Các bạn nói chuyện điện thoại với nhau và cô bạn thân kể cho bạn nghe mình mới trải qua một ngày tệ hại hay tuyệt vời như thế nào. Sau đó bạn bắt đầu nói về những chuyện của mình... cô bạn nói xin lỗi và gác máy vì rất nhiều lý do. Thực tế là cô ấy đã rời cuộc nói chuyện và chưa hề biết tâm trạng một ngày qua của bạn ra sao.
Bạn có cảm thấy mình đang phấn khích với việc nói chuyện và gặp gỡ bạn mình hơn cô ấy không? Các mối quan hệ dễ trở nên rạn nứt nếu một người không đầu tư vào mối quan hệ tương đương với người còn lại và ngược lại, cảm giác bị đeo bám bởi các yêu cầu liên tiếp từ đối phương cũng có thể khiến ai đó cảm thấy phiền hà.
Lúc đầu, bạn thấy vô cùng vui vẻ khi ở gần cô bạn ấy. Các bạn vui đùa, đồng cảm với nhau, đó từng là một mối quan hệ dễ chịu. Rồi mọi thứ thay đổi. Cô bạn cũng không còn như trước. Giờ đây các bạn dễ mâu thuẫn. Bạn cẩn trọng hơn. Đến một lúc nào đó bạn nhận ra mình quá khép nép vì lo lắng sẽ lỡ nói sai điều gì. Bạn luôn nơm nớp bạn mình sẽ tự ái và giận dỗi. Vì lý do nào đó, bạn có mặt trong danh sách đen của người bạn từng vô cùng thân thiết. Sau đó thì chuyện gì xảy ra?
Bạn cảm thấy không thoải mái, lo âu, sợ hãi và mất cân bằng. Bạn nghĩ về cô bạn mình từ một vị thế thấp hơn. Sau đó một chuyện tuyệt vời xảy đến - đột nhiên cô bạn thân trân trọng bạn hết mực và bạn thấy mình như bay giữa ngân hà. Mình lo lắng cái gì không biết? Mọi thứ vẫn bình thường mà. Rồi sang ngày tiếp theo, bạn lại không thể liên lạc với cô ấy nữa. Chuyện rối tung lên, bạn không thể lường trước điều gì và trong bạn dấy lên vô số hoài nghi. Lòng tự trọng khiến bạn lưỡng lự.
Bạn đã nghe tới khái niệm "Spring cleaning" (Dọn dẹp mùa xuân) bao giờ chưa? Đó không chỉ là dọn dẹp lại nhà kho, gom những quần áo cũ trong tủ quần áo mà còn là dịp bạn có cái nhìn sâu xa hơn về những người có mặt trong cuộc đời bạn, liệu những mối quan hệ bạn đang duy trì có cần làm mới không.
Trong một bài tweet từng được lan truyền chóng mặt, tài khoản pariahcar3y chia sẻ 4 điểm cô này thường lưu ý khi đánh giá liệu một mối quan hệ có đáng duy trì hay không. Bạn có thể coi đây như một gợi ý để phân loại các mối quan hệ cá nhân của mình.
"Các câu hỏi cho việc "Dọn dẹp mùa xuân" của tôi bao gồm:
Mối quan hệ của chúng tôi có còn tốt đẹp nếu tôi không phải người liên lạc trước?
Tôi cảm thấy thế nào sau mỗi lần gặp gỡ người đó?
Tôi có đang thiết lập những giới hạn lành mạnh với bạn không? Nếu có, bạn có đang tôn trọng chúng không?
Chúng ta cho và nhận như thế nào? Nó có cân bằng không?"
Khi trả lời phỏng vấn với HuffPost, một trang tin nổi tiếng của Hoa Kỳ, nhà tâm lý Andrea Bonnior, giáo sư tại Đại học Georgetown đã nhấn mạnh: mặc dù các câu hỏi này vào thẳng vấn đề, khi trả lời bạn vẫn nên đặt mối quan hệ trong một phạm trù rộng hơn. Tại sao người bạn ấy không ở bên bạn như đã từng – có phải họ đang gặp chuyện cá nhân gì đó - bạn nên nhớ lại những kỷ niệm hai người đã cùng nhau chia sẻ.
Theo giáo sư, "Đôi khi người bạn của bạn đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn, ví dụ cha mẹ mới qua đời, bị thuyên chuyển công tác hoặc có em bé ngoài ý muốn. Cũng có thể họ đang đối mặt với chứng trầm cảm hay gặp một số rắc rối khó nói nên không thể ở bên bạn. Thế nên khi nhận ra mối quan hệ có dấu hiệu mất cân bằng, điều cần làm là phân biệt đó chỉ là một giai đoạn tạm thời, có thể thấu hiểu và bạn nên đợi chờ người bạn đó hay đây là vấn đề đã kéo dài từ lâu và bạn không nên tiếp tục duy trì tình bạn này nữa."
Nếu bạn cảm thấy bạn mình đang đem đến một nguồn năng lượng tiêu cực cho cuộc sống của bạn, làm thế nào để "chia tay" với người đó? Chúng tôi đã tìm đến các chuyên gia để xin lời khuyên.
