Ung thư vốn dĩ là căn bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi. Theo nhiều cuộc khảo sát, tỷ lệ người trẻ Việt mắc ung thư ngày một gia tăng. Bằng một cách nào đó, ung thư đến với họ đột ngột và đương nhiên, biến cuộc đời còn đang ở phía trước họ trở nên u tối, thậm chí không lối thoát. Họ bắt đầu suy nghĩ: tại sao lại là ung thư? Tại sao trên cuộc đời vô thường này có biết bao người, ung thư lại chọn mình? Mình còn trẻ, còn cả một kiếp người.
Chúng ta thường nói về ung thư bằng nước mắt, là những chuỗi ngày đau đớn và lặng nhìn cơ thể héo mòn theo năm tháng.Chỉ đến khi mắc thứ bệnh vô phương cứu chữa, chúng ta mới ngoái đầu nhìn lại, à hoá ra, suốt những năm tháng qua, chúng ta đã sống sai.
Lê Thị Bảo Yến - cô giáo trẻ không may mắc ung thư gan giai đoạn 3, nhưng tinh thần của cô khiến nhiều người nể phục.
"Mình 24 tuổi, là con một của bố mẹ. Lấy chồng được một năm, rất yêu nhau, vô cùng hạnh phúc với tình yêu và sự nghiệp chung tay xây dựng. Cách đây 10 ngày, mình phát hiện bị ung thư gan - giai đoạn 3. Trong gan có nhiều khối u lớn nhỏ. Cái to nhất thì như quả trứng gà.
Mình không muốn nhiều người trong gia đình biết chuyện, nhưng với những người trẻ, mình muốn các bạn hãy xem bài viết sau như lời cảnh tỉnh/ thức tỉnh, đặc biệt là về cách sống".
Vì sao đùng một cái mà đã giai đoạn 3?
Ngày trước mình hay đi khám tổng quát lắm. Cứ tầm 8 tháng thì lại đi một lần. Nhưng bẵng đi 2 năm, vì bận bịu công việc thành lập và phát triển sự nghiệp, bận nọ bận kia tỉ tỉ thứ mà mình không đi khám. Giờ sự nghiệp ổn ổn, mình rảnh hơn đi khám thì phát hiện ra ung thư nhưng đã khá nặng rồi.
Mà bệnh ung thư gan này không hề có triệu chứng gì cả. Không đau, không mệt, không chán ăn, không có bất kỳ dấu hiệu gì hết nên mình chẳng biết gì là có bệnh. Các bác sĩ nói, khi có triệu chứng thì đã là giai đoạn cuối rồi.
Thế nên, dù khỏe mạnh bình thường, dù bận đến mấy thì các bạn cũng phải đi khám tổng quát thường xuyên. Chỉ mất một ngày thôi và chi phí khoảng 1-5 triệu tuỳ vào bệnh viện và các gói. Như vậy, mỗi năm mình chỉ cần bỏ ra 2 ngày và 2-10 triệu để kiểm soát toàn bộ các bệnh nặng khó chữa.
Cô giáo Yến phát hiện ung thư gan cách đây khoảng 10 ngày, từ đó đến giờ cô thay đổi 4 bệnh viện để tìm liệu pháp tốt nhất để được sống.
Tại sao lại là ung thư gan?
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có một số nguyên nhân mà chúng ta hoàn toàn có thể tự cải thiện được:
Giờ đi ngủ: Giờ làm việc thải độc của gan là từ 11h-1h sáng lúc ấy cơ thể cần ngủ sâu. Tức là chúng ta cần phải ngủ từ khoảng 10h nhưng trong số chúng ta thì được bao nhiêu người đi ngủ lúc 10h nhỉ. Nếu làm vậy, chúng ta thật giống người già. Nếu làm vậy, chúng ta bỏ mất hết các cuộc vui. Nếu làm vậy, chúng ta không giải quyết hết công việc. Và đến một ngày chúng ta nhận ra là gan đã bị tổn thương quá nặng nề.
