Năm 2023 có thể gọi là năm “bù lỗ". Trong tình hình suy thoái kinh tế chung, kinh doanh ế ẩm, lương thưởng có nơi giảm có nơi cắt, chưa kể sa thải nhân sự thì không ít dân văn phòng đã phải mở thêm thẻ tín dụng, vay mượn bạn bè hay xin bố mẹ cứu trợ. Ngược lại, đối với một số dân văn phòng khác, họ vẫn đối phó được biến chuyển trong việc làm, không chới với nợ nần hay bù lỗ vì nhu cầu sinh hoạt.
Vậy trong một năm thu nhập ảm đạm vừa qua, không biết nhóm dân văn phòng này có bí quyết gì để có thể “sống tốt”?
Thuỳ Trâm (25 tuổi, nhân viên nội dung tại công ty dược phẩm ở TP.HCM) chia sẻ, mặc dù là một người nghiện mua sắm, thậm chí “xuống tiền” rất thẳng tay từ khi có các sàn thương mại điện tử và được tích hợp thẻ thanh toán. Tuy nhiên trong năm 2023, Thuỳ Trâm đã cắt giảm được phân nửa số tiền mà cô nàng đổ vào sở thích này.
“Mình vẫn lướt các sàn thương mại điện tử và lựa quần áo, phụ kiện hay thiết bị nhà cửa linh tinh mỗi khi thấy xinh. Tuy nhiên, mặc dù đắn đo so sánh lựa hàng giờ liền nhưng mình sẽ không nhấn thanh toán ngay. Món đồ nào quyết định mua hay muốn mua, cứ thêm vào giỏ hàng và… để đó. Ngày mai khi lo làm việc khác, mình sẽ quên ngay. Nếu một tuần sau mình vẫn nghĩ về nó và nó thực sự cần thiết thì mình mới ấn đặt hàng.
Cô bạn Thuỳ Trâm chia sẻ kinh nghiệm tiết chế mua sắm online của mình.
Ngày trước nổi hứng là chọn và đặt hàng liền, mình dư ra hàng tá món đồ “không có cũng không sao”. Bây giờ có thói quen này, mình mua sắm thông minh hơn nên không bao giờ cạn ví.” - Thuỳ Trâm tiết lộ.
Khá nhiều trường hợp tiêu xài phung phí vì lỡ tay mua online lại không thể bom hàng. Mặc dù các đơn đặt mua chỉ khoảng 100.000đ, 200.000đ, 300.000đ… bạn cảm thấy tiêu cũng không quá nhiều nhưng gộp lại một tháng phải 3 triệu có khi hơn. Nếu tỉnh táo trong việc phân biệt món đồ mình cần và mình muốn, một tháng tiết kiệm được 3 triệu có thể đủ ăn trưa và ăn tối suốt 30 ngày.
Bạn Anh Trường (26 tuổi, đang là nhân viên kế hoạch của một công ty xuất nhập khẩu) bật mí bản thân tiết kiệm được tiền là nhờ tập tành nấu ăn. “Tháng 3 vừa rồi, công ty mình sa thải khoảng hơn 1000 lao động, các khoản thưởng cũng không có nữa, mình thật sự lo sợ và chấn chỉnh ngay thói quen chi tiêu của bản thân.
Vì là con trai, từ thời sinh viên đến khi đi làm mình toàn ăn ngoài cho gọn. Sáng có khi ghé trên đường mua đại món gì đó ăn sáng, trưa và tối đều order là chính. Một đơn order rẻ thì 50.000đ, bình thường khoảng 60.000đ - 70.000đ tính cả ship. Nếu hôm nào uống cà phê thì một ngày ăn uống thôi cũng hết 200.000đ.
Năm nay việc đầu tư cá nhân của mình không tốt, thu nhập chính lại giảm, do vậy mình quyết định tập nấu ăn ở nhà để tiết kiệm tiền. Một lần đi chợ khoảng 500.000đ mình nấu đủ cho 1 tuần. Tiết kiệm được mỗi tháng cỡ 3-4 triệu đồng, bù vào việc đầu tư để không phải vay mượn.”
