Tinh vi kịch bản lừa tiền trong tài khoản ngân hàng, không cẩn thận dễ thành nạn nhân

Huỳnh Duy, Theo Trí Thức Trẻ 19:00 20/11/2022

Công an tỉnh Tây Ninh vừa phát đi cảnh báo về thủ đoạn tinh vi mà kẻ xấu giăng ra hòng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Theo Công an tỉnh Tây Ninh, từ tháng 9/2022 đến nay, người dân nhiều tỉnh thành thường xuyên nhận được tin nhắn lừa đảo, giả mạo các ngân hàng thương mại để chiếm đoạt tiền.

Tinh vi kịch bản giả mạo các ngân hàng để chiếm đoạt tiền

Nội dung tin nhắn thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ ngân hàng (hoặc nhiều dịch vụ khác như quảng cáo trên TikTok, dịch vụ tài chính toàn cầu...) có mức phí sử dụng mỗi tháng từ 3 - 6 triệu đồng. Nếu muốn hủy thì truy cập vào đường dẫn của trang thông tin điện tử giả mạo trang web của ngân hàng.

Tinh vi kịch bản lừa tiền trong tài khoản ngân hàng, không cẩn thận dễ thành nạn nhân - Ảnh 1.

Nội dung tin nhắn giả mạo“Thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ tài chính toàn cầu có mức phí sử dụng mỗi tháng từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, nếu muốn hủy thì truy cập vào đường dẫn https://viettinbank.com.vn-vb.top, https://vpbank.com,vn-vb-top, https://scb.vn-as.life, https://msb.com.vn-sx.top...” nhằm mục đích dụ dỗ khách hàng truy cập vào trang web giả mạo ngân hàng để đánh cắp tiền trong tài khoản (Ảnh: Chuyển đổi số Tây Ninh)

Theo đó, có rất nhiều người dân do nhầm tưởng là tin nhắn thông báo của ngân hàng nên đã thực hiện theo, dẫn đến bị chiếm quyền truy cập tài khoản ngân hàng và bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản. Công an ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.

Qua công tác nghiệp vụ, Bộ Công an xác định đây là đường dây tội phạm có tính chất chuyên nghiệp, xuyên quốc gia do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu cấu kết với các đối tượng người Việt Nam, sử dụng các thiết bị công nghệ cao để thu thập thông tin thuê bao di động (IMSI) và thông tin thiết bị (IMEI). Từ đó thực hiện phát tán các tin nhắn mạo danh ngân hàng như trên nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình hoạt động phạm tội, các đối tượng thường xuyên thay đổi lộ trình di chuyển, sử dụng nhiều hình thức ngụy trang để che giấu, đồng thời sử dụng các ứng dụng mạng xã hội (Telegram, Zalo...) để liên lạc, trao đổi sau đó xóa dữ liệu. Qua kiểm tra, các bộ thiết bị này có thể tùy chỉnh giả mạo đầu số gửi tin nhắn của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tinh vi kịch bản lừa tiền trong tài khoản ngân hàng, không cẩn thận dễ thành nạn nhân - Ảnh 2.

Các tin nhắn mạo danh ngân hàng thường chứa những đường link bất thường (Ảnh minh hoạ)

Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không bấm vào các đường link, tên miền lạ được gửi đến email, điện thoại, không cung cấp mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng để tránh sập bẫy lừa đảo.

Khi phát hiện các hành vi vi phạm, người dân cần nhanh chóng thông báo và phối hợp với cơ quan chức năng để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.

Phản ánh tin nhắn, cuộc gọi nghi lừa đảo

Từ ngày 1/11, tổng đài 156 xử lý cuộc tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đã chính thức được kích hoạt và tiếp nhận phản ánh của người dân để tổng hợp, xử lý.

Tinh vi kịch bản lừa tiền trong tài khoản ngân hàng, không cẩn thận dễ thành nạn nhân - Ảnh 3.

Khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể phản ánh tới đầu số 156 (Ảnh minh hoạ)

Người dân có thể phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua 2 hình thức gửi tin nhắn và gọi điện tới tới đầu số 156. Cụ thể, cú pháp như sau:

Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156 trong đó:

- Với tin nhắn rác, người dân soạn tin nhắn với cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) kèm nội dung phản ánh gửi 156 (hoặc 5656).

- Với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác: V (số điện thoại - nguồn phát tán) kèm nội dung phản ánh gửi 156 (hoặc 5656).

- Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân soạn tin nhắn với cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) kèm nội dung phản ánh gửi 156 (hoặc 5656).

Cách 2: Ngoài nhắn tin, người dân có thể gọi tới đầu số 156 (các doanh nghiệp viễn thông sẽ áp dụng việc miễn phí cước cuộc gọi) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...) theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.

Sau khi tiếp nhận thông tin, nhà mạng sẽ sàng lọc, xác minh, phản hồi khách hàng, đồng thời tổng hợp gửi nội dung phản ánh tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ TT-TT để có biện pháp xử lý theo quy định.

Các doanh nghiệp viễn thông sẽ dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông 2 chiều nếu số thuê bao có hành vi vi phạm phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi dấu hiệu lừa đảo.