Phải lái xe ba vòng tới lui trên con đường Lê Quang Định tấp nập mới thấy đường nhánh nhỏ Hồ Xuân Hương để chạy sâu vào trong, tìm được tiệm bánh mì cô Lành. Cách tiệm phía trước tầm 5 mét, khói nướng thịt đã bay thơm nghi ngút, lại gần, tiệm bánh mì khá đông khách dựng xe đứng chờ.
Được biết, tiệm bánh mì cô Lành dẫu nằm trong con đường nhỏ khuất biển hiệu nhưng hễ vừa mở bán là có khách ghé. Tiệm phải bán chia làm hai ca, ca sáng từ 6h-12h trưa, sau đó lúi húi chuẩn bị mẻ nhân mới, kịp đón khách ca chiều từ 15h-19h tối.
Bánh mì Việt Nam khác với bánh mì Pháp chỗ lớn nhất là có rất nhiều loại nhân và cách ăn khác nhau. Chỉ tính riêng ở TP.HCM cũng đã có hàng trăm loại bánh mì từ chả cá, pa-tê, thịt nguội cho đến ốp la, phá lấu hay gà nướng…
Thế nhưng, bánh mì ''nhân cơm tấm'' có ai từng nghe qua bao giờ hay hình dung ra sao khi hai món tưởng chừng không liên quan này kết hợp với nhau? Ở tiệm bánh mì cô Lành đã bán hơn 7 năm, hầu hết thực khách khi tới nếu nhìn vào các món bài trí trong tủ kính đều từng lầm tưởng là hàng cơm tấm chứ không phải bánh mì vì thấy các món xíu mại trứng muối, cá kho, thịt nướng, bì thính, mỡ hành...
Ổ bánh mì thập cẩm tại tiệm cô Lành gây hứng thú kéo nhiều thực khách vì "giao diện" nhân bên trong rất giống topping trong dĩa cơm tấm thường thấy. Trong ổ bánh mì sẽ có thịt nướng, bì, xíu mại, trứng, đồ chua là cải trắng và cà rốt, còn thêm chút mỡ hành bên trên cả rưới mắm ớt pha chua ngọt. Tuy nhiên khác ở chỗ, thịt nướng được cô Lành chuyển sang miếng thịt bò nướng, trứng sẽ là trứng muối kèm trên viên xíu mại.
Bánh mì thập cẩm (36.000đ) dồn nhân bên trong có "ngoại hình" lẫn vị giống như "topping cơm tấm"
"Thực ra mọi người bây giờ thấy bánh mì bì, bánh mì xíu mại viên, bánh mì thịt bò nướng lạ nhưng đây là loại bánh mì truyền thống, từng quen thuộc lắm. Hồi xưa ông bà mình dùng mấy món này kẹp làm nhân đó nhưng giờ bị bỏ quên. Cô Lành mở tiệm bán bánh mì là chọn ngay mấy món cũ này để nấu bán luôn, một phần là cô quen với loại bánh mì này rồi, hai là cô muốn nhắc lại, giữ lại loại bánh mì này để mọi người còn thưởng thức".
Cô Lành (52 tuổi) kể bà nội cô thời trước có tiệm cơm, bán cơm có món xíu mại, cô được ăn nhớ vị nên chắc có lẽ bây giờ làm xíu mại bán bánh mì cũng có vị hao hao.
Điều để khách hàng biết đến là cái biệt danh "bánh mì nhân cơm tấm" nhưng điều để giữ chân khách quen bao nhiêu năm qua chính vì vị "độc quyền" của viên xíu mại trứng muối và thịt bò nướng. Rất nhiều người ghé đến mua riêng ổ bánh mì xíu mại trứng muối hoặc bánh mì bò nướng. "Mỗi buổi cô bán khoảng 12kg thịt bò, hơn 10kg thịt heo, bánh mì lấy ở lò khoảng 5-6 đợt. Rất nhiều người sẽ mua riêng xíu mại trứng muối, bò nướng về nhậu hoặc ăn cơm''.
Đến vào tầm 3h chiều, trời còn ngả nắng gắt nhưng trước tiệm cô Lành cứ 10 phút là một đợt khách, có người đợi mua 3-4 ổ một lần, có tài xế chờ nhận đơn đến chục ổ bánh.
