Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, trong đó có giáo dục. Đối với sinh viên thời đại số, việc ứng dụng AI trong học tập không chỉ giúp cải thiện hiệu quả học tập mà còn mang đến nhiều phương pháp học mới mẻ, linh hoạt.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận, việc lạm dụng AI trong học tập đang dần trở thành vấn đề đáng quan ngại, khi một số học sinh, sinh viên dựa quá nhiều vào công nghệ này. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình học tập mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác trong tương lai.
Vậy thì việc tận dụng AI vào trong việc dạy và học là nên hay không? Chúng ta nên chấp nhận việc sử dụng AI vào trong học tập ở cấp độ nào? Về vấn đề này, TS. Bùi Hải Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI, thuộc tập đoàn VinGroup, Việt Nam, đã có những chia sẻ đầy thiết thực trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 mới đây.
Đầu tiên, TS. Bùi Hải Hưng khẳng định với hệ thống AI phát triển như hiện nay, trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp học sinh giải các bài toán thông thường ở mức độ cấp 3 hoặc là năm nhất đại học, mà thậm chí còn có thể giải thích cho các bạn vì sao lại có cách giải này, tức là hệ thống AI bây giờ hoàn toàn có thể trở thành một gia sư cho các bạn trẻ.
Vậy nên, TS. Bùi Hải Hưng cho rằng chúng ta không nên cấm bởi nó giúp ích rất nhiều cho học sinh sinh viên trong quá trình học tập nếu sử dụng đúng cách.
“Các bạn có thể sử dụng những hệ thống như ChatGPT để tự học toán cấp 3, toán năm nhất đại học, một cách dễ dàng và đầy đủ. Việc này có cái lợi đặc biệt là ở những nơi vùng sâu vùng xa, nếu bạn có cơ hội sử dụng những hệ thống như AI, bạn có thể tự học mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên nữa.
Tuy nhiên để việc học này có hiệu quả cần có sự quản lý và tổ chức. Nhờ công nghệ AI thì hầu như tất cả các bạn học sinh và sinh viên hoàn toàn có thể có gia sư riêng cho riêng mình" , TS. Bùi Hải Hưng chia sẻ.
Đó là ở khía cạnh học sinh sinh viên, còn về phía người giảng dạy, khi người học nào cũng có thể sở hữu một "tutor" cho riêng mình, giáo viên cũng cần thay đổi theo. Họ phải trở thành người hướng dẫn, truyền cảm hứng cho người học. Ngoài ra, giáo viên cũng cần sắp xếp các bài giảng một cách có logic, khai thác khả năng tự học của sinh viên.
Ở một diễn biến khác, TS. Bùi Hải Hưng chia sẻ những bạn học sinh trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường, nếu có hứng thú với các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, thì cơ hội việc làm trong tương lai rất rộng mở.
"Lợi thế của chúng ta chính là con người. Chúng ta có dân số trẻ và các bạn trẻ thì thường được đào tạo chú trọng về toán cũng như lập trình. Kể cả gia đình các bạn cũng rất muốn các bạn phát triển theo định hướng công việc liên quan đến 2 lĩnh vực này.
Đây là một lợi thế của chúng ta mà không dễ gì các nước khác có được. Quan điểm của tôi là chúng ta nên tận dụng lợi thế của mình một cách tốt nhất. Và để tận dụng nó chúng ta phải quay lại vấn đề đào tạo, đặc biệt ở bậc đại học. Nếu chúng ta làm được điều này, tôi tin chắc tương lai phát triển trí tuệ nhân tạo Việt Nam rất tươi sáng" , TS. Bùi Hải Hưng nói.
Theo "Báo cáo Thị trường IT Việt Nam 2024 - 2025", thị trường việc làm công nghệ thông tin tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ chưa từng có, nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây và an ninh mạng.
Còn theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam cần bổ sung ít nhất 500.000 lao động công nghệ từ nay đến năm 2025. Điều này buộc các doanh nghiệp phải đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình đào tạo nâng cao (upskilling) và tái đào tạo (reskilling) cho nhân viên.
Dù phát triển là vậy, nhưng các doanh nghiệp phải trải qua tình trạng thiếu nhân sự có kỹ năng chuyên môn tốt. Để sinh viên ngành CNTT có thể phát triển tốt các kỹ năng trong quá trình học đại học, và từ đó đạt được mức lương cao trong tương lai, các bạn cần lưu ý một số điều sau:
1. Học tập chăm chỉ và nắm vững kiến thức cơ bản: Kiến thức cốt lõi về lập trình, cấu trúc dữ liệu, thuật toán, cơ sở dữ liệu và mạng máy tính là nền tảng quan trọng để xây dựng sự nghiệp trong ngành CNTT.
2. Theo đuổi một lĩnh vực chuyên sâu: Chọn một lĩnh vực như phát triển phần mềm, quản trị hệ thống, an ninh mạng, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, và học hỏi sâu vào lĩnh vực đó.
3. Thực hành và tham gia vào dự án thực tế: Tham gia vào các dự án thực tế, thực tập, hoặc làm việc tự do để áp dụng kiến thức vào thực tiễn, qua đó nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề.
4. Phát triển kỹ năng mềm: Kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, quản lý thời gian, và giải quyết vấn đề là rất quan trọng để thành công trong môi trường công việc.
5. Học hỏi không ngừng: Công nghệ thay đổi rất nhanh, việc cập nhật kiến thức mới và xu hướng công nghệ là không thể thiếu.
6. Xây dựng mạng lưới mối quan hệ: Mối quan hệ trong ngành giúp sinh viên tiếp cận với các cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp.
7. Thi các chứng chỉ chuyên nghiệp và kỹ năng: Nhận chứng chỉ chuyên nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn có thể tăng cơ hội việc làm và mức lương.
8. Phát triển tư duy phản biện và sáng tạo: Sự sáng tạo và khả năng phản biện giúp tạo ra giải pháp đột phá và hiệu quả, là yếu tố quan trọng để tiến xa trong sự nghiệp.