Thời gian vừa qua, tin đồn về một thảm họa tự nhiên khủng khiếp tại Nhật Bản được dự báo trong một bộ truyện tranh đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Bộ truyện tranh gây ra làn sóng hoang mang này có tựa đề “The Future I Saw” (Những điều tôi thấy trong tương lai) do họa sĩ Ryo Tatsuki sáng tác.
Truyện miêu tả một giấc mơ về một trận động đất lớn và sóng thần tấn công Nhật Bản và các nước lân cận vào tháng 7 năm 2025, cụ thể là vào ngày 5 tháng 7 năm 2025.
Trong tác phẩm truyện tranh "Những điều tôi thấy trong tương lai - phiên bản hoàn chỉnh", cô viết: "Ngày 5/7/2025, đáy biển giữa Nhật Bản và Philippines sẽ nứt vỡ (phun trào)", "Sẽ có một cơn đại hồng thủy tấn công các quốc gia ven Thái Bình Dương", "Độ cao của sóng thần sẽ gấp 3 lần so với trận động đất 311 (ngày 11/3/2011)".
Dù Tatsuki đã phủ nhận mọi đồn đoán và khẳng định trong một thông cáo báo chí rằng cô "không phải là nhà tiên tri” nhưng điều này vẫn dấy lên nhiều lo ngại.
Trong ngày 5/7, khoảng 250.000 người đã đổ xô vào một buổi phát trực tiếp trên YouTube của cơ quan giám sát động đất Nhật Bản, chờ đợi thảm họa sẽ xảy ra vào lúc 4:18 sáng (giờ địa phương). Tuy nhiên, trận động đất đã không xảy ra.
Vào ngày 4/7 - tức một ngày trước ngày được dự đoán sẽ xảy ra thảm hoạ, Ryo Tatsuki tuyên bố rằng lời văn trên bìa sách không phải do cô viết mà là do biên tập viên của cô. Tuyên bố này đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng mạng Nhật Bản, đặc biệt là trên diễn đàn 5ch (phiên bản Nhật của Reddit). Nhiều người đã chỉ trích, thậm chí gọi cô là "mụ phù thủy lừa đảo".
Cụ thể, theo các hãng truyền thông Nhật Bản, Ryo Tatsuki đã lên tiếng về “lời tiên tri ngày tận thế” trước ngày dự đoán. Cô bày tỏ sự khó xử và lo ngại biên tập viên cùng nhà xuất bản có thể sẽ trở thành mục tiêu công kích. Tatsuki nhấn mạnh, dòng chữ gây chú ý trong ấn bản "Hoàn chỉnh" không phải do cô viết và mức độ quan tâm đến phần quảng cáo vượt xa nội dung truyện tranh cô vẽ. Do đó, cô cảm thấy mình giống như một người ngoài cuộc hơn là người trong cuộc giữa làn sóng chú ý này.
Những phát ngôn này đã dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. Một số người mạnh mẽ chỉ trích: "Câu nào cũng là do cô ta viết thôi, đừng đổ lỗi cho biên tập viên nữa", "Đúng là kẻ lừa đảo", "Bây giờ mới chối bỏ thì quá muộn", "Rõ ràng là lợi dụng lời tiên tri ngày tận thế để tăng doanh số".
Tuy nhiên, cũng có một số cư dân mạng có thái độ ôn hòa hơn và cảm thấy may mắn khi thực sự không có chuyện gì xảy ra. "Ít nhất là không có chuyện gì xảy ra, nhẹ nhõm cả người"; "Kagoshima hôm đó thực sự có trận động đất 5.3 độ Richter, coi như cô ấy đoán trúng một nửa."; "Chuyện đã qua rồi thì đừng truy cứu nữa."...
Được biết, bộ truyện tranh có tựa đề “The Future I Saw” (Những điều tôi thấy trong tương lai) do họa sĩ Ryo Tatsuki sáng tác, lần đầu xuất bản vào năm 1999 và được tái bản vào năm 2021.
Điều đáng chú ý là phiên bản đầu tiên của manga đã cảnh báo về một thảm họa tự nhiên lớn vào tháng 3 năm 2011 - thời điểm mà Nhật Bản thực sự chịu ảnh hưởng bởi trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân nghiêm trọng ở bờ biển phía Đông Bắc, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.
Những lo ngại không chỉ nằm trên trang giấy, mà còn được củng cố bởi thực tế rằng Nhật Bản tọa lạc trên "Vành đai Lửa" của Thái Bình Dương - nơi thường xuyên chịu đựng các trận động đất. Chỉ trong những ngày gần đây, đã có hơn 900 trận động đất được ghi nhận, phần lớn là những rung chấn nhỏ, ở các đảo phía nam đầu ngọn Kyushu.
Ảnh: AFP
Bất chấp những quan điểm chuyên môn rằng việc dự đoán động đất dựa trên cơ sở khoa học là "không thể", tin đồn đã khiến lượng du khách quốc tế đến Nhật Bản suy giảm nghiêm trọng. Số lượng đặt vé máy bay từ Đài Loan, Hàn Quốc và Hong Kong đến Nhật Bản đã giảm kể từ tháng 4.
Đáng chú ý, số lượng đặt vé từ Hong Kong đã giảm trung bình tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Công ty phân tích ForwardKeys. Trong đó lượng vé đặt cho cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 - giai đoạn được "tiên tri" sẽ xảy ra động đất - giảm mạnh tới 83%.
