Theo kết quả mới được công bố, Vĩnh Phúc và Hải Dương đã vượt qua Thanh Hóa, vươn lên dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025.
Với 87/98 học sinh giành giải, tương đương tỷ lệ 88,8%, Vĩnh Phúc xuất sắc chiếm vị trí dẫn đầu toàn quốc. Đây là bước tiến đáng kể so với năm trước, khi tỉnh này xếp thứ hai sau Thanh Hóa.
Ngay sau Vĩnh Phúc, Hải Dương đạt tỷ lệ 88,6% với 97/110 học sinh đoạt giải, chỉ kém Vĩnh Phúc 0,2%. Nghệ An và Hà Tĩnh đồng vị trí thứ ba với tỷ lệ 85,7%. Thanh Hóa – quán quân năm ngoái – đã tụt xuống hạng năm năm nay với tỷ lệ 85,6% (77/90 học sinh đạt giải).
Những địa phương khác góp mặt trong top 10 bao gồm Nam Định, Bắc Giang, Quảng Ninh, Ninh Bình và Hải Phòng.
Trong khi đó, Hà Nội và TP.HCM lần lượt xếp hạng 13 và 14. Hà Nội có 200/260 học sinh đạt giải (76,9%), giảm 1,7% so với năm ngoái. TP.HCM ghi nhận sự cải thiện khi đạt tỷ lệ 70,3% (166/236 học sinh), tăng 4,5%.
Tuy nhiên, nếu xét về tổng số giải, Hà Nội (top 1 với 200 thí sinh đoạt giải) và TP.HCM (top 2 với 166 giải) vẫn giữ vị trí dẫn đầu.
Số lượng giải chi tiết ở các bộ môn của đoàn Hà Nội như sau: Toán 18 giải, Vật lý 20 giải, Hóa học 20 giải, Sinh học 18, Tin học 15 giải, Ngữ văn 15 giải, Lịch sử 14 giải, Địa lý 17 giải, tiếng Anh 20 giải, tiếng Nga 11 giải, tiếng Pháp 17 giải, tiếng Trung 7 giải, tiếng Nhật 8 giải.
Xếp thứ hai cả nước là đoàn TPHCM với 166 giải, tăng 56 giải so với năm 2024. Trong đó, đơn vị này có 05 thí sinh đoạt giải Nhất.
Hải Phòng là địa phương xếp thứ ba với tổng cộng 102 giải. Đứng thứ tư và thứ năm lần lượt là đơn vị Đại học Quốc gia Hà Nội (101 giải) và Bắc Giang (99 giải).
Nằm trong top 10 địa phương có số lượng thí sinh đoạt giải nhiều nhất, ngoài ra còn có: Hải Dương (97 giải), Nghệ An (96 giải), Thái Nguyên (90 giải), Quảng Ninh (88 giải), Vĩnh Phúc (87 giải).
Về số lượng giải Nhất, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế với 18 giải, dẫn đầu cả nước, trải dài ở các bộ môn: Toán (01 giải), Vật lý (02 giải), Hóa học (05 giải), Sinh học (05 giải), Tin học (02 giải), tiếng Anh (02 giải), tiếng Pháp (01 giải).
Bắc Ninh xếp thứ hai với 12 giải Nhất, tiếp theo là khối Đại học Quốc gia Hà Nội (10 giải), Nghệ An (9 giải) và khối Đại học Sư phạm Hà Nội (8 giải).
Đặc biệt, ở môn Ngữ văn, chỉ có ba học sinh đạt giải Nhất. Trong đó, một học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đạt điểm tuyệt đối 15, hai học sinh khác lần lượt đến từ Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM và Trường THPT chuyên Thái Bình đạt 14,75 điểm.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, học sinh đạt giải đến từ hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đáng chú ý, nhiều địa phương miền núi và vùng khó khăn về kinh tế - xã hội cũng có thí sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi này.
Theo Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hiện hành, tổng số giải từ Khuyến khích trở lên không vượt quá 60% số thí sinh dự thi; tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải; số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.
Cùng với đó, theo kế hoạch, vào tháng 3.2025, Bộ GDĐT sẽ tổ chức kỳ thi chọn học sinh THPT vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2025, đối với các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học.
Thí sinh đạt các mức điểm sau sẽ được triệu tập tham dự kỳ thi trên, cụ thể: môn Toán từ 24 điểm trở lên; môn Vật lý từ 26,75 điểm trở lên; môn Hóa học từ 25,875 điểm trở lên; môn Sinh học từ 25,5 điểm trở lên và môn Tin học từ 16,34 điểm trở lên.
Bộ GD&ĐT thông tin thêm, theo quy chế thi, trong vòng 15 ngày kể từ ngày công bố kết quả, thí sinh được quyền đề nghị phúc khảo bài thi. Bên cạnh đó, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) sẽ cấp giấy chứng nhận cho các thí sinh đoạt giải và giấy chứng nhận đã tham dự kỳ thi cho các học sinh còn lại. Điều này đã được áp dụng từ kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024.