Khi một người được nhắc đến với khả năng "tiết kiệm đỉnh của chóp", đâu là hình ảnh đầu tiên sẽ bật ra trong tâm trí bạn về họ? Phải chăng đó sẽ là một người luôn mua hàng giảm giá, hoặc hàng mua 1 tặng 1; hay sẽ là người quanh năm chỉ có 4 bộ quần áo, cứ mặc đi mặc lại và dùng chiếc điện thoại "nồi đồng cối đá", nói không với việc update đồ công nghệ điện tử?
Chỉ cần nghe tới 2 từ "tiết kiệm", có lẽ phần lớn mọi người đều sẽ đánh đồng động từ này với tính từ "khổ sở", vì chúng ta có xu hướng nghĩ tiết kiệm là phải thắt chặt chi tiêu ở mức tối đa.
Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn mới, đúng đắn và chính xác hơn về lối sống tiết kiệm: Tiết kiệm không phải là nhịn ăn, nhịn mặc, mà chính là hành vi đầu tư cho bản thân theo cách "đáng tiền" nhất!
Ảnh minh họa
Câu hỏi cần đặt ra là: Làm sao để biết đâu là hành vi mua sắm hợp lý chứ không phải một phút "nhắm mắt xuống tiền"? Câu trả lời rất đơn giản: Hãy nghĩ xem món đồ bạn chuẩn bị mua có khả năng giúp ích cho bạn về lâu về dài, hoặc giúp bạn cải thiện chất lượng sống/chất lượng công việc hay không?
Nếu câu trả lời là có, đó hoàn toàn là hành vi tiêu dùng hợp lý. Nếu câu trả lời là không, bạn biết đấy, đó chính là hành vi tiêu dùng lãng phí - thái cực đối nghịch với lối sống tiết kiệm.
Một ví dụ rất đơn giản và dễ hiểu thế này: iPhone mới ra mắt điện thoại iPhone 15 nhiều phiên bản với nhiều mức giá, nhưng tất cả đều không rẻ. Bạn cũng muốn "rinh một em". Vậy thì lúc này, bạn cần nghĩ tới việc mình bỏ ra số tiền bằng cả vài tháng lương để đổi thiện thoại, ngoài cảm giác hưng phấn vì bản thân sành điệu, chịu chơi ra phết, bạn có thêm được lợi ích nào khác hay không? Hiệu suất công việc liệu có được cải thiện nhờ việc sở hữu iPhone 15 và cả chất lượng cuộc sống của chính bạn nữa?
Thu Hồng (25 tuổi, hiện đang là nhân viên văn phòng tại Hà Nội) - Người vừa mới mua iPhone 15 Pro Max trả góp chia sẻ: "Mình đổi từ iPhone XS Max sang iPhone 15 Pro Max vì điện thoại cũ đã "cùi" quá rồi. Mình nghĩ là thôi thì đằng nào cũng mất tiền đổi, cố thắt lưng buộc bụng đổi mẫu mới nhất luôn. Mình mua trả góp iPhone 15 trong 12 tháng, trả được 2 tháng rồi mới thấy thực ra không cần thiết phải đầu tư mẫu iPhone mới nhất, dù sao cũng chỉ để nghe gọi, lướt mạng và chụp ảnh".
Việc đặt ra câu hỏi về tính hữu dụng của bất cứ sản phẩm nào, dù rẻ tiền hay đắt tiền, trước khi ra quyết định mua hàng sẽ tạo cho bạn thói quen tiêu dùng hợp lý, thay vì cứ thích là chốt đơn.
Ảnh minh họa
Tiết kiệm không và chưa bao giờ đồng nghĩa với việc phải ăn uống khắc khổ. Tiết kiệm trong ăn uống chính là không bao giờ mua thực phẩm với số lượng vượt quá khả năng tiêu thụ của bản thân, không bao giờ để thừa đồ ăn trong 1 bữa, và không bao giờ để đồ tươi trở thành đồ cấp đông.
