Một thế hệ “người trẻ nghèo” vì nuông chiều bản thân, ưu tiên trải nghiệm hơn tiết kiệm?

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ mới 20:00 14/12/2023
Chia sẻ

Ranh giới giữa yêu thương bản thân - nuông chiều bản thân, trải nghiệm ý nghĩa - trải nghiệm bào mòn ví tiền, thực ra rất mong manh.

"Ta chỉ sống một lần trong đời, suy nghĩ lắm chi em ơi" hay "cứ sai đi vì cuộc đời cho phép" là một trong những châm ngôn sống của không ít bạn trẻ. Nhân danh tuổi trẻ với khối tài sản vô biên là thời gian, họ cho phép bản thân được làm những điều mình thích, ngay cả khi những đầu mục ấy bào mòn khả năng tiết kiệm, hoặc tệ hơn là gây ra tình trạng chi nhiều hơn thu?

Dành hơn 70% thu nhập/tháng để "có chỗ ngủ thoải mái", tự tin rong chơi dù chẳng có đồng nào dắt túi

Tôi có hai đứa em, một đứa vừa mới ra trường, một đứa đã "bán thân cho tư bản" được gần 4 năm. Chúng đều còn trẻ, đều dư giả thời gian và ham muốn được đi đây đi đó, trải nghiệm thế giới ngoài kia vẫn còn mãnh liệt lắm.

Cuối năm, chúng tôi tụ tập, kể về một năm đã qua.

Một đứa khoe "11 tháng vừa qua, tháng nào em cũng đi chơi, còn xuất ngoại hẳn 2 chuyến để đu idol, tiện thể du lịch luôn".

Một đứa thì kể "việc đầu tiên em làm sau khi ra trường, kiếm được việc là thuê nhà ở riêng, 4 năm Đại học ở chung trọ với bạn, nhiều lúc phát điên". Mức lương của cô em mới ra trường này chỉ 7 con số nhưng em vẫn thấy xứng đáng khi tiền thuê nhà cùng giá dịch vụ mỗi tháng lên tới 5 triệu rưỡi.

Một thế hệ “người trẻ nghèo” vì nuông chiều bản thân, ưu tiên trải nghiệm hơn tiết kiệm? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bà chị già đã bước sang tuổi U40 là tôi đây, nghe hai đứa em mình tổng kết năm mà thấy có chút chạnh lòng. Cả năm qua tôi sấp mặt làm việc, ăn không dám ăn, chơi không dám chơi mà khoản tiền tiết kiệm được có khi còn chưa bằng 2 chuyến xuất ngoại của em mình. Thành thật trút nỗi hổ thẹn với 2 cô em, rồi tôi đánh tiếng hỏi chúng nó chắc năm qua kiếm chác khá lắm mới tự tin đi đây đi đó, dùng hơn 70% tiền lương chỉ để có chỗ ăn chỗ ngủ như ý.

"Kiếm thì cũng không được mấy. Thi thoảng cuối tháng, em vẫn phải về xin bố mẹ 2-3 triệu mới đủ ấy chứ" là câu trả lời tôi nhận được.

Những gì 2 cô em tôi kể chợt làm tôi nhớ đến câu nói "đừng dạy người giàu cách tiêu tiền". Tụi trẻ như hai đứa em tôi có thể chưa giàu, bố mẹ chúng có thể cũng thế, chỉ gọi là đủ sống. Nhưng còn trẻ, còn non nớt là một đặc quyền mà.

Khi bạn còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, đồng nghĩa với chưa đủ giỏi để deal được mức lương "đủ sống, đủ chi tiêu", bạn có quyền được dựa vào gia đình. Bố mẹ nào mà chẳng thương con, thấy con đi làm không đủ sống, chưa cần mở miệng xin có khi các cụ đã chủ động dúi tiền vào tay.

"Em mới bị sốt xuất huyết tí nữa thì toi, nằm viện mất 10 ngày liền. Viện phí hết gần chục triệu đấy, bố mẹ em lo hết chứ em làm gì có đồng nào" - Cô em đã đi làm gần 4 năm kể, thở dài thườn thượt vì 10 ngày nằm viện làm em phải hủy chuyến đi Đà Lạt với người yêu.

Yêu thương bản thân, ưu tiên trải nghiệm bao nhiêu là đủ?

Ở trên mạng, người ta bảo "yêu thương bản thân không bao giờ là thừa", "đầu tư cho bản thân không bao giờ là lỗ vốn". Thành thật mà nói, tôi vẫn luôn cảm thấy những lời cổ vũ này cứ sáo rỗng làm sao.

Một thế hệ “người trẻ nghèo” vì nuông chiều bản thân, ưu tiên trải nghiệm hơn tiết kiệm? - Ảnh 2.

Vì yêu thương bản thân nên cô em tôi mới dành 5 triệu rưỡi để thuê nhà dù lương còn chưa được chục triệu. Vì muốn đầu tư cho bản thân một vốn sống phong phú, nên cô em tôi mới đi du lịch mỗi tháng một lần. Tất cả những quyết định này có được gọi là yêu thương, là đầu tư cho bản thân không? Chắc chắn là có rồi! 

Câu hỏi cần đặt ra ở đây không phải là đúng hay sai, là có nghĩa hay vô nghĩa, mà chính là có hay không một giới hạn cho tình yêu thương bản thân, cho việc ưu tiên tăng trải nghiệm, làm dày vốn sống? Người ta chẳng bảo cái gì quá cũng không tốt đấy thôi.

Tôi đã hỏi hai đứa em mình câu này, bạn biết chúng nói sao không? 

"Tại chị già rồi nên chị nghĩ lắm quá đấy. Yolo đi không mấy nữa có chồng có con vào lại giá như, lại ước…"

Tôi đứng hình, vì chúng nói có phần đúng.

Có lẽ, ở mỗi độ tuổi, người ta sẽ có những ưu tiên khác nhau về chuyện tiền bạc. Tôi đương nhiên không thể tự tin vung tiền không cần nghĩ, vì già rồi, chẳng may lăn ra ốm một trận mà phải xin bố mẹ tiền viện phí, hoặc tiền ăn nếu không may thất nghiệp, có phải là nhục không? Với câu hỏi này, nếu đã trưởng thành cả về mặt suy nghĩ lần tuổi tác, tôi tin không ai có thể đưa ra một câu phủ định.

Lần đầu tiên trong suốt hơn 30 năm cuộc đời, sau buổi cà phê cuối năm với 2 đứa em này, tôi mới thấm thía câu nói "trẻ là một đặc quyền". Tôi cũng đã từng trẻ, cũng từng bước qua tuổi 20, 25 như chúng, nhưng vì chẳng thể và cũng chẳng muốn dựa vào bố mẹ quá nhiều, nên tuổi trẻ của tôi có phần nghèo nàn.

Trên đường về nhà, tôi tự hỏi mình có gì hơn chúng không nhỉ? Tôi tìm được 2 đáp án: Một là tuổi tác, một là tiền tiết kiệm. Rồi tự nhiên, tôi bật cười… vì thấy mình "mean" quá.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày