Động thái này nhằm khuyến khích kết hôn giữa lúc tỷ lệ sinh và số người kết hôn sụt giảm bất chấp nhiều nỗ lực từ chính phủ.
Chính sách này bao gồm cả 3 ngày nghỉ tối thiểu theo quy định hiện hành, nhằm thúc đẩy việc xây dựng một xã hội đề cao giá trị hôn nhân và con cái. Chính quyền tỉnh Hồ Bắc cho biết sẽ xây dựng cơ chế phân bổ chi phí phù hợp để đảm bảo chính sách này được áp dụng hiệu quả và lâu dài.
(Ảnh minh họa: Xinhua)
Dù dân số Trung Quốc giảm chậm lại trong năm 2024 nhờ quan niệm "năm Rồng sinh con sẽ may mắn" nhưng số cặp đăng ký kết hôn vẫn lao dốc, chỉ 6,1 triệu - bằng một nửa so với năm 2013. Đây là mức giảm theo năm lớn nhất kể từ năm 1978, khi dữ liệu kết hôn bắt đầu được lưu trữ.
Trong khi đó, số vụ ly hôn năm 2024 tăng nhẹ lên 2,6 triệu, cao hơn 1,1% so với năm 2023.
Một trong những rào cản lớn khiến nhiều người trẻ Trung Quốc ngần ngại lập gia đình là chi phí kết hôn cao, đặc biệt do các khoản chi cho đám cưới xa hoa và sính lễ dù chính phủ đã nhiều lần kêu gọi tổ chức lễ cưới tiết kiệm, giản dị. Bên cạnh đó, triển vọng việc làm ảm đạm, thu nhập giảm và tâm lý lo lắng về tương lai cũng làm giảm mong muốn kết hôn và sinh con ở giới trẻ.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Trung Quốc, năm 2024, cả nước có 6,1 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn, so với 7,7 triệu vào năm 2023, giảm 20,5% - mức giảm lớn nhất từ trước đến nay. Số cặp kết hôn giảm cũng trùng với năm thứ 3 liên tiếp dân số và tỷ lệ sinh tại Trung Quốc giảm.
Chính quyền nhiều tỉnh thành Trung Quốc đã dành nhiều ưu đãi để các cặp đôi kết hôn sớm như thưởng tiền, sinh 2 - 3 con được vay ngân hàng lãi suất thấp mua nhà, đưa nhiều môn học về tình yêu hôn nhân gia đình vào các trường cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, tỷ lệ kết hôn, sinh con ở nước này vẫn giảm.