Theo phong tục của người Việt Nam, Tết đến Xuân về, bên cạnh bánh chưng thì không thể nào thiếu đi sắc màu rực rỡ của các loài hoa. Tùy vào điều kiện của mỗi người, dù khá giả hay không, đều cố sắm cho ngôi nhà của mình một cành đào, cây quất để thêm phần lộng lẫy với niềm tin vào một năm mới tốt đẹp hơn.
Trước nhu cầu ngày càng lớn của người dân, thị trường mua bán hoa Tết Nguyên đán năm nay cũng cực kỳ sôi động. Không chỉ có người trong nghề mà nhiều chị em cũng “chen chân”.
Thị trường hoa, cây trưng Tết sôi đông dịp gần Tết
Cùng làm việc tại một nơi ở Hà Nội nhưng từ sau Tết dương, chỉ có chồng quay lại công ty, còn chị Vân Anh đã sớm lên kế hoạch xin nghỉ để làm “phi vụ riêng”.
“Nhà có vườn đào nhưng chú dì tôi già cả rồi, chỉ đợi mọi người vào mua chứ không còn sức chở đi bán nữa. Vì vậy năm nay tôi và 2 anh em họ quyết định thầu hết 32 gốc đào, mang ra chợ cây cảnh bán. Số lượng cũng không nhiều, mà mất công thuê chỗ rồi nên anh em nhập thêm đào đá về bán”, Vân Anh nói.
“Tiện nhà có xe tải và cậu em cũng khá quen các chợ trên vùng núi, ngày 18 âm lịch, chúng tôi đã lên đó thương lượng và nhập một xe phục vụ các khách muốn chơi sớm trước ông Công ông Táo, đến 24 âm lịch lại lên lấy thêm một chuyến nữa. Bán túc tắc từ đó đến 25 âm, cũng chỉ còn 2-3 gốc đào thường, đào rừng thì còn ngót nghét hơn nửa xe, hy vọng hết trước giao thừa”.
Chị Vân Anh lên tận bản để thương lượng và chọn đào (Ảnh minh họa)
Chị cho biết thêm: “Tôi thương lượng đặt sẵn người ta phần khoảng 100 gốc lớn nhỏ, cộng thêm chi phí đi lại, vận chuyển 2 chuyến, có lẽ rơi vào khoảng 5 triệu thôi - đúng bằng số tiền thưởng năm nay của tôi. Khi mua về, tôi cũng để giá khá mềm cho mọi người mua”.
Dù người bán không tiết lộ cụ thể mỗi cành đào rừng mang về được bán với giá bao nhiêu, song, chúng tôi đã có một cuộc khảo sát giá bán trên thị trường năm nay. Tại Hải Phòng, một cành đào đá, trung bình dao động từ 500.000đ - 1.000.000đ - 2.500.000đ. Còn tại Hà Nội, giá cả có nhỉnh hơn đôi chút, trung bình từ 800.000đ - 2.000.000 - 3.500.000đ. Đương nhiên, cũng có một số gốc đẹp được người chơi chấp nhận một mức cao hơn nữa.
Thử nhẩm tính một chút, bán được 100 gốc đào với mức giá thấp nhất là 500.000đ, chị Vân Anh đã thu được một con số gấp 10 lần chi phí bỏ ra. Đó cũng là một con số quá hời đối với những người làm văn phòng, lương cứng chưa đầy 5 triệu như vợ chồng chị.
Đào rừng được bán ở nhiều con đường trong thành phố (Ảnh minh họa)
Khác với chị Vân Anh, chị My Lan làm trang điểm tại nhà: "Cả năm chị làm trang điểm phục vụ cô dâu, kỷ yếu, lượng khách cũng khá ổn định. Nhưng Tết máu kinh doanh nổi lên tính đến nay mình đi buôn cây cũng được 3 năm rồi và nếu còn sức thì những năm tiếp theo mình vẫn sẽ làm tiếp".
Gian hàng của chị My với nhiều mặt hàng khác nhau: đào, quất, cúc...
Nói về số vốn bản thân bỏ ra cho "thương vụ này" lên đến con số 150 triệu, do làm công việc tự do không có lương cố định đến ngày được trả như mọi người nên đó là số tiền chị tích được. Ngoài ra có năm chị My Lan cũng hùng vốn với người thân nếu xác định buôn to. Chị My Lan chia sẻ: "Năm nay do Tết sớm nên từ giữa tháng 12 dương mình đã phải đi chọn địa điểm để thuê bán, đi tận vườn Hưng Yên và Nhật Tân để lấy về phục vụ mọi người. Đến cuối tháng 12 mình đã căng bạt ra bán hàng rồi. Không chỉ vậy giá thuê mặt bằng năm nay chị cho biết tăng gấp đôi so với năm ngoái, 20 triệu cho 20 ngày".