Mình là như vậy mà, đa số là đi ngủ lúc hơn 12h, có khi là 1-2h sáng. Cách đây khoảng 3-4 tháng thì mình có thay đổi, đi ngủ lúc 11h nhưng có vẻ là đã quá muộn vì ung thư đã phát triển từ hơn 1 năm trước rồi.
Ăn uống khoa học: Đồ cay nóng rất ngon, thịt lợn thịt bò (thịt đỏ) nướng kèm sốt, các món chiên xào rán thì quá là hấp dẫn, nước ngọt, bia vào mùa hè quá tuyệt, và tỉ tỉ loại đồ ăn tổng hợp nhiều chất bảo quản khác nữa đều được chế biến thành các món ngon không cưỡng lại được. Nhưng tất cả những cái đó đều làm cho gan mệt mỏi và kiệt sức.
Mình đã từng ăn quán rất nhiều vì công việc không cho phép mình nấu ăn. Ra ngoài thì cũng ăn quá nhiều thịt đỏ, lại còn cứ chiên xào rán nhiều sốt mà chén. Ăn sướng miệng lắm cơ.
Cách đây 3 tháng, mình tham gia vào chế độ dinh dưỡng mà hạn chế thịt đỏ, tích cực ăn ức gà, cá, rau củ quả, trái cây, gạo lức, khoai lang. Loại bỏ đồ chiên xào rán nhiều dầu mỡ. Đây là chế độ rất khoa học, chỉ tiếc là ung thư gan của mình đã phát triển từ cách đây hơn 1 năm rồi.
Tích cực cập nhật sự tiến bộ của khoa học: Nếu bạn đang mắc một căn bệnh gì đó mà phải sống chung với nó thì đừng tự chấp nhận sống chung với nó mãi. Hãy luôn tìm hiểu sự phát triển của khoa học xem bệnh đó đã có cách chữa chưa. Vì khoa học tiến bộ lên từng ngày, hôm nay không có cách chữa thì có thể 1-2 năm sau sẽ có cách.
Các bạn trẻ nhớ nhé. Hãy thay đổi thói quen của các bạn trước khi bệnh tật ập tới. Thói quen nào cũng thay đổi được, nhưng bệnh thì không phải bệnh gì cũng chữa được đâu.
Ung thư rất đáng sợ, nhưng Yến đón nhận nó một cách bình tĩnh.
Sau bài chia sẻ đánh động vào thói quen, cách sống của người trẻ, Yến đang chuẩn bị cho đợt xạ trị lần đầu tiên vào thứ 4 tới. Bề ngoài, Yến là một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn và điều đặc biệt trên gương mặt của cô là nụ cười tươi và đôi mắt sáng. Yến hiện là một bệnh nhân ung thư, nhưng nếu không ai nhắc tới điều đó thì khó có thể nhận ra. Yến không suy sụp, không buồn chán, không lo lắng, ngược lại, cô tạo cho người đối diện một cảm giác vui vẻ, lạc quan và yêu đời.
Yến có một niềm tin mạnh mẽ, rằng sau khi làm xạ trị kết hợp với chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, tập luyện khoa học thì các khối u sẽ bị khống chế và teo đi. Yến tin như thế nên vẫn có thể cười nói cả ngày, trừ lúc sốt và làm các thủ thuật.
Yến kể, ung thư gan đến với cô không hề được báo trước thông qua các dấu hiệu bệnh như những loại ung thư khác. Một cách nhẹ nhàng cho lần đi khám tổng quát cùng chồng, bác sĩ phát hiện khối u lớn trong gan. Trong vòng 4 ngày, Yến đi khắp 4 bệnh viện lớn nhỏ ở Hà Nội, và cuối cùng "hạ cánh" tại Bệnh viện quân đội 108 với chẩn đoán: ung thư gan, không thể cứu chữa! Nhưng cô vẫn quyết định nhập viện để cầm cự cho đến ngày cuối cùng.
