"Tông cho phát bây giờ": Câu chuyện về thành phố "kém xanh" bậc nhất thế giới, nơi xe đạp bị kỳ thị gay gắt còn ô tô cũ nát ngập tràn

Vũ Huế, Theo Trí Thức Trẻ 00:10 19/02/2020

Nguyên nhân cũng bởi Botswana đánh thuế người điều khiển phương tiện cơ giới và định kiến, xe đạp là phương tiện của kẻ "khố rách áo ôm".

Gaborone: Thành phố ô nhiễm trầm trọng vì khói thải xe cộ giá rẻ, kém chất lượng

Gaborone là thủ đô kiêm thành phố lớn nhất của Botswana (châu Phi). Chỉ riêng nội thành Gaborone đã chiếm 10% dân số cả nước.

Trong thập kỷ vừa qua, lượng xe ô tô ở Botswana gia tăng gấp đôi, 2/3 trong số này dồn cả vào Gaborone. Đa phần chúng là ô tô đã qua sử dụng được nhập khẩu, nhiều chiếc thậm chí còn là "sản phẩm lỗi", không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ở nơi xuất xứ.

Tông cho phát bây giờ: Câu chuyện về thành phố kém xanh bậc nhất thế giới, nơi xe đạp bị kỳ thị gay gắt còn ô tô cũ nát ngập tràn - Ảnh 1.

Ô nhiễm không khí là hiện trạng đáng ngại của thành phố đang phát triển Gaborone

Theo nhà nghiên cứu Wiston Modise của ĐH Botswana, tình trạng ô nhiễm không khí ở Gaborone vô cùng nghiêm trọng. Vốn dĩ, đây là một thành phố đang phát triển. Số lượng cư dân trong thành thị tăng lên liên tục, gây sức ép lên hệ thống cơ sở hạ tầng.

Trong các nguồn ô nhiễm của Gaborone, ô nhiễm không khí do giao thông là trầm trọng nhất. Tắc nghẽn giao thông triền miên, trong khi các phương tiện di chuyển lại không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn môi trường. Những loại khí thải độc hại như carbon monoxide, nitơ oxit, chì, hydrocarbon… tràn ngập không khí. Hệ quả, hầu hết cư dân thành thị đều có khả năng bị các bệnh về đường hô hấp.

Xe ô tô thiếu an toàn khí thải là nguyên nhân chính

Kém xanh nhất hành tinh - Xe đạp bị kỳ thị

Ngoại trừ ô nhiễm giao thông, Gaborone còn nhức nhối vì ô nhiễm khói thải công nghiệp, nhiên liệu đốt. Nó bị liệt vào danh sách các thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất hành tinh.

Thường thì tại những nơi như thế này, người ta khuyến khích chuyển đổi sang các dạng phương tiện "xanh", ví dụ như xe đạp, xe điện. Song ở Gaborone, đem xe đạp ra đường chạy là chẳng khác nào thách thức sự "nóng máu" của các chủ phương tiện xe cơ giới.

Tông cho phát bây giờ: Câu chuyện về thành phố kém xanh bậc nhất thế giới, nơi xe đạp bị kỳ thị gay gắt còn ô tô cũ nát ngập tràn - Ảnh 3.

Gaborone định kiến, xe đạp là phương tiện của kẻ nghèo hèn

"Ông tông cho một phát bây giờ," - Mpaphi Ndubo, ông chủ của một cửa hàng xe đạp ở Gaborone thường xuyên phải nghe câu quát tháo vô lý này, nhiều đến nỗi phát quen. "Đừng có mang xe đạp ra mà chạy ở ngoài đường!"

Một phần nguyên nhân của sự ghét bỏ này cũng vì Botswana đánh thuế người điều khiển phương tiện xe cơ giới. Phải bỏ tiền ra khiến họ tự cho rằng, con đường chính là của mình, của xe ô tô.

Phần khác là do định kiến địa phương. Cư dân thủ đô Gaborone mặc định, chỉ có kẻ bần cùng mới phải đi xe đạp. Sự phân biệt giàu nghèo thúc đẩy thái độ kỳ thị. Cánh lái xe ô tô thản nhiên cho mình là "bề trên", được quyền xúc phạm người đi xe đạp với phận "kẻ dưới".

