Tiến sĩ Juli Fraga, nhà tâm lý học tâm lý học với gần 20 năm kinh nghiệm, nhận thấy rằng trẻ có “ý chí cảm xúc” vững vàng thường có một điểm chung: Cha mẹ của những đứa trẻ này đều biết cách quản lý cảm xúc của bản thân.
Cha mẹ nuôi dạy những đứa trẻ kiên cường và có EQ cao thường làm tốt 4 điều sau. Càng rèn luyện những kỹ năng này, bạn càng dễ truyền đạt chúng cho con cái.
1. Họ nhận biét và tôn trọng cảm xúc của chính mình
Những bậc cha mẹ vững vàng về cảm xúc hiểu rằng cảm xúc không nên bị phớt lờ hay kìm nén. Điều giúp xoa dịu cảm xúc tiêu cực chính là việc gọi tên từng cảm xúc. Cũng như cách chúng ta hướng dẫn trẻ nhỏ “dùng lời nói”, người lớn cũng có thể thực hành điều này. Hãy bắt đầu bằng cách tự nhủ: “Ngay lúc này, tôi cảm thấy…” và điền vào chỗ trống.
Việc gọi tên cảm xúc chính là cách công nhận và trân trọng những gì ta đang trải qua. Chỉ khi đó, bạn mới có thể tìm ra cách để cải thiện tình trạng hoặc lên tiếng bảo vệ bản thân. Ví dụ, nếu bạn đang giận dữ, có thể bạn cần thiết lập một ranh giới. Nếu bạn đang lo lắng, có thể một cuộc trò chuyện với bạn bè hoặc đi bộ thư giãn sẽ giúp ích.
Khi cha mẹ biết cách đối diện và xử lý cảm xúc, trẻ sẽ học được rằng cảm xúc là một phần không thể thiếu của cuộc sống, quan trọng không kém gì giấc ngủ hay vận động.
Ảnh minh hoạ.
2. Họ biết cách điều tiết cảm xúc của chính mình
Bạn đã bao giờ nhận ra rằng, chỉ cần xem một bộ phim kinh dị thôi cũng có thể khiến bạn thấy sợ hãi? Đó là vì cảm xúc có tính lan truyền. Nếu nỗi sợ của một nhân vật hư cấu có thể lan qua màn hình và ảnh hưởng đến người lớn, thì sự căng thẳng, lo âu của cha mẹ chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến con cái. Vì vậy, cha mẹ cần biết cách điều chỉnh cảm xúc của chính mình để giảm thiểu tác động tiêu cực lên con trẻ.
Việc kiểm soát cảm xúc bắt đầu từ việc lắng nghe cơ thể. Hãy nhớ rằng, bạn cần trải nghiệm cảm xúc của mình để có thể xử lý và điều tiết chúng. Tuy nhiên, đôi khi điều tốt nhất là cho bản thân thời gian để bình tĩnh lại thay vì thể hiện cảm xúc dữ dội khi chúng đang lên đến đỉnh điểm. Nhờ đó, bạn sẽ không để cảm xúc chi phối hành vi và ít có nguy cơ vô tình thể hiện những cảm xúc khiến con cảm thấy tổn thương.
3. Họ không gán nhãn cảm xúc là “tốt” hay “xấu”
Chúng ta thường có thói quen phân loại cảm xúc dựa vào cảm giác mà chúng mang lại, ví dụ như hạnh phúc thường được xem là cảm xúc “tốt”, còn tức giận thì bị cho là “không tốt”. Nỗi buồn cho ta biết có điều gì đó cần tiếc nuối. Nỗi sợ cảnh báo ta về nguy hiểm. Sự hào hứng khiến ta muốn ăn mừng. Và cảm giác tội lỗi lành mạnh giúp ta đối xử tử tế hơn với mọi người.
Hãy quan sát cảm xúc của mình, dưới đây là hai câu nói có thể giúp bạn định hướng suy nghĩ: “Không cần phán xét cảm xúc mình đang có lúc này” hay “À, lại là cảm giác ấy. Mình biết rồi, nó sẽ qua thôi”.
Khi cha mẹ không phán xét cảm xúc của bản thân, họ cũng sẽ ít có xu hướng phán xét cảm xúc của con cái hơn.
Ảnh minh hoạ.
4. Họ thường xuyên tự nhìn lại chính mình
Với tư cách là một nhà tâm lý học tập trung vào cảm xúc, tiến sĩ Juli Fraga cho rằng, đời sống cảm xúc của chúng ta được định hình bởi hiện tại, nhưng lại bắt nguồn từ quá khứ.
Cách mà cha mẹ của chúng ta đã đối xử với cảm xúc của chúng ta thời thơ ấu vô cùng quan trọng. Nếu cảm xúc của chúng ta từng bị gạt đi, bị làm cho xấu hổ, chúng ta sẽ học cách né tránh một số cảm xúc nhất định, thường là tức giận, buồn bã hay sợ hãi, hoặc tự trách bản thân vì đã có những cảm xúc ấy.
Nếu bạn đang gặp khó khăn khi đối diện với một cảm xúc nào đó, việc tự phản tỉnh có thể giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân. Hãy thử đặt ra hai câu hỏi sau: “Lúc nhỏ, cha mẹ mình đã phản ứng thế nào khi mình cảm thấy như vậy?” hay “Giờ đây, mình muốn đối xử khác đi như thế nào với con mình?”.
Những câu hỏi này sẽ giúp bạn phá vỡ những khuôn mẫu cũ từng gây tổn thương, ngăn bạn lặp lại những sai lầm đó. Chỉ cần nhận thức được điều bạn muốn thay đổi, bạn đã có thêm sức mạnh để thực hiện nó.
Cha mẹ biết tự soi chiếu cảm xúc của mình, cũng đang dạy con cách làm điều tương tự. Giống như việc dạy con cách cư xử đúng mực, trẻ học bằng cách quan sát hành động của cha mẹ, chứ không chỉ lắng nghe những điều cha mẹ nói.
Theo CNBC