Bên cạnh Yến là anh Khánh - chồng cô, người đàn ông khóc hết nước mắt khi hay tin vợ mắc ung thư.
"Ban đầu khi 3 bệnh viện đầu tiên trả về, mình nghĩ biết đâu vẫn còn cách chữa nên cứ đi viện khác thử. Tại đây, các bác sĩ bảo "xạ trị chiều trong chọn lọc" là cơ hội duy nhất của mình. Mình chấp nhận bước vào cuộc chiến này".
Cũng như bao bệnh nhân K khác, cảm giác đầu tiên của Yến là sốc.
"Nhưng chỉ là sốc trong lúc đấy thôi, mình cũng không khóc, không làm sao hết. Mình chỉ biết mình bị bệnh và phải chữa bệnh, không cảm thấy buồn bã gì nhiều, không lo lắng. Ừ thì bệnh gì cũng có cách chữa, mà không có thì mình cứ sống những ngày vui vẻ còn lại".
Yến không buồn, chỉ có gia đình buồn thay cô và khóc nhiều. Ung thư gan giai đoạn 3 được chẩn đoán là quá muộn, chồng Yến rất lo. Lúc về nhà, buổi tối khi trườm tay cho vợ, anh Khánh vừa trườm vừa khóc. Khóc đã xong, anh lại trốn vào nhà vệ sinh... khóc tiếp.
Với bố mẹ Yến, cô là đứa con duy nhất. Chẳng thể có đủ ngôn từ để diễn ra sự đau lòng của hai ông bà khi hay tin con gái tự dưng mắc ung thư. Bố mẹ nghĩ nhiều, rồi trằn trọc ngẫm: Tại sao bản thân mình già như thế này không bị làm sao, còn con mình trẻ thế lại bị? Rồi họ trải qua một mớ cảm giác hỗn độn, từ đau đớn không biết xạ trị có kết quả như nào, liệu Yến có sống tiếp được hay không, rồi họ thương, vì con mình đứt ruột đẻ ra, giờ phải chịu sự đau khổ đến như vậy.
Chung quy lại, người thân lúc này thậm chí còn yếu đuối hơn cả chính bản thân Yến.
Cuộc đời có bao nhiêu, ung thư cũng kệ, cứ phải rạng rỡ!
"Mình mới 24 tuổi, cũng có thể nói là còn cả cuộc đời phía trước. Nhưng mình không sao, mình trót bị như vậy rồi mình phải chấp nhận theo phương pháp cuối cùng để được sống. Còn nếu không được, mình vẫn cứ đẹp đến lúc mình còn đẹp được. Cứ ngồi đấy lo lắng, buồn phiền cũng không giải quyết được vấn đề gì".
Người ta thường không chết vì ung thư mà chết nhanh do xạ trị. Xạ trị là con dao 2 lưỡi. Yến biết điều này, nhưng cô chấp nhận tất cả cho trận chiến đầu tiên này vào thứ 4 tới. Các bác sĩ hiện chưa vạch ra số lần xạ trị dành cho Yến, họ chỉ nói cứ làm đợt này đã rồi dựa vào kết quả đấy mới tính tiếp.
"Đương nhiên là mình sợ, vì mình sợ đau, mình cũng biết xạ trị nhiều người nào rụng tóc, nào buồn nôn, nhưng chắc chắc mình phải kiên cường mà chiến đấu với nó chứ cũng không biết làm thế nào. Đau như nào cũng phải chịu vì đấy là cách duy nhất mình có để sống tiếp. Đau cũng chỉ 1, 2 ngày, không sao cả, cứ lạc quan rồi sẽ hết!".
"Mình nghĩ một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ung thư gan, là do cách sống cũng hơi buông thả trước đây của mình".
Yến kể, cô thức khuya nhiều. Bản thân 2 vợ chồng Yến tự kinh doanh riêng nên cần đầu tư quá nhiều thời gian và công sức. Suốt trong vòng 2 năm khi cả 2 bắt đầu lập trung tâm ngoại ngữ thì thức khuya rất nhiều, có những hôm thức trắng đêm để làm việc.