Đến cuối vụ chị cho biết: "Trung bình các năm thì khoảng 30-40 triệu. Nhưng năm nay chi phí thuê đất + 1 số chi phí khác quá lớn nên lãi có thể giảm xuống 25-30 triệu thôi".
Tính toán thì đơn giản là vậy, thế nhưng, không phải ai cũng đủ dũng cảm khi rời công việc văn phòng 8 tiếng nhìn màn hình máy tính quen thuộc mà trở thành “con buôn” như chị Vân Anh.
“Suốt từ hôm rằm đến giờ, khi lập điểm bán ở chợ cây, 3 chị em tôi phải dựng thêm chiếc lều nhỏ ở bên cạnh và phân chia nhau trông cây ngày đêm. Buổi trưa bố mẹ thương nên mang cơm ra cho ăn, còn không kịp thì gọi cơm hộp, các anh chị bán hàng quanh đây cũng như vậy. Chủ yếu sẽ là 2 em trai canh đêm, tôi vừa bán vừa canh ban ngày. Nhưng buổi trưa có muốn chợp mắt một tí cũng thấp thỏm lo ngủ quên khách gọi không nghe thấy, hay lỡ có ai đi qua bê mất mà mình không hay biết”, chị Vân Anh kể.
“Mấy ngày đầu chưa quen, cũng hơi nản. Riêng khoản chọn đào tận nơi đã không dễ dàng, nếu như không học hỏi kinh nghiệm trước và thương lượng kỹ càng thì rất có thể sẽ bị đưa cho cả đống cây củi chờ về. Lấy đào về còn phải dựng, cắm nước làm sao để hoa không ‘bị mù’. Giờ tôi không chỉ thạo tư vấn đào cho khách mà buộc dây, chằng đào, khiêng đào, tôi đều có thể làm được hết”.
Ảnh minh họa
“Bán đến 30, giao thừa tiện có chỗ, 3 chị em sẽ nhập thêm mía. Cả năm mới có nửa tháng được bận rộn như vậy, bù lại, có một khoản dư dả để lo cho gia đình. Từ 27 đến 30 âm lịch dự sẽ là cao điểm mua bán, chồng tôi cũng kịp về phụ giúp”, chị nói thêm.
Với những người đi buôn mùa Tết này thì việc ăn ngủ ở chỗ bán là chuyện thường, chị My chia sẻ: "Cứ xác định là từ 20 Tết là ăn ngủ tại đây luôn mình và chồng mình thay phiên nhau. Ông bà hai bên cũng phụ giúp chăm cháu, nhà mình thì ở cùng nên việc sắm sửa cũng nhờ ông bà làm giúp. Thi thoảng có khách gọi đi make mình đành từ chối chỉ có khách quen mới nhận thôi. Tuy phải chịu lạnh, chịu rét, thức đêm trông hàng nhưng cũng vui lắm khi được trải nghiệm làm ‘con buôn’.
Do nhiều cây có giá trị cao nên chị My và chồng thường xuyên thay phiên nhau ngủ tại kiot thuê
Khi được hỏi về dự định sau Tết, chị Vân Anh tỏ ra khá bình thản: “Tôi có ý định tuyển lại vào công ty cũ, ở vị trí khác. Còn nếu không, tôi cũng có sẵn hồ sơ để gửi đi những công ty khác. Mà chuyện đó tính sau đi, bây giờ tôi tập trung bán hết chỗ đào này đã”. Còn với chị My: “Mình sẽ thưởng cho gia đình chuyến du lịch xa xa một chút để tận hưởng vì sự cố gắng suốt thời gian vừa qua. Còn mình vẫn duy trì công việc trang điểm của mình”.
Muốn kinh doanh hoa cây ngày Tết cần những điều gì?
- Những người phù hợp với công việc này: Chị em nội trợ, dân văn phòng có thời gian.
- Cách bán: Tại nhà, online, muốn mô hình lớn hơn có thể tìm thuê khu vực như chợ hoa, dọc các con đường trung tâm.
- Vốn bỏ ra: Khá nhiều - nếu buôn ít thì cũng khoảng 5 triệu, nhiều thì lên tới chục triệu đến gần cả trăm triệu.
- Nhu cầu: Là mặt hàng bán chạy vào các dịp Tết. Tuy nhiên nhiều người kinh doanh nên rủi ro còn thừa hàng khá cao.