Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển bậc nhất châu Á với trình độ và thu nhập của người dân đều thuộc hàng khá cao. Thế nhưng, tư tưởng của người dân xứ sở kim chi được cho là vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ Nho giáo, phong kiến. Bằng chứng trọng nam khinh nữ luôn là vấn đề gây nhức nhối của xã hội nước này. Những năm gần đây, phong trào chiến đấu vì nữ quyền ở Hàn Quốc ngày càng nhiều. Phụ nữ nước này đang từng bước nỗ lực đòi công bằng, bình đẳng giới dù cuộc chiến này có vẻ vẫn còn là một con đường rất dài mà họ phải đi.
Thời gian qua, phụ nữ Hàn Quốc đã tổ chức rất nhiều cuộc biểu tình đòi công bằng cho nữ giới.
Mới đây, trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc nhận được rất nhiều sự quan tâm nhờ một loạt các tuyên ngôn nhấn mạnh nữ quyền sáng rực ở khu vực ký túc xá. Được biết, các sinh viên đã nhân dịp kỷ niệm trường mà thể hiện sự ủng hộ dành cho phong trào đấu tranh đòi công bằng cho nữ giới. Mỗi tuyên ngôn một ý nghĩa nhưng hầu hết đều đánh thẳng vào tâm lý những người từng xem thường phụ nữ và đối xử bất công với họ.
"Chúng ta tất cả đều phải ủng hộ nữ quyền".
"Bạn phân biệt giới tính tôi, tôi sẽ thể hiện nữ quyền với bạn."
"Chủ nghĩa nữ quyền: Khái niệm tiên tiến cho rằng con gái cũng là con người".
"Tôi không có bạn trai, tôi thích con gái".
"Cơ thể tôi, sự lựa chọn của tôi". Hàn Quốc có quá nhiều luật lệ bất thành văn dành cho phụ nữ, đơn cử như ra đường phải trang điểm.
"Trái nghĩa của khuyết tật không phải là người bình thường mà chỉ là người không khuyết tật mà thôi". Tuyên ngôn mang tính ẩn dụ rằng người bình thường cũng có thể bị khiếm khuyết về mặt tư tưởng.
"Một câu tỏ ra không quan tâm cũng dẫn đến bạo lực".
"Sự gia tăng về nhân quyền của phụ nữ không đồng nghĩa với sự thuyên giảm nhân quyền của đàn ông". Nữ quyền không phải hạ thấp đàn ông, chỉ muốn mọi người tôn trọng nữ giới.
"Chúng tôi không phải là hoa". Một câu khẳng định phản biện lại những lời lẽ bình phẩm về phụ nữ khiếm nhã.
Dưới bài đăng trên trang Instiz, hầu hết cư dân mạng đều vỗ tay tán dương ý tưởng độc đáo và sáng tạo của sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc. Có người đang đi trên đường còn phải dừng xe lại để đọc chúng.
Một trong những nguyên nhân khiến phong trào nữ quyền dấy lên ở Hàn Quốc liên quan đến một vụ việc gần đây xảy ra tại phường Daerim, quận Yeongdeungpo, Seoul. Theo đó, 1 cảnh sát nam và 1 cảnh sát nữ tiến hành giải quyết 2 người đàn ông trung niên đang gây rối ở 1 quán rượu. Sau khi khống chế một người, cảnh sát nam giao lại cho cảnh sát nữ để bắt giữ tên còn lại. Thế nhưng, cảnh sát nữ vì quá yếu nên không lại người đàn ông kia và phải nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
Sau khi đoạn clip về vụ việc được chia sẻ, rất đông cư dân mạng lao vào chỉ trích nữ cảnh sát vô dụng và chuyển hướng sang phân biệt giới tính. Bên cạnh đó, cũng có không ít bình luận khẳng định không có ý kỳ thị nữ giới nhưng chỉ ra thực tế rằng nữ cảnh sát kia là phái yếu nên không thể khống chế tội phạm, không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ người dân mà còn phải cầu cứu người dân bảo vệ lại mình. Vụ việc một lần nữa thổi bùng lên phong trào nữ quyền vốn đã và đang gây xôn xao xã hội Hàn.
(Nguồn: Instiz)