Anh Trường giờ đây vừa biết nấu ăn vừa có thêm khoản tiết kiệm hợp lý.
Chị Tường Vy (25 tuổi, nhân viên truyền thông tại TP.HCM) cũng cho biết năm nay không túng thiếu dù bị giảm 20% lương nhờ nấu cơm nhà mang theo đi làm. Theo cô bạn, tình hình tuyển dụng đang rất ảm đạm, nếu công ty giảm lương mà nhảy việc thì có thể sẽ gặp khó khăn hơn. Thế nên Vy đã nghĩ cách cắt giảm chi tiêu để đồng hành cùng công ty giai đoạn này.
“Nếu chịu khó một chút, nấu ăn ở nhà vừa tiết kiệm vừa vệ sinh, đảm bảo sức khoẻ. Mình nghĩ ăn ngoài chỉ tiện thôi chứ độ ngon thì chưa chắc bằng cơm nhà.” - Tường Vy bày tỏ.
Ngoài ra, đa phần các dân văn phòng cảm thấy vẫn ổn dù tình hình chung ai nấy đều than thở là vì họ từ chối các buổi vui chơi.
“Mình thấy không phải cứ cuối tuần ra ngoài chơi mới là được thư giãn. Mỗi lần ra ngoài là mỗi lần tiêu tiền, đi ăn xong lại đi uống để tìm chỗ ngồi trò chuyện. Thay vì vậy, mình cứ rủ bạn bè, đồng nghiệp thân thiết của mình về phòng chơi vào cuối tuần hay kể cả trong tuần. Ở nhà gọi 1 nồi lẩu về ăn, hoặc cùng nhau nấu nướng cũng vui. Ăn xong có thể ngồi trò chuyện, chơi game, mở laptop xem phim… thậm chí cứ nghịch điện thoại. Ở nhà thoải mái lại không tốn tiền.” - Thuỳ Trâm nói.
Đồng quan điểm, Trọng Huy (25 tuổi, nhân viên hành chính nhân sự tại TP.HCM) chia sẻ năm nay cậu và bạn bè cũng đã thay đổi chỗ tụ họp của nhóm. Nếu như thời điểm trước mọi người thường ngồi ở các quán cà phê “sang chảnh" thì bây giờ Minh Hiền thấy ngồi uống trà dâu ở Nhà Hát, uống sinh tố ở vỉa hè lại rôm rả hơn.
Trọng Huy nói rằng thay đổi thói quen lựa chọn hàng quán cũng giúp ít khá nhiều trong việc tiết kiệm.
Một mẹo khá hữu ích là Trọng Huy đang dùng ứng dụng quản lý thu chi trên điện thoại di động. “Mình bắt bản thân mỗi ngày chỉ được xài một khoản theo quy định, vậy nên thu gì chi gì đều nhập vào ứng dụng. Cuối ngày nếu nhận thấy khoản tiền đã xài vượt mức thì mình sẽ cắt lại “lương" ngày hôm sau. Ngay cả khoản chi phí giao lưu như đi đám cưới, đi sinh nhật, farewell… mình cũng quy định. Tháng này sẽ bù trừ cho tháng sau, nếu lố thì mình sẽ hạn chế tham dự nhất có thể.”
Cùng cách kiểm soát chi tiêu như trên, Tường Vy cho biết cô nàng nhập tất cả vào… Excel. “Mình có sheet những vật dụng sinh hoạt phát sinh cần mua của mỗi tháng, có sheet đi chợ, có sheet mỹ phẩm/quần áo… Mình liệt kê giá, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cần mua để xem tổng thể rằng khoản chi nào có thể cắt bỏ được. Vì mình cũng quy định bản thân chỉ được tiêu cho mỗi mục bao nhiêu tiền một tháng.”
Rất nhiều dân văn phòng đã tính toán rất kĩ đề phòng trường hợp đột ngột thất nghiệp. Vì chưa biết tình hình trong năm tới có khả quan hay không, tiết kiệm vẫn luôn là bí quyết ưu việt nhất dù trong tình huống nào.