Đầu tư cho thực phẩm chất lượng cũng chính là đầu tư cho sức khỏe của chính mình.
Ngoài ra, cũng đừng bao giờ đánh đồng việc tới các nhà hàng sang trọng để dùng bữa với sự lãng phí. Bởi một bữa ăn không chỉ đơn thuần là việc chúng ta lấp đầy dạ dày để đẩy lùi cơn đói, mà còn là một trong những cách hữu hiệu nhất để giúp vốn kiến thức về ẩm thực của mình trở nên phong phú, đồng thời xây dựng, phát triển mối quan hệ.
Đăng ký tham gia khóa học 1 kỹ năng mới để phục vụ cho công việc là hành vi đầu tư cho bản thân, đúng! Chúng ta đều nhận thức được điều này. Vậy nhưng tại sao không ít người lại coi việc đi du lịch, tận hưởng vài ngày thảnh thơi, chỉ rong chơi ăn uống là lãng phí, hoặc chẳng cần thiết? Đây là một trong những tư duy sai lầm, rất cần được xóa bỏ khỏi tâm trí.
Minh Trí (29 tuổi, hiện đang là nhân viên văn phòng tại TP.HCM) cho biết: "Mục tiêu lớn nhất của mình là mua được nhà trước tuổi 35 nên mình tiết kiệm lắm. Mình là đàn ông nên cũng không có nhiều nhu cầu mua sắm, làm đẹp, dễ tiết kiệm hơn các chị em. Nhưng hơn 7 năm rồi, mình không đi du lịch bất cứ đâu cả, cứ chỉ đi làm rồi về quê thăm ba mẹ.
Đôi khi, ngồi trà đá cùng anh em, thấy bản thân mình thiếu trải nghiệm kinh khủng. Thế nên năm nay, mình sống thoáng hơn rồi, 3 tháng đi du lịch một lần dù chỉ là đi trong nước, những thành phố gần nơi mình đang sống thôi. Mình nhận ra có đi mới có trải nghiệm, có vốn sống phong phú mà việc du lịch thực ra cũng không tốn kém như mình vẫn nghĩ".
Ảnh minh hoạ
Việc rong chơi nói chung là hành vi gây lãng phí - Lời khẳng định này chỉ đúng khi bạn chẳng hề cố gắng làm việc mà chỉ suốt ngày lo chuyện đi chơi. Nếu không phải như vậy, những chuyến du lịch hoàn toàn không phải là sự đầu tư vô nghĩa.
Trong tâm lý học, có một biện pháp trị liệu tinh thần tên là "Travel Therapy" (Tạm dịch: Du lịch chữa lành). Vậy là đủ hiểu những chuyến đi có ý nghĩa như thế nào với sức khỏe tinh thần của mỗi người, mà đầu tư cho sức khỏe thì chẳng bao giờ là lãng phí hết!
Thông qua việc tiêu dùng hợp lý, ăn uống thoải mái và lành mạnh, không quên đầu tư phát triển bản thân, chúng ta có thể khiến cuộc sống của mình trở nên trọn vẹn và phong phú hơn.
Nói cách khác, tiết kiệm không phải là sống khắc khổ, mà chính là những hành vi đầu tư đúng đắn, "đáng tiền nhất" để cải thiện chất lượng cuộc sống (sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần) và chất lượng công việc.
Đây là 2 việc luôn phải đi đôi, song hành cùng nhau. Bởi nếu một người chỉ chú trọng cải thiện chất lượng cuộc sống mà không cải thiện chất lượng công việc, họ sẽ rất dễ trở thành kiểu người chỉ biết hưởng thụ, lười lao động, "chi nhiều hơn thu". Ngược lại, nếu một người chỉ chăm chăm cải thiện chất lượng công việc mà quên đi chất lượng cuộc sống, họ sẽ rất dễ trở thành kiểu người nghiện việc, chẳng màng tới bất kỳ chuyện gì khác.
Vì lẽ đó, lối sống tiết kiệm cũng chính là lối sống cân bằng!