận chung kết Europa League. Bóng đá Ý có khoản nợ tổng hợp là 4 tỷ euro, trong đó phần của Inter là 461 triệu euro. Á quân Serie A mùa trước vẫn đang trả các khoản vay trong quá khứ.
Inter, vốn được Forbes xếp hạng 15 trong top những đội bóng giá trị nhất thế giới, đang bàn bạc với AC Milan về việc xây dựng lại sân San Siro/Giuseppe Meazza. Được chơi ở Champions League mùa sau sẽ giúp đỡ họ rất nhiều về mặt tài chính, nhưng Inter vẫn còn nhiều việc phải làm.
2. Tottenham (483 triệu euro)
Tottenham Stadium - một trong những sân vận động hiện đại nhất châu Âu
Thêm một đội bóng khác mới xây sân cũng đang nợ khoản tiền khổng lồ. Sân vận động Tottenham Hotspur là một trong những sân vận động hiện đại nhất nước Anh, nếu không muốn nói là tốt nhất, nhưng nó cũng đang khiến lãnh đạo Tottenham đau đầu.
Được biết, câu lạc bộ đã vay 637 triệu bảng từ Bank of America, Goldman Sachs, HSBC và tiếp tục quay cuồng với khoản nợ đó. Tottenham vẫn chưa tìm được nhà tài trợ để bán tên sân vận động và kế hoạch tạo doanh thu dài hạn từ nó sẽ mất một thời gian để đạt được kết quả.
Mùa giải trước, "Gà trống" đã mua Tanguy Ndombele với mức phí khủng (60 triệu euro). Năm nay, họ lấy về Giovanni Lo Celso giá 32 triệu euro (mùa trước mất 16 triệu euro phí mượn), trong khi họ để Kyle Walker-Peters tới Southampton và Jan Vertongen đến Benfica miễn phí.
1. Manchester United (568 triệu euro)
Fan MU giương cao biểu ngữ: "Đoàn kết chống lại nhà Glazer"
Nằm trong top 3 đội bóng có doanh thu lớn nhất thế giới nhưng MU cũng nợ nần cực nhiều. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó là sự thật của giới kinh doanh bóng đá hiện nay.
Manchester United, mặc dù đã chi hàng trăm triệu euro trên thị trường chuyển nhượng để mua về hàng loạt ngôi sao trong giai đoạn sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, đã liên tục mắc nợ kể từ khi gia đình Glazer tiếp quản câu lạc bộ vào năm 2005.
Nhà Glazer đưa các khoản vay của chính họ vào quỹ tài chính của câu lạc bộ dưới dạng một khoản được gọi là mua lại có đòn bẩy. Quỷ đỏ từng không nợ một đồng nào trước khi nhà Glazer tiếp quản. Giới chủ người Mỹ đã có nhiều biện pháp để làm giảm tổng số nợ, nhưng nó vẫn tồn tại như một thứ ung nhọt nhức nhối, châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình của người hâm mộ MU.
Ảnh: Getty