"Thường, bọn mình ngủ lúc 1, 2h sáng, cường độ công việc và áp lức đè nặng. Chính vì thế, hai vợ chồng toàn ăn cơm hàng quán vì không có thời gian nấu ăn. Ăn uống linh tinh, cứ hàng bún hàng phở mà ăn thôi cho nhanh. Rồi trà sữa, gà rán,... Bọn trẻ chúng mình ai chẳng thế!".
Người trẻ Việt hiện nay đang có xu hướng sống kiểu cuộc sống về đêm, tất cả mọi người đều sống như thế, nên chúng ta cũng buộc phải thế, nếu không thành ra "lạc đàn". Thử hỏi xem có mấy ai đi ngủ vào 10h đêm, ăn cơm đúng bữa, không bỏ bữa sáng. Thành thử, chúng ta đang vô tình bỏ mặc sức khoẻ của bản thân, chỉ đến khi phát bệnh mới muộn màng nhận ra.
"Một năm mình bỏ ra vài triệu đi khám tổng quát, còn hơn bỏ ra 500 triệu cho một lần xạ trị. Cái sự đánh đổi quá lớn. Chứ đừng để như mình, 2 năm mới đi khám là hơi lâu. Nói chung, thay đổi cả chế độ ăn uống: giảm đường, giảm đồ uống đóng chai, thực phẩm chiên, xào, tích cực ăn rau củ quả. Và còn cần ngủ sớm hơn, giảm lượng công việc đi".
Trước khi phát hiện bệnh, Yến dự định đi du lịch cùng chồng, rồi còn kế hoạch phát triển thêm một trung tâm ngoại ngữ nhưng mọi việc sẽ phải hoãn lại. Còn hoãn đến bao giờ thì Yến cũng không rõ.
Đặc biệt, dự định sinh con cũng buộc phải lùi lại.
Yến luôn thể hiện trước mọi người cô là một kẻ mù quáng lạc quan hết sức, cô cũng không hiểu bản thân lấy đâu ra tinh thần ấy nữa. Các bác sĩ nhiều khi thắc mắc: Em có biết ung thư là gì không mà cứ cười suốt thế! Yến đáp: Em biết chứ, nhưng em vẫn cứ cười thôi.
"Mình không bao giờ suy nghĩ quá nhiều, mình cho rằng việc gì cũng có cách giải quyết. Mà nếu như không có phương pháp thì mình sẽ chấp nhận, chấp nhận một cách vui vẻ, để mình có thể sống tiếp được ngày nào hay ngày đấy. Thực ra có lo lắng cũng làm được gì đâu. Mình cứ sống bình thường thôi, đừng nghĩ tới nó nữa".
Dù sao cũng vui vẻ, cuộc sống mà, phải rạng rỡ chứ!
Yến bảo, mình là bệnh nhân trẻ nhất khoa nội tiêu hoá cũng là bệnh nhân hay cười nhất. Chung phòng bệnh với các bác lớn tuổi, có người điều trị ung thư cũng đã 8 năm, Yến học được uống thuốc gì, rồi cách sinh hoạt ra sao. Cuộc sống ở viện bên những cụ già cũng thú vị không kém, không nhất thiết vào nơi toàn người trẻ mới vui!
"Lời sau cùng, mình muốn gửi tới mọi người, nhất là các bạn trẻ, dù là bệnh gì đi chăng nữa cũng nên lạc quan, trước hết là như thế đã, dẫu biết lạc quan được cũng rất khó. Đừng nghĩ tới bệnh tật, vì càng nghĩ càng thêm nặng. Biết rằng là đau đớn nhưng ít ra đấy là cơ hội cuối cùng mình có thể bấu víu vào.
Dù sao cũng vui vẻ, cuộc sống mà, phải rạng rỡ chứ!".