* Bài viết này được chia sẻ bởi Ashley Zlatopolsky - người có kinh nghiệm 10 năm viết các vấn đề về tài chính:
Tôi thừa nhận rằng, không phải lúc nào tôi cũng là người giỏi nhất trong việc chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Tôi mắc chứng mua sắm bốc đồng, mua quá nhiều đồ ăn nhẹ ở cửa hàng tạp hóa và là người đam mê việc thanh lý, đặc biệt là khi phải mua những thứ tôi không thực sự cần.
Tuy nhiên, tính đến tận thời điểm hiện tại, chi phí sinh hoạt vẫn ở mức cao. Dữ liệu cho thấy vào cuối tháng 5, người Mỹ đã chi thêm 460 USD (khoảng hơn 11 triệu đồng) mỗi tháng cho thực phẩm, nhiên liệu,... so với một năm trước. Lạm phát đang buộc nhiều người, trong đó có tôi, phải đánh giá lại cách họ chi tiêu và cách họ ưu tiên mua sắm.
Tôi biết rằng để theo kịp với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng lên, tôi phải làm gì đó với việc chi tiêu bằng thẻ tín dụng của mình. Tôi cần phải học những cách lành mạnh hơn để quản lý tiền bạc và thoát khỏi thói quen chi tiêu xấu.
Đó là lý do tại sao tôi thực hiện thử thách thúc đẩy bản thân nhấn mạnh nhu cầu của mình và giảm bớt những mong muốn của tôi khi chi tiêu. Trong vài tháng qua, tôi đã tham gia vào một thử nghiệm cá nhân để xác định cách thức và vị trí mà tôi có thể cắt giảm chi phí khi chi tiêu bằng thẻ tín dụng.
Sau một tháng, tôi bất ngờ khi thấy mình đã cắt giảm một nửa hóa đơn thẻ tín dụng. Tháng thứ 2 trôi qua, hóa đơn thẻ tín dụng của tôi vẫn còn một nửa so với thường lệ. Tôi nhận ra rằng sự thay đổi là có thể xảy ra - và dễ dàng hơn tôi nghĩ rất nhiều.
Nếu bạn đang gặp khó khăn với việc chi tiêu bằng thẻ tín dụng, một vài thay đổi đơn giản trong lối sống có thể giúp bạn tiết kiệm hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn đô la, tùy thuộc vào lối sống của bạn. Đây là cách tôi đã thực hiện, cùng với một số lời khuyên của chuyên gia về cách áp dụng phương pháp này.
Là một người thích lướt các ứng dụng mua sắm, khả năng mua hàng trực tuyến trong tầm tay chắc chắn giúp cuộc sống của tôi thuận tiện hơn, nhưng nó cũng khiến tôi có xu hướng mua hàng ngẫu nhiên mà không phải lúc nào tôi cũng cần.
Ví dụ: Tôi có xu hướng mở ứng dụng mua sắm quần áo online và mua một (hoặc hai) chiếc váy khiến tôi thích thú ở thời điểm đó. Vì vậy, tôi biết rằng nếu muốn tập trung và thực hiện những thay đổi nghiêm túc, tôi phải loại bỏ những ứng dụng này.
Tôi đã xóa hầu hết các ứng dụng mua sắm chính khỏi điện thoại của mình, để lại một hoặc hai ứng dụng mà tôi sử dụng thường xuyên. Bằng cách tránh xa những cửa hàng trực tuyến này, tôi không còn bị cám dỗ để thực hiện bất kỳ hành động mua sắm bốc đồng nào.
Chỉ cần loại bỏ những ứng dụng này trên điện thoại cũng khiến tôi cảm thấy nhẹ nhàng và dễ chịu hơn. Ngoài ra, như một phần thưởng bổ sung, nó giúp giảm đáng kể thời gian tôi sử dụng điện thoại lên tới một giờ mỗi ngày.
Thay vì hoàn toàn thờ ơ với những gì mình muốn, tôi tự dành cho mình một quỹ giải trí nhỏ từ 100 đến 150 đô la (tương đương 2,4 - 3,6 triệu đồng) mỗi tháng cho những thứ tôi thích nhưng không thực sự cần. Điều này giúp tôi tiếp tục thử nghiệm mà không cảm thấy quá bị hạn chế. Ngoài ra, tôi muốn thực hiện những thay đổi với mức độ hợp lý. Trong trường hợp của tôi, chiến lược này đã giúp ích rất nhiều.
Levon Galstyan, kế toán viên được chứng nhận của Tập đoàn Luật Oak View, cho biết việc lập ngân sách giữa nhu cầu và mong muốn có thể dễ dàng như việc tuân thủ một công thức đơn giản. Đầu tiên, hãy lập danh sách mọi thứ bạn mua. Sau đó, sắp xếp các giao dịch mua này thành các danh mục rộng như: bảo hiểm, đăng ký, thực phẩm và đồ dùng gia đình... Cuối cùng, hãy tách tất cả các danh mục thành hai nhóm: nhu cầu và mong muốn.
Ông giải thích: “Cộng các tổng số lại, sau đó đặt ra các ưu tiên của bạn”. Khi bạn đã có tổng số cho nhóm "mong muốn" của mình, bạn có thể quyết định một con số thấp hơn mà có vẻ như là một quỹ giải trí hạn chế nhưng vẫn hợp lý.
Cửa hàng tạp hóa là một trong những cạm bẫy lớn nhất của tôi khi nói đến chi tiêu. Tôi rất dễ rơi vào tình trạng mua quá nhiều thực phẩm và trở thành nạn nhân của các chương trình khuyến mãi.
