Tìm ra phương pháp khám nghiệm tử thi mới không cần "mổ phanh" xác chết

Nov, Theo Trí Thức Trẻ 14:06 28/05/2017

Các nhà khoa học Anh đã tìm ra phương pháp khám nghiệm tử thi mới mà không cần phẫu thuật xác chết, mở ra hướng đi mới cho nền y học.

Khám nghiệm tử thi là một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến để xác định thời điểm cũng như nguyên nhân cái chết của nạn nhân. 

Tuy nhiên, cũng có nhiều lý do mà việc mổ tử thi không được ưu tiên áp dụng trong nhiều trường hợp. Vì thế, phát hiện của giới khoa học Anh mới đây sẽ mở ra nhiều hi vọng mới trong việc khám nghiệm tử thi.

Tìm ra phương pháp khám nghiệm tử thi mới không cần mổ phanh xác chết - Ảnh 1.

Cụ thể, các chuyên gia thuộc ĐH Leicester, Anh đã áp dụng kỹ thuật chụp hình ảnh, động mạch tử thi bằng thuật toán cắt lớp trên máy tính (PMCTA) giúp xác định nguyên nhân người chết nhanh chóng.

Tiến hành thử nghiệm trên 240 trường hợp tử vong, kết quả thu được ở phương pháp mới này có thể xác định nguyên nhân cái chết tự nhiên lên tới 92% mà không cần "mổ phanh" tử thi.

Cụ thể, nhóm chuyên gia đã phát triển kỹ thuật đặt ống thông mạch vành nhanh chóng và đơn giản. Họ đặt ống thông ngược vào cơ thể người chết thông qua một đường rạch nhỏ ở cổ, sau đó thực hiện việc quét CT toàn thân. 

Về cơ bản, kỹ thuật này sử dụng ống thông tim, kỹ thuật hình ảnh tương phản để làm nổi bật các mạch tim ở người đã chết.

Guy Rutty - trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng kết quả nghiên cứu này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của việc khám nghiệm tử thi ở Anh và toàn thế giới. 

Mặc dù mổ tử thi là phương pháp chuẩn tính đến thời điểm này nhưng nhiều năm qua, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực phát triển phương pháp tiếp cận thay thế nhằm hạn chế việc mổ xẻ tử thi".

Tìm ra phương pháp khám nghiệm tử thi mới không cần mổ phanh xác chết - Ảnh 2.

Bruno Morgan, một thành viên trong nhóm nói rằng: "Chúng tôi gặp khó khăn trong việc tiêm chất phản quang vào tĩnh mạch và chờ chúng di chuyển khắp mạch máu trong cơ thể. Bởi lẽ với xác chết, máu không lưu thông như người sống mà. 

Vì thế, chúng tôi đã khắc phục bằng cách sử dụng 1 ống thông để chèn trong động mạch, sau đó mới chụp tia Xquang mạch được".

Nguồn: Mirror, Dailymail