Hòn đảo xa xôi tại Bắc Băng Dương ở phía Đông Bắc Siberia được xác định là nơi yên nghỉ của những cá thể voi ma mút cuối cùng trên thế giới. Nghiên cứu mới này cho thấy những con voi ma mút ở đây sống lâu hơn những cá thể cùng loài ở Bắc Mỹ và Châu Âu khoảng 7.000 năm trước khi bị tuyệt chủng.
Hệ động vật thời kỳ kỷ băng hà phía bắc Tây Ban Nha. Ảnh: Wikimedia Commons
Theo một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Quaternary Science Reviews, những con voi ma mút sống trên Đảo Wrangel không chết vì những nguyên nhân tương tự với các con voi ma mút khác. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, những con voi ma mút này bị cô lập và dẫn đến tình trạng cận huyết, từ đó làm suy yếu sự đa dạng di truyền của chúng. Điều này dẫn đến việc giảm khả năng thích nghi của voi ma mút với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và gây ra cái chết. Hai hòn đảo nhỏ, biệt lập nép mình giữa Nga và Alaska. Các hòn đảo này đã bị tách khỏi đất liền khi nước biển dâng cao và những thay đổi địa chất. Các nhà nghiên cứu cho rằng nơi trú ẩn của những con voi ma mút cuối cùng là Đảo Wrangel.
Nghiên cứu này cho thấy rằng, những con voi ma mút cuối cùng đã chết muộn hơn nhiều so với các nhà khoa học từng nghĩ (cách đây 4.000 năm), vào thời điểm người Ai Cập đã xây dựng kim tự tháp ở Giza.
Với hình dạng và kích thước đồ sộ, voi ma mút (tên khoa học là Mammuthus primigenius) đã thống trị bán cầu Bắc trong kỷ băng hà cuối của Trái đất suốt gần 90.000 năm, trước khi biến đổi khí hậu xảy ra và việc săn bắn của con người đã khiến chúng tuyệt chủng.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra những bộ xương và xác voi ma mút vùi trong băng tuyết ở khắp mọi nơi từ Tây Ban Nha đến Siberia. Đặc biệt, theo nghiên cứu trước đó, những sinh vật này đã biến mất hoàn toàn vào khoảng 11.000 năm trước.
Theo Yahoo News