Cho đến năm ngoái, bà Janet Albrecht vẫn đủ khả năng mua bánh mì thịt nướng hoặc salad cá ngừ cho bữa trưa. Tuy nhiên hiện tại, người phụ nữ 78 tuổi này chỉ có thể ăn mì ramen vì khoản trợ cấp An sinh xã hội không thể theo kịp đà tăng chi phí thực phẩm, nhà ở và chăm sóc sức khỏe.
Ước tính, bà Albrecht sẽ phải trả thêm 100 USD/tháng (gần 2,5 triệu đồng) cho hóa đơn siêu thị so với khoảng thời gian trước khi lạm phát bắt đầu tăng vọt vào năm 2021. Chủ nhà đã tăng tiền thuê hàng tháng tổng cộng 65 USD trong 2 năm qua và để tiết kiệm, bà chấp nhận không cắt tóc trong hơn 1 năm dù thích để tóc ngắn.
“Tôi phải ăn mì ramen vào bữa trưa, món mà tôi chưa từng ăn trong đời cho đến gần đây”, bà Albrecht, một cư dân Indiana, Pennsylvania, Mỹ sống chủ yếu dựa vào 1.163 USD tiền trợ cấp hàng tháng, cho biết. “Nếu không được giảm giá, tôi sẽ không ăn. Tôi đã không ăn thịt bò lâu rồi”.
Theo một phân tích gần đây của The Senior Citizens League, các phúc lợi An sinh xã hội cũng không theo kịp lạm phát. Những người nghỉ hưu trong năm đó sẽ cần tăng thêm 370 USD/tháng hoặc trung bình 4.440 USD/năm để bù đắp lại giá trị đã mất. Nói cách khác, cứ 100 USD một hộ gia đình chi tiêu vào năm 2010 nay chỉ còn 80 USD.
Vào mỗi tháng 1, những người đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ An sinh xã hội sẽ được điều chỉnh chi phí sinh hoạt hàng năm, được gọi là COLA, song mức tăng thường không theo kịp lạm phát thực tế. Tám trong số 15 lần điều chỉnh gần đây nhất đều thấp hơn lạm phát.
Được biết, phúc lợi An sinh xã hội đã tăng 58% từ năm 2010 đến năm 2024, trong khi chi phí hàng hóa và dịch vụ mà những người về hưu thông thường mua tăng 73%. Giá bánh mì và thịt bò xay đã tăng vọt lần lượt gần 147% và 73% trong cùng kỳ. Quả thực, số tiền này không đủ để trang trải chi phí thực tế của nhiều người cao tuổi, nhất là khi các khoản thâm hụt tích tụ lại.
“Chúng tôi nghe nói rằng chi phí hộ gia đình tăng nhanh hơn COLA vào năm ngoái, dẫn đầu là thực phẩm và nhà ở. Một số người cao tuổi đang buộc phải tiêu hết tiền tiết kiệm hưu trí và mắc nợ thẻ tín dụng”, một người cho biết.
“Giá thực phẩm vẫn đang tăng. Giá tiện ích cũng vậy”, bà Janet Albrecht nói. “Hãy nhìn nhận thực tế, giá cả mọi thứ đều tăng”.
Dẫu vậy, số liệu tuần trước cho thấy lạm phát ở Mỹ đã giảm xuống 2,9% trong tháng 7. Bà Mary Daly, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh San Francisco, nhận định sau quý đầu tiên của năm nay, lạm phát đang dần tiến về mục tiêu 2%. Bà cho rằng số liệu kinh tế gần đây giúp mình củng cố niềm tin rằng lạm phát đang được kiểm soát.
"Chỉ số CPI đã có xu hướng giảm trong vài tháng qua. Tôi nghĩ xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì và CPI tiếp tục hạ nhiệt. Đây sẽ là tin tốt cho nền kinh tế, đặc biệt là khi tính đến chính sách lãi suất", ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho biết.
Theo bà Daly, nước Mỹ không cần phản ứng mạnh mẽ trước các dấu hiệu suy yếu của thị trường lao động vì nền kinh tế chưa có dấu hiệu suy thoái sâu. Quan điểm này trái ngược với lo ngại của đa số các nhà kinh tế - những người cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng và FED cần giảm lãi suất nhanh chóng. Dự kiến, tốc độ giảm lãi suất của Mỹ sẽ là chủ đề chính tại cuộc họp các nhà hoạch định chính sách ở Jackson Hole, Wyoming vào cuối tuần này.
Hiện các nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng FED cắt giảm lãi suất. Thị trường dự đoán khoảng 70% khả năng Chủ tịch Jerome Powell giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, trong khi một số khác kỳ vọng mức giảm 0,5 điểm phần trăm.
Chuyên trang Barron's ví kết quả hội nghị quan trọng không kém cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Nếu FED không hạ lãi suất đủ nhanh, kinh tế Mỹ có thể lâm vào suy thoái, song nếu thực hiện quá nóng vội, lạm phát có thể quay trở lại.
Theo: CNN, CNBC