Anh Trường (30 tuổi, Tân Bình) cho biết: "Vì đến tiệm bánh mì phải hơn 30 phút nên buổi sáng đi làm gấp gáp mình không ăn được, mình thường đến đây mua bánh mì ca chiều nếu hôm nào làm về sớm, hoặc cuối tuần có thời gian như hôm nay thì chạy qua.
Mình biết được tiệm bánh mì là do cách đây mấy năm công ty cũ gần chỗ này, ăn quen nên ghiền, thèm lắm nên bây giờ ở xa thi thoảng vẫn cố cất công đi mua. Bánh mì ở đây ngon thứ nhất là do nhân lạ, quanh khu vực chỗ làm với chỗ ở của mình không có bán. Thứ hai là vị thịt ướp rất ngon, vừa miệng, lúc nào cũng nóng hổi. Vỏ bánh mì ăn cũng chất lượng, giòn vừa phải cắn vào không bị rơi vụn nhiều hay khô quá như mấy chỗ khác''.
Một chị khách kiên nhẫn chờ đến lượt mình sau đơn hàng khá nhiều ổ của shipper cũng chia sẻ, bánh mì tiệm cô Lành khó tìm được ở nơi khác, nên tốn công đi một chút mà ăn cho thoả mãn cũng không sao.
Các nhân bánh mì một mình cô Lành sẽ làm hết, từ đi chợ chọn mua nguyên liệu, sơ chế, ướp gia vị đến nấu nướng. "Làm số lượng nhiều cực thì cực, nhưng mình phải ráng để giữ được đúng cái vị ngon cho khách, vì bánh mì quan trọng nhất là mùi vị phần nhân bên trong mà, cũng khó mà giao cho ai được''.
"Bán đông khách thì vui nhưng bào mòn nhan sắc vì quá vất vả!".
"Cô Lành 52 tuổi nhưng nhìn già hơn đúng không, bán bánh mì làm cô tàn tạ luôn đó''.
"Bán bánh mì này cực lắm con ơi, phải có đam mê, hồi xưa cô Lành đẹp lắm đó, bây giờ nhìn cô Lành hổng ra".
Cô Lành vừa chăm chú nướng thịt cho đúng lửa vừa lặp đi lặp lại một ý. Dù là câu nói đùa, nhưng nghe biết được cô Lành thích "đẹp", nhưng so ra đam mê bán bánh mì thịt nướng, xíu mại trứng muối lại nhiều hơn. Nên cô Lành khi vừa bán bánh mì mới chọn loại nhân cực đến vậy, và bỏ cái tâm vào rất nhiều thì hương vị mới ngon đến vậy.
"Mỗi ngày cô Lành dậy từ 4h sáng để đích thân đi chợ, rồi làm tới chiều tối vì mấy món này tốn thời gian nhiều dữ lắm. Xíu mại trứng muối dù làm số lượng nhiều nhưng phải chú ý kỹ, sạch sẽ tuyệt đối nếu không khi nấu ra sẽ hư hết, mình bán không được mà khách mua về cũng không để lâu được. Bò nướng thì mình nướng chia làm nhiều lần, bán tới đâu nướng tới đó, bò vừa nướng xong ăn liền mới ngon, nên mình cứ chốc chốc là tới lò lửa''.
Cô Lành tạo cho người đối diện có chút gì đó nhẹ nhàng, thong thả khi quan sát hoặc bắt chuyện
Cắn miếng bánh mì của cô Lành, ngon dở tuỳ khẩu vị mỗi người, nhưng phần lớn ai cũng cảm nhận được sự "gọn gàng, tiểu tiết" trong vị nhân. Chẳng hạn thịt bò sẽ đẫm vị đều, vành thịt cũng không bị khô so với phần thịt ở giữa, nướng vừa đủ mềm nhưng vẫn sừn sựt kích thích vị giác. Xíu mại viên trứng muối dù ăn lẫn cùng bánh mì, rau, dưa leo... nhưng vẫn dậy mùi thơm đặc trưng, trứng muối không khô, không bị cảm giác tựa bột trong miệng mà lại chẳng có mùi tanh... - khó giải thích để mường tượng nếu không tự trải nghiệm.
Bánh mì bò nướng (28.000đ) và bánh mì xíu mại trứng muối (26.000đ) cũng rất đắt khách ở tiệm cô Lành
Có lẽ cô Lành biết mình "khéo tay", nên khi hỏi có tính để lại tiệm bánh mì cho con gái không, cô Lành mới trăn trở: "Cũng muốn để tiệm lại cho con sau này, nhưng chưa biết con có làm được không...".