Lần đầu tiên sang Singapore, tôi những tưởng mình sẽ có thể giao tiếp thoải mái với mọi người ở đây với vốn tiếng Anh đủ dùng. Tuy nhiên, mọi chuyện không suôn sẻ như vậy; không phải vì tiếng Anh của tôi tệ, chỉ đơn giản nhiều người Singapore, nhất là người lớn tuổi đôi khi chèn thêm cả tiếng Trung vào câu nói. Cũng may, ngôn ngữ không chỉ dừng ở lời nói, ở Singapore một thời gian, tôi cũng biết xoay sở với ngôn ngữ cơ thể cho phù hợp.
Nếu trở lại cách đây vài chục năm ở Singapore, khi các chương trình ngôn ngữ tiếng Anh được đưa vào bắt buộc, cũng sẽ có nhiều người cười khi bắt đầu có ai đó chèn các từ tiếng Anh vào trong câu nói - thậm chí là những từ được cho là không cần thiết. Mọi thứ thay đổi, tiếng Anh trở thành 1 phần của cuộc sống - nhưng không phải ai cũng sử dụng nó một cách lưu loát. Việc người Singapore giao tiếp với nhau trong đời sống có lỡ sử dụng cả tiếng Bahasa hay tiếng Hoa trong một câu - trở thành chuyện bình thường.
Ghé sang đất nước Philippines, người Philippines thường có thói quen sử dụng tiếng Anh cùng Tagalog - ngôn ngữ phổ biến ở đất nước này. Trong một đoạn video thử nghiệm trên đường phố thủ đô Manila tôi từng được xem, những người phỏng vấn đã khiến khán giả ngạc nhiên khi rút ra một kết luận: Gần như không có người Philippines trẻ nào được phỏng vấn trong cuộc thử nghiệm đó có thể nói một câu Tagalog hoàn chỉnh mà không chêm vài từ tiếng Anh.
Ngôn ngữ có tính tiếp biến và thay đổi. Những cư dân mạng đang cười chọc, thậm chí là miệt thị cô gái với đoạn video sử dụng cả tiếng Anh xen tiếng Việt sẽ nghĩ sao khi nhìn lại câu chuyện này sau 20 năm nữa? Việc nói cả tiếng bản địa và tiếng Anh trong cùng một câu là điều bình thường ở mọi nơi. Từ vài bình luận đùa vui bình thường bỗng hóa thành những lời xúc phạm "nâng cao vấn đề" lạ lùng khó hiểu. Kiểu như:
"Về mua từ điển tiếng Việt cho sõi đi rồi hẵng nói chuyện nhé em ơi.
"Bày đặt hơn người à? Có tí tiếng Anh thôi mà làm gì căng".
Lại một lần nữa, câu chuyện tiếng Anh xen tiếng Việt lại nổ ra một cuộc tranh cãi lớn như vậy. Những người không giỏi tiếng Anh coi đó như một sự "thể hiện" - Facebook bỗng thành một lớp học nhỏ với những người bạn ganh ghét nhau. Những người giỏi tiếng Anh hơn nghĩ rằng cô ta là một kẻ hợm hĩnh - "tao giỏi như này còn chưa khoe thì thôi, nói thế có gì mà hay".
Vượt ngoài một cuộc tranh luận về ngôn ngữ, câu chuyện “tiếng Anh tiếng Việt” không còn là việc ai đó đi tìm “chuẩn mực ngôn ngữ”, nhiều người cốt chỉ kiếm cái để chửi, vì việc sử dụng “lai căng” và thái độ của Giang Coco. Không ai tự hỏi liệu đó có phải một thói quen của nhân vật chính trong đoạn video ấy hay có lý do cho việc sử dụng ngôn ngữ như vậy.
Mải miết trong cuộc tranh luận, dường như nhiều người đã bỏ quên mất một điều quan trọng: Lời nói nhằm truyền đạt một thông điệp, ý tưởng hay nội dung cụ thể. Cách sử dụng ngôn ngữ cũng thể hiện một phần mỗi người. Ai đó gán cho cô gái “làm màu”, một vài bình luận nói là “tự tin thái quá”, rồi thì “khoe mẽ, bày đặt”.... mà quên đi rằng: Cô gái đã có một cuộc hội thoại thành công với người bạn của mình. Ngôn ngữ - ở đây, đã làm đúng việc của nó.