Tông cho phát bây giờ: Câu chuyện về thành phố kém xanh bậc nhất thế giới, nơi xe đạp bị kỳ thị gay gắt còn ô tô cũ nát ngập tràn - Ảnh 4.

Mpaphi Ndubo, người phải chịu đựng 22 năm bị kỳ thị vì yêu xe đạp

Vẫn có người bất chấp định kiến, nỗ lực mở ra con đường cho xe đạp đô thị

Dù bị xem nhẹ và xúc phạm, Ndubo vẫn kiên trì đạp xe đạp trên đường phố Gaborone suốt 22 năm. "Nói thật, chính những lái xe hung hăng ấy mới khiến đường phố nguy hiểm hơn cả một con sư tử," – ông nhận định.

Quê hương của Ndubo là Masukwane, ngôi làng nằm ở phía Bắc Botswana. Khi ông còn nhỏ, xe đạp vẫn là một phương tiện được coi trọng. "Tôi vẫn nhớ cha đã mua một chiếc xe đạp và mẹ thường chở anh em tôi đến phòng khám bằng nó," – Ndubo kể. "Bà địu đứa út trên lưng, còn tôi và anh trai thì chia nhau thằng ngồi phía sau, thằng ngất ngưởng trên đầu xe".

Mpaphi Ndubo, người phải chịu đựng 22 năm bị kỳ thị vì yêu xe đạp

Trưởng thành, Ndubo mới chuyển tới thủ đô sinh sống và làm việc. Trước thực trạng ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng vì giao thông, ông quyết định mở một cửa hàng bán xe đạp. Song khác với sự nhiệt huyết và tính toán của Ndubo, chuyện buôn bán gặp khó khăn ngay từ những ngày đầu.

Thay đổi định kiến ăn sâu trong tâm thức cộng đồng là một điều cực kỳ khó khăn và mất thời gian. Dù vậy, Ndubo không nản lòng. Ông thành lập tổ chức phi chính phủ Đại sứ Xe đạp Botswana (Cycling Embassy Botswana), từng bước phân tích cặn kẽ cho cư dân thành phố hiểu về lợi ích sức khỏe và môi trường của việc sử dụng xe đạp. Ngoài ra, ông còn mở các buổi tập lái xe đạp miễn phí.

Sau nhiều năm kiên trì, Ndubo cuối cùng trở thành "thị trưởng xe đạp" của Gaborone. Ông được BYCS, tổ chức xã hội khuyến khích xe đạp đô thị ở Amsterdam, Hà Lan hết lời khen ngợi và hỗ trợ.

Và những cư dân thay đổi suy nghĩ, chuyển sang yêu xe đạp vì tương lai xanh

Sau Ndubo, tại Gaborone còn xuất hiện một "đại sứ xe đạp" khác là Jan Sadek. Sadek là người Thụy Điển, làm việc cho EU. Ông từng sống và làm việc tại nhiều quốc gia như Nga, CH Czech, Sudan, Belarus... rồi mới tới Botswana vào năm 2018.

Tông cho phát bây giờ: Câu chuyện về thành phố kém xanh bậc nhất thế giới, nơi xe đạp bị kỳ thị gay gắt còn ô tô cũ nát ngập tràn - Ảnh 6.

Gaborone đang dần yêu xe đạp, nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp

Khi đến Botswana, Sadek mang theo chiếc xe đạp cũ đã chạy trên các đường phố ngoại quốc suốt những năm đi công tác. "Một số cư dân Gaborone đánh giá cao việc tôi đạp xe đạp đi làm, một số khác lại chỉ muốn tôi cùng chiếc xe đạp biến đi cho khuất mắt," – Sadek thành thật. "Họ cực kỳ khó chịu khi thấy một người, với vai trò là nhà lãnh đạo như tôi, mà lại đi xe đạp trên đường".

Song cũng giống như Ndubo, Sadek không để mình bị sự kỳ thị đánh gục. Nhờ những người kiên trì như họ, sự ghét bỏ với xe đạp ở Gaborone dần nhạt đi. Một số người bắt đầu tự giác học lái và chuyển sang đi xe đạp. Có điều, trong đô thị này lại nảy sinh một vấn đề khác. Đó là thiếu lối đi dành riêng cho phương tiện không khói thải này.

Tham khảo Bbc