Làm sao để biết bạn có nên kết thúc một tình bạn hay không
Có một sự thật là không phải tình bạn nào cũng kéo dài mãi mãi và đó là chuyện bình thường. Nhận định này không khuyên bạn nghỉ chơi với ai đó chỉ vì những bất đồng và cãi vã nhỏ. Chỉ là bạn có thể cho phép bản thân thôi qua lại với đối phương nếu mối quan hệ càng ngày càng khiến bạn mệt mỏi.
Deborah Duley, nhà trị liệu đồng thời là nhà sáng lập Empowered Conncetion, tổ chức tư vấn dành cho phụ nữ, trẻ em gái và cộng đồng LGBT chia sẻ với Huffpost: "Tình cảm chúng ta dành cho nhau đôi khi bị phai nhạt. Đó là quá trình bình thường và tự nhiên vì chúng ta liên tục trưởng thành và thay đổi theo tiến trình phát triển của loài người."
Một tình bạn đích thực có sự cân bằng trong việc trao đi và nhận lại. Nó không cần quá rạch ròi 50-50 nhưng theo thời gian, sự cân bằng cần đạt đến mức tương đối. Nếu người bạn này quá yêu bản thân, đòi hỏi thời gian, sự quan tâm và ủng hộ từ bạn nhưng không muốn đáp lại những điều tương tự, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn nên dừng mối quan hệ này.
Một dấu hiệu khác cảnh báo về mối quan hệ là khi "bạn cảm thấy mệt mỏi với ý nghĩ sẽ gặp gỡ người đó", theo bà Duley. "Bạn cảm thấy lo lắng dù bạn từng rất háo hức trước mỗi cuộc hẹn. Có thể người bạn đó đang thực hiện những hành xử đi ngược với quan điểm đạo đức của bạn và bạn nghi ngờ liệu mình có thực sự muốn làm bạn với người như vậy."
Bên cạnh đó, theo nhà tâm lý Marie Land, bạn nên để ý đến cảm nhận của mình khi nhận được tin nhắn từ người bạn đó hay khi họ chủ động lên kế hoạch cho các hoạt động chung của hai người. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, đó có thể là dấu hiệu bạn cần lưu tâm.
Làm sao để tạm giữ khoảng cách với một người bạn
Khi muốn kết thúc một mối quan hệ yêu đương, một sự lạnh nhạt từ tốn dễ được coi là hành động nhẫn tâm. Tuy nhiên, theo cả hai chuyên gia tâm lý Duley và Land thì việc này có thể chấp nhận được trong phạm trù tình bạn.
Theo bà Duley: "Tôi không chắc việc để người bạn kia biết chuyện bạn muốn nghỉ chơi với họ là cần thiết. Sự im lặng trong một thời gian có lẽ đủ để người kia hiểu ra vấn đề."
Bà Land cũng đồng ý với nhận định này: "Khi bạn giao tiếp với bạn của mình, hãy tưởng tượng mình đang tham gia một trận đấu tennis. Để người đó giao hai quả bóng vào sân của bạn và rồi bạn chỉ đỡ một quả. Hành động này gửi đến đối phương thông điệp tôi không rảnh lắm."
Nếu bạn muốn điều chỉnh lại mối quan hệ, việc thể hiện thái độ bất bình cũng rất hợp lý. Còn nếu bạn không có ý định đó, bạn không cần cảm thấy mình có nghĩa vụ phải đưa ra những lý do cụ thể tại sao bạn không cố gắng dành thời gian bên người bạn kia nữa.
Bà Land chia sẻ: "Tôi là người sống vì sự thành thật. Tuy nhiên, không làm lớn chuyện nghỉ chơi với ai đó không phải là vấn đề quá to tát nên một lời nói dối như sau có thể chấp nhận được ‘Dạo này mình khá bận với công việc và các sở thích nên không thể dành nhiều thời gian cho tất cả bạn bè', chẳng hạn như vậy."
Trong trường hợp người này là một người bạn thân thiết và bạn cảm thấy mình nợ người ta một lời giải thích, hoặc nếu bạn vẫn còn khúc mắc trong lòng, bà Dulley gợi ý hai người nên có với nhau một cuộc gặp mặt trực tiếp.
"Để họ biết rằng bạn cảm thấy cảm xúc của bạn với mối quan hệ không còn như trước và việc hạn chế liên lạc sẽ tốt hơn cho cả hai bên. Hãy chuẩn bị tâm lý vì có thể đối phương sẽ tổn thương hoặc nổi giận. Bạn nên lên sẵn một kịch bản trong đầu để dễ ứng phó với tình huống bất ngờ có thế xảy ra."
Bạn cũng cần nhớ rằng việc tách ra khỏi mối quan hệ một cách từ từ khác hẳn việc đột ngột cắt đứt liên lạc với ai đó - bạn có thể doạ người ta hết hồn.
Giáo sư Bonior chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Huffpost: "Đừng để người kia phải bơ vơ nếu bạn nhận ra họ không có vẻ muốn tạm dừng mối quan hệ giống như bạn. Trong trường hợp này, bạn nên có một cuộc trò chuyện thẳng thắn với người đó về ý định của mình."