Tôi vẫn nhớ câu chuyện về ngôn ngữ của nhà văn đạt giải Pulitzer - Nguyễn Thanh Việt. Một từ “ơi” như chất chứa nhiều ý nghĩa, một từ thực sự rất “Việt Nam”. Ngôn ngữ kể câu chuyện của văn hóa và con người, tiếng Việt cũng không nằm ngoài đó. Những “thương, ơi, dạ, vâng” đã đi cùng chúng tôi trong hành trình ngôn ngữ, từ lúc bi bô tập nói tới khi viết những dòng này. Tiếng Việt giàu đẹp, thơ ca vẫn thường nói vậy; như ai đó dệt lên bức tranh chỉ bằng một đường thoi, có những lời nói truyền đạt bao lời ý nhị.
Vậy thì sao? Vậy có gì đáng trách cô gái sử dụng cả tiếng Anh với tiếng Việt trong câu như vậy không?
Không, hoàn toàn không. Chỉ tiếc một điều rằng, nếu người tiếp nhận không thấy được hàm ý hay câu chuyện đằng sau những từ tiếng Anh, cuộc trò chuyện ấy sẽ không đạt được mục đích. Đừng đặt những thứ phán xét hay luật lệ vào chuẩn mực của một cuộc nói chuyện thông thường. Miễn nội dung đến được với hai người một cách tự nhiên, thoải mái nhất, hai người hiểu nhau, tôi tin đó là một cuộc hội thoại thành công.
Chúng ta trân quý tiếng Việt trong giao tiếp vì nó như gửi gắm cả nội dung, tâm tư, tình cảm người nghe trong đó. Nếu ai đó dùng tiếng Anh và họ tin rằng, cuộc nói chuyện vẫn đầy ắp điều họ cần trao gửi, hãy tôn trọng điều đó.
Tôi hiểu cảm giác của người nghe khi bị chêm những từ tiếng Anh trong một câu tiếng Việt: hụt hẫng về ngữ điệu, cảm xúc thay đổi và nhịp độ trôi chảy của lời nói. Lời nói như một chiếc áo, bao bọc ngoài ý tứ nội hàm bên trong. Chúng ta yêu thích một tấm áo đẹp, một vẻ ngoài ấn tượng nhưng điều cốt yếu đọng lại không phải một nội dung tử tế hay thông điệp được truyền đi trọn vẹn hay sao?
Tiến sĩ Lê Duy Loan luôn khiến người xem bồi hồi với câu chuyện "Tôi yêu quê hương tôi từ khi mới thành người" - một bài nói có những câu tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt. Bạn có thể nói vi bà đã lớn lên tại nước ngoài nhiều năm, nhưng hãy tạm bỏ qua lý do khi cũng không ai rõ câu chuyện của cô gái kia nữa. Điều quan trọng là ở cách thể hiện - đó là một câu chuyện song ngữ, giản dị và mộc mạc trong cả tiếng Việt và tiếng Anh. Không ai nhớ gì về vài từ tiếng Anh, họ chỉ thấy tinh thần dân tộc và niềm tự hào trong từng câu nói của người phụ nữ Mỹ gốc Việt tài giỏi. Còn những người nói tiếng Việt "chuẩn", họ ở đâu và nói gì?
Họ xuất hiện trong bình luận ở mỗi phần video, sử dụng những từ Hán việt cao siêu, viết cho thật chuẩn không sai dấu chấm phẩy, văn phong đậm mùi khích bác chỉ trích. Đằng sau những câu tiếng Việt tưởng chừng như chuẩn chỉ ấy là những kẻ bắt nạt giấu mặt. Bạn có thể thấy cách nói của cô ấy buồn cười, nhưng đó không phải thứ đáng khinh, đáng chỉ trích, châm chọc.
Hay những người đang miệt thị, chì chiết cô gái ấy bằng những lời tục tĩu, bậy bạ... liệu họ có phải là những người văn minh khi sử dụng những từ ngữ xấu xí nhất để tấn công một cô gái? Tiếng Anh, tiếng Việt lúc này chẳng còn quan trọng bằng việc ngôn ngữ được dùng để hạ thấp và bôi nhọ một ai đó. Tiếng Việt xấu xí nhất không phải khi được nói sai hay viết sai, đó là khi nó được sử dụng như một thứ vũ khí để tấn công người khác.
Thầy giáo dạy ngôn ngữ của chúng tôi luôn nói: “Thứ các em chê cười bây giờ có ngày sẽ được đưa vào văn chương của thế hệ con cháu”. Ngôn ngữ có thể vậy, nhưng những lời miệt thị, công kích và sự xấu xí của đám đông, hàng chục năm sau cũng vẫn là những điều đáng bị chỉ trích. Bài học vỡ lòng đi cùng tiếng Việt là tình yêu con người, sự bao dung và tôn trọng; lấy một chút sách vở chữ nghĩa ra để miệt thị người khác cũng không làm ai đó trở thành người yêu tiếng Việt hơn.
Tiếng Anh hay tiếng Việt, nói tiếng gì đi nữa cũng cần sự tử tế, văn minh.