Gần đây, khi vàng có những đợt tăng giá liên tiếp và giảm không đáng kể, chúng ta mới bắt đầu nói nhiều tới chuyện mua vàng, cũng như việc coi loại tài sản này là "hầm trú ẩn" an toàn nhất trong thời kỳ lạm phát. Trước đó, mua vàng tích sản vẫn là thói quen của thế hệ ông bà, cha mẹ, chứ phần lớn thế hệ 8x-9x vẫn khá thờ ơ.
Là một người rất gần với thế hệ GenZ nhưng Thu Ngọc (sinh năm 1994) lại có thói quen mua vàng hàng tháng từ cách đây 10 năm, khi vẫn còn là sinh viên.
"Từ hồi năm 2 Đại học, khoảng năm 2013, khi mình kiếm được tiền từ công việc gia sư và chạy bàn, mình đã bắt đầu mua vàng đều đặn hàng tháng" - Thu Ngọc chia sẻ.
Ở thời điểm đó, nhờ gia sư 1-1 cho 4 bạn học sinh, Thu Ngọc kiếm được khoảng 3,8-4 triệu hàng tháng. Vì ở nhà người thân nên Thu Ngọc không mất tiền thuê trọ, tiền ăn uống và điện nước đã có mẹ lo. Chính bởi lẽ đó, Thu Ngọc mới có thể dùng số tiền kiếm được từ việc đi dạy gia sư để mua vàng.
Thu Ngọc và bà ngoại cách đây hơn 12 năm (Ảnh: NVCC)
"Thời đó thì hàng tháng mình đều mua 5 phân vàng (nửa chỉ vàng). Giá vàng lúc đó không cao như bây giờ, 5 phân còn chưa tới 3 triệu nên mình vẫn còn chút tiền để trang trải nhu cầu cá nhân như thi thoảng mua sách, đi ăn vỉa hè cùng bạn bè.
Tháng nào giá vàng tăng cao lắm, khoảng 3,5 triệu 5 phân vàng, thì đúng là mình gần như không dám chi tiêu gì khác, mua vàng xong là chỉ còn dư khoảng 600-700k thôi ấy".
Là sinh viên, kiếm được chút tiền, nếu có chí, họ sẽ dùng tiền đó để đóng học phí hoặc đi học thêm ngoại ngữ; nếu là người ham chơi, hẳn sẽ "đốt" tiền vào phấn son, váy vóc, hiếm có ai lại nghĩ tới việc mua vàng như Thu Ngọc.
Khi được hỏi về lý do sớm hình thành thói quen mua vàng, Thu Ngọc nhắc tới bà ngoại.
"Mình ở với bà từ hồi lớp 1 đến tận lớp 12. Suốt những năm tháng ấy, mình không nhớ nổi số lần bà ngồi đếm từng chiếc nhẫn vàng. Mình chỉ nhớ có lần bà đếm được 12 chiếc nhẫn, rồi vài tháng sau, bà lại ngồi đếm tiếp thì con số đã lên tới 14 chiếc rồi.
Lúc đó mình chẳng biết 5 phân, 1 chỉ hay 1 cây vàng khác nhau như thế nào, nhưng nhìn bà đếm vàng thấy ham lắm. Có lẽ vì thế nên ngay khi kiếm được tiền là mình muốn đi mua vàng, chứ cũng không nghĩ tới chuyện ăn chơi. Còn tiền học phí thì bố mẹ vẫn lo cho mình, miễn sao mình học tốt, không phải học lại là được" - Thu Ngọc bộc bạch.
Sau khi tốt nghiệp Đại học và đi làm, Thu Ngọc vẫn giữ thói quen mua ít nhất 5 phân vàng mỗi tháng.
"Mình còn nhớ tháng lương đầu tiên của mình là 6450k. Sau khi mua 5 phân vàng và biếu bà ngoại một ít tiền tiêu vặt, mình chỉ còn khoảng 900k trong người. Lúc đó thú thật là mình cũng nghĩ đến việc thôi, không mua vàng nữa để có tiền mua giày dép, quần áo mặc đi làm. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại mãi, đến tháng sau nhận lương, vẫn chừng đó tiền, và mình vẫn mua vàng. Chắc mình nghiện mua vàng thật" - Thu Ngọc vừa cười vừa kể.
Đi làm mãi cũng đến ngày được tăng lương và có thể mua 1 chỉ vàng mỗi tháng, Thu Ngọc rất mừng. Có tháng, cô còn mua 1,5 chỉ vàng. Cứ đều đặn như thế suốt 10 năm, đến tháng 12/2023, Thu Ngọc quyết định bán hết số vàng đã tích lũy trong 1 thập kỷ để lấy tiền chuẩn bị làm đám cưới và mua nhà.
Thu Ngọc sẽ tổ chức đám cưới trong tháng 3 năm nay (Ảnh: NVCC)
"Mình vẫn nhớ ngày mình mang vàng đi bán là đúng Noel, 25/12/2023. Hôm đó, giá vàng bán ra ở mức hơn 77 triệu đồng/lượng. Cảm giác khó tả lắm, không thể tin được mình có chừng đó tiền luôn ấy" - Thu Ngọc kể.
Dù không tiết lộ tổng số tiền kiếm được từ việc bán vàng, nhưng Thu Ngọc cho biết số vàng tích lũy suốt 10 năm ấy đủ để cô phụ giúp bố mẹ một phần chi phí làm đám cưới cho bản thân và cùng chồng mua được nhà mà không phải vay ngân hàng.
"Chồng mình hơn mình 5 tuổi, cũng đi làm và có một ít tiền tiết kiệm. Hai đứa dồn tiền lại, cộng thêm hai bên gia đình hỗ trợ một ít là vừa đủ tiền mua chung cư mà không phải đi vay bạn bè hay vay ngân hàng. Chúng mình quen nhau từ thời sinh viên, cùng nhau đi làm và tiết kiệm, không dám ăn chơi hẹn hò sang chảnh như nhiều bạn bè cùng tuổi.
Đôi khi nghĩ cũng hơi chạnh lòng nhưng rồi lại động viên nhau cố lên. Đến giờ này, khi đã mua được nhà và sắp làm đám cưới, mình mới dám thở phào và tự tin khẳng định việc nhịn ăn chơi để dành tiền mua vàng là một trong những quyết định đúng đắn nhất cuộc đời" - Thu Ngọc chia sẻ.
Cuối cùng, cô còn cho biết thêm bản thân luôn chỉ mua vàng nhẫn và nói không với vàng trang sức đã qua chế tác.
"Mình mua vàng không phải để đeo, cũng không phải để đầu tư mà là để tiết kiệm cho những việc lớn trong đời. Thế nên mình nghĩ đơn giản là cứ loại vàng nào ít bị mất giá nhất thì mình mua thôi. Bà ngoại mình cũng toàn mua vàng nhẫn, rồi đến khi đủ thì bà đem đổi sang vàng miếng/vàng thỏi và mình cũng áp dụng cách này. Khi đổi thì mình cũng phải trả thêm một khoản tiền, nhưng cũng không đáng kể".