Để giải quyết vấn đề này, tôi đã tạo sẵn các danh sách mua hàng tạp hóa, nêu chính xác những gì chúng tôi cần (và không cần). Tôi cũng tự nhủ rằng có thể mua một thứ mà chúng tôi không cần, nhưng không có gì hơn thế.
Trong vài chuyến đi đầu tiên, tôi nhận ra rằng chi tiêu ở cửa hàng tạp hóa của mình thấp hơn nhiều so với bình thường. Tôi đã tiết kiệm được từ 25 - 75 đô la (khoảng 600.000 đến 1,8 triệu đồng) mỗi chuyến đi, chỉ bằng cách tránh mua sắm bốc đồng. Ngoài ra, chúng tôi đã lãng phí ít thức ăn hơn và thực sự ăn tất cả những gì chúng tôi mua. Tôi cũng cố gắng mua ít đồ có thương hiệu hơn.
Scott Nelson, Giám đốc điều hành của MoneyNerd Limited cho biết việc tránh các sản phẩm có thương hiệu là một cách tốt để cắt giảm chi tiêu.
Ông nói: "Bạn cũng có thể đăng ký chương trình hoặc thẻ thành viên của cửa hàng và thu thập thẻ quà tặng trong khi sử dụng những thẻ đó để giúp giảm chi tiêu của bạn".
Đây là bước khó khăn nhất trong cuộc thử nghiệm đối với tôi. Không có gì khiến tôi yêu thích hơn việc đến cửa hàng đồ gia dụng và đi vòng quanh các lối đi để tìm cảm hứng trang trí nhà cửa. Mặc dù tôi thực sự thích những hoạt động như thế này, nhưng chúng thường ít mang lại cảm hứng hơn mà dẫn đến việc trực tiếp mua những món đồ đắt tiền cho ngôi nhà của mình mà không phải lúc nào tôi cũng cần.
Thay vào đó, tôi cố gắng sử dụng thời gian của mình một cách tích cực hơn bằng cách sắp xếp lại các vật dụng trong nhà, điều này khiến tôi nhận ra rằng mình đã có mọi thứ mình cần và còn hơn thế nữa.
Brendan Sheehan, Giám đốc điều hành tại Waymark Wealth Management cho biết, lời khuyên tốt nhất mà ông từng nhận được là biết rằng các chuyến đi mua sắm thực chất là "sự kiện xã hội".
Ông giải thích: “Các cửa hàng như Costco, Sam's Club, BJs, Target và Walmart đều sử dụng một công thức đơn giản. Bạn bước vào cửa hàng với danh sách mua sắm gồm 10 món và rời đi với 20 món. 10 món là cần thiết và 10 món là mua sắm ngẫu hứng."
Lời khuyên mà anh ấy nhận được là hãy giảm tần suất xuống ít nhất 50%. Điều này có thể dẫn đến danh sách mua sắm dài hơn sau mỗi lần ghé cửa hàng/siêu thị nhưng sẽ làm giảm số lượng mua sắm tùy hứng.
Không có gì giống như đăng nhập vào trang web yêu thích của bạn hoặc bước vào một cửa hàng và nhìn thấy biểu ngữ: "Giảm giá 40%" nổi bật đặt ở vị trí trên cùng. Mặc dù thanh lý là một cách tuyệt vời để tiết kiệm tiền, đặc biệt là khi mua sắm với số lượng lớn, nhưng chúng không hữu ích lắm khi các mặt hàng bạn mua trong đợt giảm giá không phải là thứ bạn cần. Và cuối cùng bạn phải tiêu số tiền mà bạn không hề dự định tiêu.
“Hãy ngủ ngon khi đưa ra những quyết định tài chính lớn,” Nelson khuyên.
“Việc bốc đồng và mua những thứ chúng ta muốn là điều tự nhiên, nhưng chúng ta có thực sự cần chúng không? Nếu đó là một khoản mua lớn, hãy cân nhắc kỹ trước khi mua."
Để thành công trong thí nghiệm này, về cơ bản tôi phải tạo ra tầm nhìn cho chiến lược của chính mình. Điều quan trọng là tôi phải thay đổi suy nghĩ để chỉ tập trung vào những gì tôi cần, đồng thời giữ lại một "khoảng đệm" nhỏ để mua vui.
Điều này bao gồm việc ưu tiên cho những thứ như: thức ăn cho vật nuôi, đồ dùng gia đình và những thứ cơ bản khác để duy trì nhu cầu và chất lượng cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, điều tôi không cần là mua thêm quá nhiều quần áo. Tôi nhận ra một khi tôi loại bỏ những thứ này thì chúng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của tôi.
Khi kết thúc thử nghiệm, tôi bị sốc khi biết mình đã tiết kiệm được bao nhiêu. Tôi thậm chí còn sốc hơn khi biết rằng hóa đơn thẻ tín dụng của tôi liên tục giảm xuống.
Mặc dù những bài học tôi học được trong vài tháng qua đã giúp tôi điều chỉnh được đáng kể vấn đề do chi phí sinh hoạt tăng cao, nhưng tôi dự định sẽ sử dụng chúng để tiến về phía trước trong cả thời kỳ kinh tế khó khăn (hoặc không).
Chiến lược này giúp tôi hiểu biết hơn về tài chính, tiêu tiền theo những cách lành mạnh hơn và tích lũy tiền tiết kiệm của mình. Tuy nhiên, những gì hiệu quả với tôi có thể không hiệu quả với tất cả mọi người, vì vậy, điều quan trọng là bạn phải điều chỉnh chi tiêu theo cách phù hợp với mình.