Tòa nhà chọc trời ở Trung Quốc rung lắc dù không có động đất

Huệ Bình, Theo Người Lao động 22:35 18/05/2021

Tòa tháp chọc trời SEG Plaza, biểu tượng của TP. Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông,Trung Quốc rung lắc dù không có động đất vào trưa 18/5, khiến những người mua sắm hoảng loạn tháo chạy.

Sự việc xảy ra vào lúc 13 giờ (giờ địa phương). Một số đoạn video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm người hoảng loạn tháo chạy trên đường. Nhiều người vừa chạy vừa sợ hãi quan sát phía trên tòa tháp. Một số đồ vật trên tầng cao của tòa nhà cao 355m cũng bị rung chuyển.

Mọi người bên trong được sơ tán và tòa nhà bị phong tỏa lúc 14 giờ 40 phút. Người dân hiện không được phép quay trở lại tòa nhà này. Nhân viên Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đang kiểm tra tòa tháp.

Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của thành phố đang điều tra nguyên nhân khiến tòa tháp SEG Plaza rung lắc. Trong ngày 18/5, không ghi nhận trận động đất nào ở thành phố hay khu vực lân cận.

Tòa nhà chọc trời ở Trung Quốc rung lắc dù không có động đất - Ảnh 1.

Hiện nhà chức trách Thâm Quyến đang điều tra nguyên nhân vụ việc và người dân không được phép quay trở lại tòa nhà (Ảnh: Sohu)

Kỹ sư Lục Kiến Tân thuộc Tổng công ty Cơ khí Xây dựng Nhà nước Trung Quốc cho biết rung lắc thường chỉ xảy ra khi có động đất, trường hợp tòa tháp SEG Plaza rung lắc khi không xảy ra động đất là bất thường.

SEG Plaza nằm ở khu vực Hoa Cường Bắc của TP. Thâm Quyến, được hoàn thành năm 2000. Đây là nơi đặt trụ sở Tập đoàn điện tử Thâm Quyến (SEG). SEG Plaza cao thứ 104 ở Trung Quốc và cao thứ 212 trên thế giới, theo bảng xếp hạng chiều cao các tòa nhà trên toàn cầu của skyscrapercenter.com.

SEG Plaza được biết đến là nơi có nhiều cửa hàng bán máy khai thác tiền điện tử như Bitcoin ở Trung Quốc.

Tòa nhà chọc trời ở Trung Quốc rung lắc dù không có động đất - Ảnh 2.

SEG Plaza cao thứ 104 ở Trung Quốc và cao thứ 212 trên thế giới (Ảnh: Sina)

Kể từ tháng 4/2020, chính phủ Trung Quốc ban hành chỉ thị kiểm soát chặt việc xây dựng các tòa nhà cao hơn 250m, xem xét sự cần thiết của việc xây dựng các tòa nhà cao trên 100m và quy định chặt chẽ các khu phức hợp giải trí công cộng có diện tích sàn vượt quá 30.000m2.

Các tòa nhà chọc trời từ lâu được coi là biểu tượng của sự giàu có và công nghệ tiên tiến, là một phương tiện để tối đa hóa việc sử dụng đất trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng. Khi tòa nhà ngày càng cao, chi phí xây dựng và bảo trì đã tăng lên và việc đảm bảo an toàn cho người thuê nhà trong trường hợp hỏa hoạn trở nên khó khăn hơn.

Ông Tống Nghi Xương, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Môi trường và Đô thị thuộc Học viện Xã hội Trung Quốc, cho biết: "Trước đây chúng tôi cân nhắc nhiều hơn đến việc tăng hiệu quả sử dụng đất nhưng giờ đây chúng tôi đang chú trọng hơn đến sự an toàn của phát triển đô thị".