Nỗi hoang mang không chỉ dừng lại ở tâm lý du khách quốc tế. Bloomberg đưa tin rằng chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi (Viện nghiên cứu Nomura) ước tính thiệt hại tiềm ẩn lên tới 3,9 tỷ USD nếu du lịch tiếp tục suy giảm.
Sau hơn 1.300 trận động đất liên tiếp với cường độ ngày càng tăng tại quần đảo Tokara, ngoài khơi tỉnh Kagoshima (Nhật Bản), một trận động đất mạnh 5,3 độ richter đã xảy ra vào sáng sớm ngày 5/7. Mặc dù không có nguy cơ sóng thần, giới chức Nhật Bản vẫn khẩn trương cảnh báo người dân tiếp tục cảnh giác với các trận động đất khác có thể đạt cường độ tối đa là 6- trong thời gian tới.
Dù không gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng cũng đủ khiến người dân tại đây không khỏi lo lắng. Nhiều người đã rời khỏi nơi cư trú để tìm chỗ tạm lánh. Tính đến 10h sáng 5/7, hơn 20 người đã đăng ký rời đảo bằng phà để tạm lánh sang Thành phố Kagoshima. Phà dự kiến khởi hành vào ngày 6/7.
Nhiều người dân đảo Akishima bắt đầu di tản đến thành phố Kagoshima để lánh nạn. (Ảnh: Dazhi)
Vào ngày 5/7, sau khi trận động đất hơn 5 độ xảy ra, ông Ayaki Ebita, Trưởng phòng Giám sát Động đất và Sóng thần thuộc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, đã tổ chức họp báo khẩn.
Ông Ebita một lần nữa bác bỏ lời tiên tri về "cơn đại hồng thủy" của họa sĩ truyện tranh Ryo Tatsuki, khẳng định đó là tin đồn vô căn cứ và không có cơ sở khoa học. Ông cũng nhắc nhở người dân cần luôn sẵn sàng cho công tác phòng chống thiên tai bởi Nhật Bản trung bình có ít nhất 2.000 trận động đất mỗi năm.
Ông khẳng định với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay, việc dự đoán chính xác thời gian, quy mô và địa điểm của động đất là bất khả thi. Việc động đất xảy ra đúng ngày được nhắc đến trong truyện chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
"Về lời tiên tri trong truyện tranh, theo quan điểm khoa học hiện nay, việc dự đoán chính xác ngày giờ, địa điểm và quy mô của động đất là rất khó. Do đó, ngay cả khi động đất xảy ra một cách ngẫu nhiên, cũng không có cơ sở khoa học nào. Hơn nữa, Nhật Bản vốn là quốc gia thường xuyên xảy ra động đất. Vì vậy, tôi kêu gọi mọi người hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng chống thiên tai."
Ông giải thích thêm: "Thông thường, Nhật Bản có khoảng 2.000 trận động đất với cường độ từ 1 trở lên mỗi năm, thậm chí có năm lên tới hơn 6.000 trận, ví dụ như năm 2016 đã có 6.587 trận. Nếu động đất xảy ra thường xuyên, thì một ngày cũng có thể có hơn 10 trận. Nếu đưa ra dự đoán về động đất, đôi khi cũng có thể đoán trúng, nhưng vấn đề là điều này thiếu mối quan hệ nhân quả."
Tuy nhiên, những mối lo ngại về “siêu động đất” không phải không có cơ sở, khi chính phủ Nhật Bản ước tính khả năng xảy ra trận động đất trong vòng 30 năm tới lên tới 80%.
Chính phủ Nhật Bản đã đánh giá, một trận động đất như vậy có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với khoảng 300.000 người thiệt mạng và thiệt hại kinh tế lên tới 270 nghìn tỷ yên, cùng với hơn 2,35 triệu tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Chuyên gia địa chấn hàng đầu Hàn Quốc, Giáo sư Hong Tae-kyung (Đại học Yonsei), nhận định rằng một trận động đất lớn ở khu vực rãnh Nankai có khả năng "chắc chắn xảy ra" trong vòng 30 năm tới. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho Nhật Bản mà còn ảnh hưởng đến bán đảo Triều Tiên với độ rung lên đến 30 cm.
"Một tỷ lệ 80% là cực kỳ cao, nó có thể được hiểu như là sự kiện này chắc chắn sẽ xảy ra," Giáo sư Hong nói. "Trên cơ sở khoa học, tỷ lệ 80% trong vòng 30 năm có nghĩa là trận động đất có thể xảy ra ngay hôm nay, mặc dù điều đó không có nghĩa là nó chắc chắn sẽ xảy ra ngay."
Lo lắng càng gia tăng khi hơn 1.000 trận động đất đã xảy ra gần quần đảo Tokara kể từ cuối tháng 6. Theo số liệu, từ ngày 20/6 đã có 60 trận động đất với cường độ từ 4.0 độ richter trở lên trong bán kính 25 km, trong đó 7 trận có cường độ từ 5.0 độ richter. Mới đây nhất, một trận động đất mạnh 5.6 độ richter cũng đã xảy ra.
Trước bối cảnh đáng lo ngại về một thảm họa địa chất có thể đến bất cứ lúc nào, Nhật Bản và cả những nước lân cận đang phải hết sức cảnh giác và chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Nguồn: ETToday, NHK, MK