Bạn nghĩ gì khi nghe tới 2 từ tiết kiệm? Phải chăng câu trả lời đầu tiên bật ra trong tâm trí bạn chính là "không vung tiền qua cửa sổ, không mua sắm linh tinh bừa phứa"?
Phần lớn chúng ta đều mặc định việc siết chặt chi tiêu với thói quen tiết kiệm nhưng đây là cách tư duy có phần chưa đúng lắm. Văn Quân - Một người phụ nữ chuẩn bị bước sang tuổi 40 khẳng định: "Tăng thu giảm chi chỉ là một thói quen rất nhỏ của lối sống tiết kiệm mà thôi".
Sau đó, "bà chị" U40 này đã chia sẻ 5 bài học mà bản thân đã ngộ ra sau 10 năm duy trì lối sống tiết kiệm.
"Đã bao lâu rồi bạn chưa đi học?" - Văn Quân đặt ra câu hỏi. Sau khi tốt nghiệp Đại học và tham gia vào thị trường lao động, nhiều người trẻ có xu hướng thở phào vì cuối cùng cũng thoát cảnh vục mặt vào sách vở, chong đèn tới tận canh ba để ôn thi.
"Nếu bạn để sự nghiệp học tập của mình kết thúc ngay sau khi rời khỏi giảng đường, đó sẽ trở thành một mối họa, đe dọa sự nghiệp cùng khả năng kiếm tiền của bạn về lâu về dài. Chúng ta đang sống thời đại mà AI có thể viết văn, robot có thể chạy bàn. Trước đây, có lẽ chẳng ai tin được điều này nhưng hiện tại, nó đã thực sự xảy ra.
Nói vậy để bạn hiểu rằng việc đầu tư, trau dồi và phát triển kỹ năng trong công việc là vô cùng quan trọng. Đừng tiếc một khóa học trị giá tiền triệu, thậm chí là chục triệu nếu bạn cảm thấy nó thực sự hữu ích, có giá trị" - Văn Quân giải thích, không quên khẳng định muốn có tiền để tiết kiệm, trước tiên, chúng ta cần phải có khả năng kiếm tiền!
"Khi đã bước qua tuổi 30, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sự sa sút của sức khỏe. Một cơn mưa bất chợt cũng có thể khiến đầu bạn đau như búa bổ suốt cả ngày" là lời tự thú của Văn Quân.
Giống nhiều bạn trẻ ở độ tuổi đôi mươi, Văn Quân cũng từng là cô gái có thể thức đến 2h sáng để cày phim, đôi khi là làm việc hoặc tham gia những buổi tiệc tùng cùng chúng bạn mà cả ngày hôm sau vẫn khỏe re.
Bào sức để kiếm tiền, dùng số tiền đó để chi tiêu cho những mục đích cá nhân là thói quen của nhiều người trẻ. Văn Quân cũng từng như vậy và cô đã phải chi bội tiền để chữa bệnh đau dạ dày do sinh hoạt thiếu điều độ cùng căng thẳng trong thời gian dài.
"Đừng đợi tới khi cơ thể cầu cứu mới chịu dành sự quan tâm tới sức khỏe. Nếu không ngủ đủ giấc, không ăn đủ bữa, không tập thể dục mỗi ngày, bạn có thể sẽ phải chi tiền triệu cho bệnh viện ở độ tuổi ngoài 30" - Văn Quân chia sẻ.
Một ngày chỉ có 24 giờ, nhưng có người có thể làm tới 3 công việc cùng lúc, đồng nghĩa với việc có 3 nguồn thu nhập; nhưng cũng có người chỉ làm 1 công việc, chỉ có 1 nguồn thu mà vẫn kêu than "thiếu ngủ, chẳng có thời gian vui chơi".
Đâu là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa 2 nhóm người này? Câu trả lời rất đơn giản: Khả năng quản lý thời gian!
"Bạn có thể cày phim tới 2h sáng và ngủ đến 8h, thậm chí là 10h sáng rồi bạn thở dài thườn thượt vì thiếu ngủ, vì làm mãi chẳng hết việc? Thử nghĩ xem, nếu bạn đi ngủ từ 11 giờ đêm và thức dậy lúc 6h sáng, bạn không chỉ ngủ đủ giấc mà còn có thêm 2 hoặc 4 tiếng để làm việc.
Quản lý được thời gian đồng nghĩa với việc tăng chất lượng công việc và cả chất lượng sống. Cứ ngẫm mà xem!" - Văn Quân khẳng định chắc nịch.
Có một câu thoại trong bộ phim The Dark Knight (2008) mà Văn Quân vô cùng tâm đắc: "Khi bạn giỏi một thứ gì đó, đừng bao giờ làm nó miễn phí".
"Hãy học cách nói không với việc lãng phí sức lực của mình cho những công việc mà đáng ra bạn phải được trả công khi làm, nhưng vì cả nể nên bạn lại tặc lưỡi đồng ý giúp không công" - Văn Quân chia sẻ.
Một chiếc áo tiền triệu mà có thể mặc tới 5 năm vẫn không mất form, không bai nhão thực ra lại rẻ hơn một chiếc áo vài chục, vài trăm đồng nhưng chỉ mặc được vài tháng đã "hỏng".
Văn Quân đưa ra ví dụ này để truyền tải thông điệp: "Đừng chỉ nhìn vào giá tiền mà quên đi chất lượng khi mua sắm, dù món đồ bạn chọn bỏ vào túi là gì đi nữa". Đương nhiên, bà chị U40 cũng không quên nhắn nhủ người trẻ không nên sa đà vào việc tiêu tiền để mua niềm vui.
"20-30 là độ tuổi tuyệt đẹp, bạn vừa có nhiều thời gian, vừa có nhiều sức khỏe. Vì thế, đừng phung phí cho những hoạt động không có chủ đích, không có giá trị lâu dài. Học cách quản lý thời gian, đầu tư cho sức khỏe, trau dồi và phát triển khả năng kiếm tiền, dùng sức lao động của mình đúng nơi đúng chỗ mới là lối sống tiết kiệm đích thực mà bạn nên hướng tới, duy trì lâu dài".
Theo Toutiao